Chuyện sen trong đầm

Một học sinh cũ nay là phụ huynh, nói với tôi, giáo viên ra đề cho con cô làm bài thảo luận về bài ca dao 'Trong đầm gì đẹp bằng sen'… hồi xưa có học bài này, nhưng lâu rồi chỉ còn thuộc bài ca dao thôi, nên nhờ tôi gợi ý.

Chuyện sen trong đầm

Văn chương tự cổ vô bằng cớ

Nhắc đến bài ca dao, tôi lại nhớ có lần ngồi trao đổi với hai thầy giáo dạy văn khi trên mạng truyền thông đang rộ lên việc nước ta đưa ra thăm dò dư luận chọn hoa sen làm quốc hoa. Lúc trao đổi về giá trị nội dung và nghệ thuật bài ca dao, tôi nói với hai thầy hồi ở Huế - 1976, có lần tôi nghe nhà thơ Huy Cận đến nói chuyện với sinh viên khoa văn, ông có bình về bài ca dao này. Ông nói tác giả dân gian thẩm định hết sức cẩn thận, tỉ mỉ để xác nhận về đặc điểm của sen, ông đưa bàn tay trái lên rồi lấy bàn tay phải lật ra từng ngón như đếm từng thứ một về màu sắc từ ngoài vào trong: “Lá thì xanh, bông thì trắng, nhị thì vàng nè”, rồi ông khép từng ngón một lại và đếm màu sắc từ trong ra ngoài: “Nhị vàng, đến bông trắng, lá xanh”. Ông bình về cách phối màu của nó, rồi nói đến hiện tượng đổi vần trong bài ca dao mà ít ai chú ý, ở chữ cuối câu 2 là “vàng” (Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng) không hiệp vận với chữ thứ 6 câu 3 là “xanh” (Nhị vàng bông trắng lá xanh). Ông nêu lên cách đổi vần đột ngột từ “vàng” sang “xanh” để bình luận về cái hay của bài ca dao, về cái đẹp của hoa sen, về đạo lý cao cả được gửi gắm trong câu “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Tôi đang hào hứng kể lại kỷ niệm khi nghe ông nhà thơ nổi tiếng bình luận về ca dao thì một thầy chen ngang: Tôi có đọc bài Hoa sen của Phùng Quán, ông ấy phủ nhận toàn bộ giá trị nội dung bài ca dao này, phần đầu ông viết: “Mặc cho câu ca được cả nước lưu truyền/ Và đời vẫn tin là ca ngợi phẩm cách của sen/ Nhưng tôi vẫn không thể nào tin được/ Câu ca này gốc gác tự nhân dân/ Bởi câu ca sặc mùi phản trắc/ Của những phường bội nghĩa vong ân!/ Vốn con cái của giai cấp cùng khổ/ Chúng chòi lên cuộc đời quyền lực vàng son/ Nghĩ đến mẹ cha chúng xấu hổ/ Chúng mưu toan giấu che từ bỏ/ Nói xa gần chúng mượn chuyện sen/ “Nhị vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”/ Tất cả là trong cái chữ “gần”/ Chỉ một chữ mà thấu gan, thấu ruột/ Những manh tâm bội nghĩa vong ân”. Theo ông, sen không phải “gần bùn” mà ở ngay trong bùn, lấy bùn làm chất dinh dưỡng để mọc lên, phát triển, ra lá, ra hoa, mùi “hương thanh khiết” để“ta đặt lên bàn thờ cúng”. Vì thế kết thúc bài thơ ông “Nhân danh bùn/ Nhân danh sen/ Tôi đề nghị:/ Đuổi câu phản trắc này khỏi kho báu dân gian!”. Nói đến đây, thầy nhìn bọn tôi cười, cả hai nhà thơ tầm cỡ quốc gia, mà mỗi ông nhìn về bài ca dao hoàn toàn trái ngược, ông thì ngợi ca tác giả dân gian, còn ông thì lên án gay gắt, cho rằng bài ca ấy không phải “gốc gác tự nhân dân”,“Bởi câu ca sặc mùi phản trắc”, cho rằng người sáng tác là “những phường bội nghĩa vong ân!”. Hai anh nghĩ thế nào?

Cần hướng tư duy độc lập

Tôi chưa kịp nói gì thì thầy kia lên tiếng: Tôi đã đọc bài thơ này rồi, thấy đó là một phát hiện rất mới, rất táo bạo của nhà thơ Phùng Quán. Thật ra, vốn dĩ sen là loài hoa có đặc tính kỳ diệu, thực chất sen từ bùn mọc lên rồi nở hoa tỏa ngát hương thơm, đặc biệt, nơi sen mọc hồ nước bao giờ cũng trong, không vẩn đục, cọng sen mọc lên luôn thẳng đứng như thể hiện tính trung trực, khi nâng lá sen, bông sen vượt lên khỏi mặt nước không bị vấy bùn, không vẩn mùi bùn. Nên sen được xem là loài có tính thanh lọc, tính vô nhiễm, thanh cao, khác với các quan hệ đời thường trong cộng đồng người mà tục ngữ đã nêu: “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”; “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”, “đi với bụt mặc cà sa, đi với ma mặc áo giấy”. Ở đây bài ca dao chỉ nói đến hoa sen trắng (bạch liên), chứ hiện nay người ta trồng sen hồng (hồng liên) nhiều hơn. Nhưng dẫu màu trắng hay màu hồng, cái đẹp sắc màu của sen không sặc sỡ như nhiều loài hoa khác, đặc biệt hương sen không nồng nàn, chỉ tỏa mùi thơm dịu nhẹ, không có loài ong bướm nào đến chập chờn đáp bám lên hoa hút mật, điều đó làm cho mùi thơm của hương và hình ảnh của hoa trở nên thanh khiết, nên nhà chùa mới lấy biểu tượng tinh khiết đó của hoa sen để làm nơi đức Phật và Bồ Tát tọa thiền. Chắc cảm nhận từ góc độ ấy nên bài ca dao mới sống theo thời gian trong cảm nhận của quần chúng nhân dân cho đến bây giờ và mãi về sau. Qua bài ca dao, đúng là người ngoài nhìn vào để cảm vịnh về sen, chứ không phải sen tự nói về mình, nên vấn đề cần được tiếp tục trao đổi.

Nghe tôi kể lại như thế, cô phụ huynh nói, chao ơi, rắc rối thế làm sao học trò hiểu nổi. Tôi nói, bây giờ dạy cho học sinh tư duy phản biện trong làm văn, rất cần những dạng đề như thế để học sinh tìm cách lập luận, tranh luận, nhằm thể hiện nhận thức, tư duy độc lập của bản thân.

Võ Nguyên

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/giao-duc-thanh-nien/chuyen-sen-trong-dam-135993.html