Chuyện ông Tư và những nẻo đường nguồn cội

Khi còn tại vị cũng như sau khi rời cương vị Chủ tịch Nước, ông vẫn hướng ánh mắt và trái tim mình về phía những người phải chịu nhiều thiệt thòi và dễ tổn thương trên đất nước mình. Ông muốn góp phần xoa dịu và làm lành những vết thương trên cơ thể dân tộc; muốn người nghèo có nhà ở, có phương tiện mưu sinh, con em được đến trường; muốn nông thôn khang trang, muốn người nông dân nhanh được đến gần với tiến bộ và phát triển… Và vì thế, dù đã bước vào tuổi 75, phía trước ông vẫn là những cuộc hành trình không ngơi nghỉ...

Chúng tôi đến đúng lúc ông Tư có khách nên bà Tư tranh thủ đưa chúng tôi đi thăm vườn. Khu vườn rộng, xanh mướt sum suê cây trái. Bà Tư tự tay hái cho chúng tôi những trái quýt, trái ổi, trái mận... ngọt lịm. Hình như không có thứ cây trái quen thuộc nào của phương Nam mà khu vườn này không có: vú sữa, sầu riêng, măng cụt, cam, xoài, sa-pô-chê, mít... Cá dưới mương, rau trên vườn. Trước nhà ruộng lúa sắp gặt vàng ươm, thơm ngát mùi no ấm. Khung cảnh ruộng vườn thật êm đềm khiến người ta liên tưởng đến chủ nhân, như thể là một người đã hoàn tất mọi bổn phận, giờ chỉ thong dong tận hưởng…

Vậy mà không. Khu vườn êm đềm, trù phú đó có chủ nhân là một người đặc biệt nhất ở Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa - Long An: nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang, tên thường gọi là ông Tư Sang. Đất đai ông bà tổ tiên để lại cho ông Tư không ít, nhưng chỉ sau khi rời cương vị Chủ tịch Nước vào năm 2016, ông mới có nhiều thời gian để cùng bà Tư và con cháu chăm sóc vườn tược ở quê nhà. Đất nhà ông Tư thời đất nước chưa hòa bình, thống nhất từng là chiến khu Giồng Dứa và là căn cứ bí mật của cánh Tây Nam Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, của Ban Công vận, Ban Hoa vận Sài Gòn - Gia Định và cũng là nơi trú ngụ bí mật của cán bộ cấp cao Tỉnh ủy Chợ Lớn, Long An. Mảnh đất một thời bị bom cày, đạn xới trong chiến tranh, một số người đã bỏ mình nơi đây, giờ xanh ngắt một màu cây trái. Nhưng chủ nhân của nó chưa bao giờ có những ngày tháng thật sự thong dong tận hưởng tại đây. Ông chỉ về đây “phục hồi năng lượng” giữa những chuyến rong ruổi nhọc nhằn để... lo chuyện thiên hạ.

Một công dân đặc biệt

Không sơ mi, veston như thường thấy trên báo chí, tivi, ông Tư xuất hiện trước mặt chúng tôi trong bộ bà ba giản dị, tay áo xắn cao như một nông dân thực thụ. Đoàn khách mà ông vừa đưa tiễn là những lãnh đạo một tỉnh miền Tây. Họ đến gặp ông mục đích không ngoài chuyện lo nhà tình nghĩa, tình thương, xây cầu nông thôn, lo Tết cho diện chính sách, người nghèo...

Nhìn lịch làm việc, di chuyển dày đặc của ông, chúng tôi ngạc nhiên hỏi vì sao ông đã về hưu bảy, tám năm rồi mà không nghỉ cho khỏe, cứ lo việc thiên hạ hoài, ông cười hóm hỉnh: “Hưu gì mà hưu! Còn làm được việc có lợi cho dân, cho nước thì cứ làm, ai bắt mình nghỉ đâu”.

