Chuyển tải nguyện vọng chính đáng của cử tri thành chính sách

Để tạo không khí sôi động cho các cuộc TXCT, đại biểu cần chuẩn bị chu đáo, rèn các kỹ năng nói, lắng nghe, kỹ năng tổng hợp giải trình, tiếp thu... Đặc biệt, cần thể hiện chữ tâm - tâm với công việc, với cử tri, thể hiện sự sốt sắng với công việc chung, quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, coi khó khăn và lo lắng của cử tri như khó khăn và lo lắng của người thân mình. Khi đó, đại biểu mới đau đáu với giải pháp giải quyết cho cử tri, để chuyển tải những nguyện vọng chính đáng của cử tri thành chính sách.

Cử tri huyện Lục Ngạn, Bắc Giang phát biểu ý kiến trong một buổi tiếp xúc với Tổ đại biểu HĐND tỉnh

Mối liên hệ gắn bó mật thiết

Trách nhiệm TXCT của đại biểu HĐND được quy định cụ thể tại Điều 94 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019). Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người đại biểu dân cử, là “cầu nối” giúp đại biểu kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng và các vấn đề bức xúc cử tri phản ánh để chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; đồng thời, giúp việc ban hành các chủ trương, cơ chế chính sách của địa phương sát thực tiễn, hợp lòng dân. Qua đó, thắt chặt hơn mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa đại biểu với cử tri.

Phát huy vai trò, trách nhiệm trước cử tri, nhiều địa phương đã tổ chức TXCT nghiêm túc, có chất lượng, có sự phối hợp giữa các Tổ đại biểu và các đại biểu với Ủy ban MTTQ các cấp, chính quyền địa phương ngày càng chặt chẽ, phương thức tiến hành ngày càng được cải tiến khoa học và hiệu quả hơn, đa số ý kiến cử tri đồng tình với cách giải quyết và trả lời của các cơ quan hữu quan. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn cò địa phương chất lượng các buổi tiếp xúc còn hạn chế; hình thức tổ chức TXCT chưa phong phú, đa dạng, đại biểu tham dự các cuộc TXCT chủ yếu là đại cử tri (cán bộ lãnh đạo UBND, các tổ chức đoàn thể cấp xã, ấp); các ý kiến, kiến nghị của cử tri ít tập trung vào những vấn đề chung mà chủ yếu vào các nội dung đề nghị cấp trên bố trí, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương; mở rộng các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức... số ý kiến tham gia vào nội dung, chương trình kỳ họp còn rất ít.

Bên cạnh đó, kỹ năng tiếp xúc, đối thoại với cử tri của một số đại biểu HĐND còn hạn chế; việc giải trình và tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri của một số đại biểu HĐND tại các cuộc tiếp xúc chưa tốt, chỉ tiếp thu chứ ít nghiên cứu giải trình tại chỗ những nội dung có thể trả lời ngay để đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri. Chất lượng giải quyết một số ý kiến, kiến nghị cử tri của UBND các cấp và các cơ quan hữu quan chưa cao, thiếu kịp thời; công tác kiểm tra, theo dõi, đôn đốc UBND, các ngành, địa phương, đơn vị giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri chưa thường xuyên và việc tổ chức các hoạt động giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri còn ít.

Đau đáu với biện pháp giải quyết cho cử tri

Từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, thắt chặt hơn mối liên hệ gắn bó mật thiết giữa đại biểu với cử tri, trước hết, Thường trực HĐND phối hợp tốt với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xây dựng kế hoạch TXCT cho đại biểu HĐND thật sự khoa học. Mở rộng nhiều hình thức TXCT phù hợp (TXCT do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc chủ trì tổ chức trước và sau kỳ họp, TXCT chuyên đề, TXCT nơi công tác, nơi cư trú...). Ngoài TXCT theo kế hoạch, đại biểu cần chủ động tiếp xúc, giữ mối liên hệ với cử tri bằng các hình thức khác nhau, nhất là qua các nền tảng xã hội để tăng cường hơn nữa mỗi liên hệ thường xuyên, gắn bó mật thiết với cử tri. Không chỉ giúp đại biểu lắng nghe kịp thời tâm tư, nguyện vọng, hiến kế của cử tri, nhân dân mà còn là nguồn tư liệu thực tiễn sinh động, quý giá cho hoạt động của đại biểu.

Để tạo không khí sinh động cho các cuộc TXCT, nội dung báo cáo trước cử tri cần được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng. Báo cáo với cử tri những nội dung cụ thể kỳ họp HĐND sẽ quyết định, khắc phục tình trạng báo cáo chung chung, không định hướng, gợi mở được những vấn đề cần cử tri phát biểu, đóng góp ý kiến; đồng thời, dành nhiều thời gian hơn cho cử tri phát biểu ý kiến. Đại biểu cần có các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng tổng hợp giải trình, tiếp thu... Đặc biệt, phải thể hiện chữ tâm - tâm với công việc, với cử tri, sốt sắng với công việc chung, sự quan tâm đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của cử tri, coi khó khăn và lo lắng của cử tri như khó khăn và lo lắng của người thân mình. Từ đó, tìm ra biện pháp để giải quyết cho cử tri, để chuyển tải những nguyện vọng chính đáng của cử tri thành chính sách.

Cùng với tìm hiểu trước những vấn đề nổi cộm của địa phương để mời thêm lãnh đạo ngành chức năng tham dự, trả lời ngay những nội dung thuộc thẩm quyền, việc xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri phải đầy đủ, trung thực, có chọn lọc, có tính khái quát cao, tránh trùng lặp, thể hiện rõ ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri; đồng thời, gửi kịp thời tới các cơ quan có chức năng theo đúng thẩm quyền giải quyết. Đặc biệt, cần tăng cường theo dõi, đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời có hiệu quả các ý kiến, kiến nghị của cử tri bằng nhiều cách thức khác nhau để những kiến nghị chính đáng của cử tri sớm được giải quyết.

KIỀU BẢO

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/chuyen-tai-nguyen-vong-chinh-dang-cua-cu-tri-thanh-chinh-sach-i363165/