Chuyến thăm Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa hai nước

PGS, TS Alfred Gerstl, Chủ tịch Hội Áo-Việt Nam (GÖV), nhận định rằng chuyến thăm chính thức tới CH Áo của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thể hiện mối quan hệ gắn bó giữa hai nước trong bối cảnh Áo và Việt Nam thường xuyên duy trì trao đổi đoàn ở cấp chính trị cao nhất.

Theo PGS Alfred Gerstl, đối với Liên minh châu Âu (EU) và Áo, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đặc biệt là Đông Nam Á, ngày càng trở nên quan trọng về kinh tế và chiến lược. Do Việt Nam có vai trò then chốt ở Đông Nam Á và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước châu Âu ngày càng mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam.

Theo ông, trong nỗ lực này, Áo có lợi thế lớn bởi đây là một trong những quốc gia châu Âu đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, từ năm 1972. Công cuộc Đổi mới với việc mở cửa nền kinh tế của Việt Nam đã tạo động lực mới cho quan hệ này. Trong thập niên 1990, sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995, cùng năm với việc Áo gia nhập EU, hợp tác giữa hai nước càng được đẩy mạnh. Một biểu tượng cho điều đó là chuyến thăm của Tổng thống LB Áo lúc bấy giờ là ông Thomas Klestil tới Việt Nam năm 1995. Ba năm sau, Đại sứ quán Áo tại Hà Nội được khai trương, bên cạnh một trung tâm ngoại thương của Áo ở Thành phố Hồ Chí Minh.

PGS, TS Alfred Gerstl, Chủ tịch Hội Áo-Việt Nam (GÖV).

Hiện nay, quan hệ đặc biệt về kinh tế giữa hai nước có sự phát triển vượt bậc. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Áo tại Đông Nam Á. Áo chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam đồ điện tử, đặc biệt là điện thoại di động, cũng như giày dép và quần áo, trong khi thực phẩm, các sản phẩm kim loại và đồ nội thất đang ngày càng trở thành những mặt hàng quan trọng hơn.

Ngược lại, Áo xuất khẩu sang Việt Nam các sản phẩm máy móc, thiết bị điện, dược phẩm và dụng cụ y tế. Việt Nam cũng ngày càng trở nên hấp dẫn hơn đối với Áo và EU với tư cách là một địa điểm đầu tư và sản xuất, do quốc gia này hội nhập tốt vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực và toàn cầu. Việt Nam có thể trở thành một trung tâm quan trọng của khu vực, đặc biệt nếu hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện hơn nữa. Áo hiện có gần 60 công ty mở chi nhánh tại Việt Nam, với tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu euro. Áo có trình độ chuyên môn cao trong các lĩnh vực Việt Nam đang cần, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, xử lý nước và tái chế chất thải. Do vậy, hai bên có triển vọng rất lớn để làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ song phương.

Để có thể tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước, theo Chủ tịch GÖV Gerstl, ngoài các chuyến thăm lẫn nhau thường xuyên của lãnh đạo cấp cao, cần có sự đối thoại chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp hai nước. Bên cạnh đó, giới khoa học hai bên cũng cần có trao đổi liên tục cũng như tăng cường trao đổi sinh viên giữa các trường đại học.

Một dự án thú vị hiện nay giúp ích cho người dân cả hai nước là chương trình đưa y tá và điều dưỡng viên Việt Nam sang Áo học tập và làm việc, trong đó học viên học tiếng Đức ở Việt Nam và sau đó được đào tạo chuyên môn ở Áo. Ngoài các trao đổi này, việc thiết lập quan hệ đối tác giữa các bang của Áo với các tỉnh thành của Việt Nam cũng cần được thúc đẩy. Với các chuyên gia và mạng lưới của mình, Hội Áo-Việt Nam cùng Hội Hữu nghị Việt Nam - Áo có thể hỗ trợ thiết lập các liên hệ và tiếp xúc cần thiết trong vấn đề này.

Tin, ảnh: TTXVN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/chuyen-tham-ao-cua-chu-tich-nuoc-vo-van-thuong-the-hien-moi-quan-he-gan-bo-giua-hai-nuoc-735691