Ông Tư Sang trước hiên ngôi từ đường ở Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An. Ảnh: Quý Hòa

Ông Tư Sang trước hiên ngôi từ đường ở Mỹ Hạnh Nam, Đức Hòa, Long An. Ảnh: Quý Hòa

Thực tế đúng như lời ông nói. Cái mốc phân biệt giữa thời điểm trước và sau ngày 31.3.2016 (thời điểm Quốc hội cho thôi chức danh Chủ tịch Nước) chỉ là lịch làm việc hiện giờ do ông chủ động quyết định. Ông đi đây, đi đó không có thủ tục rườm rà. Và phần lớn công việc đều là công tác thiện nguyện “mệt cái thân nhưng nhẹ cái đầu”.

Sức làm việc của ông đến người trẻ nhìn thấy cũng phải ganh tị. Có khi mới nghe tin ông đi trao tặng nhà tình nghĩa ở biên giới phía Bắc thì vài hôm sau đã thấy ông khánh thành cầu giao thông nông thôn ở An Giang, Long An; ít bữa nữa đã thấy ông ở Nghệ An, Hà Tĩnh... Sự có mặt của ông không chỉ mang ý nghĩa động viên rất lớn về mặt tinh thần mà còn “bảo chứng” cho sự tử tế của hoạt động thiện nguyện mà ông tham gia. Giám đốc một doanh nghiệp lớn tại TP.HCM đã khẳng định: Hoạt động nào có mặt ông Tư thì các mạnh thường quân yên tâm tin tưởng những đóng góp của mình sẽ đến đúng nơi, đúng chỗ, đúng người, đúng việc và trọn vẹn. Hay nói như một lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng: “Có ông Tư góp một tay, chuyện khó mấy cũng làm được”.

Chuyện ông Tư “nhất hô, bá ứng” là có thật. Đơn cử như việc xây 6.700 căn nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh, gia đình chính sách và người nghèo tỉnh Hà Giang bắt đầu triển khai từ tháng 7.2019. Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang khi đó cho biết: “Tất cả kinh phí đều là nguồn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách, cũng không có chi phí quản lý khi triển khai thực hiện. Toàn bộ chi phí xây dựng nhà do huy động trong xã hội đều được đưa trọn cho bà con. Phần lớn số tiền do nguyên Chủ tịch Nước và phu nhân vận động”.

Trước khi làm Chủ tịch Nước và sau khi rời cương vị này, trong trái tim ông Tư luôn nguyên vẹn một tình yêu thương sâu sắc dành cho nhân dân mình; đất nước mình; đặc biệt là tình cảm dành cho những người đã hy sinh máu xương vì độc lập, tự do và chủ quyền của Tổ quốc. Ông nói: “Chỉ mong sao những việc làm nhỏ nhoi của mình có thể giúp đồng bào nghèo có nhà ở, có phương tiện mưu sinh, con em được đến trường; có đường sá thuận tiện để đi lại làm ăn, học hành…”.

Tháng Hai này có hẹn với biên cương

Khi còn đương chức, đi thăm các tỉnh miền núi là việc thường làm của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang. Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang... là những nơi ông hay lui tới. Bởi ông còn là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, thống lĩnh Lực lượng Vũ trang nhân dân Việt Nam. Ngay trước khi rời cương vị Chủ tịch Nước, ngày 17.2.2016, ông đã đi thăm đồng bào, chiến sĩ tại Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Kạn... Ông còn đến tận nhà để thăm, tặng quà cho bà Nguyễn Thị Loan, 81 tuổi - mẹ liệt sĩ Vũ Mạnh Thắng, hy sinh năm 1979 trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Sau này, khi đã rời cương vị Chủ tịch Nước, ông vẫn không bỏ thói quen này. Ông bảo ở đó đồng bào phần đông còn nghèo khó, lại là vùng phên dậu, ông còn sức khỏe nên phải đi để thấy những việc gì có thể vận động làm cho dân đỡ khổ thì cùng anh em làm. Có lần, vào tháng 11.2022, tỉnh Hà Giang tổ chức lễ truy điệu và an táng hài cốt 8 liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc được quy tập tại thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên) về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng lãnh đạo Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hà Giang trong chuyến công tác tặng quà và trao tặng nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh tại Hà Giang, tháng 11.2019. Ảnh: Đức Long

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng lãnh đạo Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Hà Giang trong chuyến công tác tặng quà và trao tặng nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh tại Hà Giang, tháng 11.2019. Ảnh: Đức Long

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang có mặt trong buổi lễ. Ông kể hôm đó một người mẹ liệt sĩ đã nghẹn ngào nói với ông: “Tôi tưởng Đảng và Nhà nước đã quên con tôi rồi...”. Lúc đó ông Tư bỗng thấy trái tim mình như bị ai bóp chặt. Cảm giác mắc nợ đè nặng trong lòng. Ông thấy mình còn phải làm nhiều hơn, nhanh hơn. Tại mảnh đất thiêng Hà Giang, nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc, hơn 40 năm về trước là chiến trường ác liệt nhất của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, hơn 4.000 cán bộ - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, trên 9.000 người bị thương. Hiện còn trên 1.000 hài cốt của cán bộ, chiến sĩ vẫn nằm rải rác trong khe đá, thung sâu chưa được tìm thấy và quy tập.

Không chỉ Hà Giang mà toàn tuyến biên giới phía Bắc, nơi đâu cũng thấm máu đồng bào, chiến sĩ. Nên “đền ơn, đáp nghĩa” là việc phải làm bằng hành động cụ thể chứ không chỉ là lời hứa suông. Chỉ riêng Hà Giang, nguyên Chủ tịch Nước đã vận động mạnh thường quân đóng góp hàng trăm tỷ đồng, cùng với đóng góp của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương xây 6.700 căn nhà cho cựu chiến binh nghèo, gia đình có công, hộ nghèo xã biên giới.

Cũng tại Hà Giang, nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing mà phu nhân nguyên Chủ tịch Nước - bà Mai Thị Hạnh là “thủ lĩnh”, đã đóng góp xây dựng 356 căn nhà cho cựu chiến binh Sư đoàn 356. Khi Hà Giang triển khai chương trình xây nhà, tháng nào ông Tư cũng lên Hà Giang một, hai lần và lần nào cũng dành thời gian đi thăm các cựu chiến binh bệnh tật, khó khăn, nghèo túng.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng và nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo ngày 19.7.2023. Ảnh: TTXVN

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang cùng Chủ tịch Nước Võ Văn Thưởng và nguyên Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo ngày 19.7.2023. Ảnh: TTXVN

Trong bữa cơm trưa hôm ấy trong vườn nhà của nguyên Chủ tịch Nước, chúng tôi nghe ông và người bạn đời của ông bàn tính chuyện lên biên giới vào tháng 2.2024. Chuyến đi này ngoài việc chăm lo cho các gia đình chính sách và cựu chiến binh, còn có một việc làm ý nghĩa khác mà ông chủ trì cùng lãnh đạo địa phương vận động, nhóm thiện nguyện Chia sẻ - Sharing và một số doanh nghiệp ở hai đầu đất nước tích cực hưởng ứng: xây dựng và khánh thành nhà bia tưởng niệm vụ thảm sát tại làng Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Nơi đây, trong cuộc chiến tranh biên giới 45 năm trước, lính Trung Quốc đã tàn sát 43 đồng bào vô tội của chúng ta, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Chi phí của công trình này lên tới hơn 8 tỷ đồng và Chia sẻ - Sharing góp vào đó 1 tỷ đồng.

Đôi chân không mỏi

Mấy năm trước, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng lên gặp ông Tư trình bày: Hơn 40 năm hòa bình thống nhất rồi mà việc xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách vẫn chưa xong, hiện mấy ngàn hộ nghèo cần nhà ở mà địa phương không có ngân sách, cũng không có năng lực vận động. Nghe xong, ông Tư nói: “Tụi tôi sẽ phụ với tỉnh vận động các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm”.

Với sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân trong tỉnh cùng với nguồn lực từ các tập đoàn, doanh nghiệp, nhà hảo tâm bên trong và ngoài tỉnh, trong hai năm 2021 - 2022, Sóc Trăng đã xây dựng được 3.496 căn nhà cho hộ nghèo, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng (trong đó có 1.253 căn cho hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer, chiếm gần 36%) với tổng kinh phí hơn 174 tỷ đồng theo phương thức xã hội hóa.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trao tặng bò giống cho bà con Khmer nghèo ở huyện Tịnh Biên (An Giang) ngày 12.11.2020. Ảnh: Bửu Đấu

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trao tặng bò giống cho bà con Khmer nghèo ở huyện Tịnh Biên (An Giang) ngày 12.11.2020. Ảnh: Bửu Đấu

Bằng cách ấy, ông Tư đã cùng lãnh đạo tỉnh vận động “làm” cho Nghệ An 9.000 căn nhà, Hà Giang 6.700 căn và còn một số nơi khác...

Điều đáng nói là ông Tư luôn tâm niệm “của cho không bằng cách cho”. Đã làm thì phải làm đàng hoàng, làm tới nơi tới chốn. Đã tặng thì phải tặng thứ người ta cần chứ không phải thứ mình thừa mứa. Ông siêng đi về các tỉnh biên giới nên biết rõ cuối năm miền núi phía Bắc giá rét ghê gớm và mùa đông kéo dài nhiều tháng nên căn nhà phải vững chãi, ấm áp. Đi thăm những hộ gia đình cựu chiến binh và hộ nghèo vừa được tặng nhà, ông vào tận nơi xem có bếp, có phòng vệ sinh không?

Cũng với cách nghĩ đó, khi xây cầu cho các vùng nông thôn ở miền Tây, để thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, vận chuyển mua bán nông sản..., ông đề nghị dù cầu ngắn hay dài thì vẫn nên xây bằng bê tông với chiều ngang đủ rộng cho xe tải nhẹ vào thu mua nông sản, xe cứu thương vào chở người bệnh cần cấp cứu, đi lại, học hành cho con trẻ...

Đối với các địa phương miền Trung, ngư dân bám biển mưu sinh và tham gia khẳng định chủ quyền biển, đảo lại rất cần một công cụ thiết yếu là chiếc áo phao đa dụng. Hiểu được nhu cầu đó, chương trình áo phao cứu sinh do ông Tư gợi ý đã được nhóm Chia sẻ - Sharing hưởng ứng rồi lan tỏa ra nhiều tỉnh và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tham gia trên diện rộng hầu khắp các tỉnh ven biển với trên 30.000 bộ áo phao cứu sinh đã cấp phát cho ngư dân nghèo, tổng chi phí 42 tỷ đồng. Mỗi bộ áo phao trị giá 1,4 triệu đồng, gồm 14 dụng cụ hữu ích như: áo phao nổi, bộ quần áo giữ ấm bằng vải sợi polyester, phao nhựa bằng nguyên liệu EVA, kính bảo vệ mắt, còi báo hiệu, 8 phần thực phẩm lương khô... giúp ngư dân có thể sinh tồn tối thiểu 8 ngày trên biển khi gặp sự cố...

Việc tặng thiết bị giám sát hỗ trợ trên tàu đánh cá của ngư dân cũng có sự tham gia vận động tích cực của ông Tư. Lo những điều thiết thực như vậy, ông Tư và những người đồng tâm hiệp lực trong hoạt động này cảm thấy yên lòng khi nói: Ngư dân không chỉ ra biển mưu sinh mà còn góp phần khẳng định chủ quyền của đất nước.

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và các nhà tài trợ đã trao 15 tỷ đồng cho UBND tỉnh Bình Định để mua thiết bị giám sát hỗ trợ cho ngư dân có tàu cá 15 - 24m. Trong ảnh: Trao tặng thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân ngày 25.10.2019 tại Quy Nhơn. Ảnh: Thái Thịnh

Nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và các nhà tài trợ đã trao 15 tỷ đồng cho UBND tỉnh Bình Định để mua thiết bị giám sát hỗ trợ cho ngư dân có tàu cá 15 - 24m. Trong ảnh: Trao tặng thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho ngư dân ngày 25.10.2019 tại Quy Nhơn. Ảnh: Thái Thịnh

Còn rất nhiều những việc làm tốt đẹp với tinh thần “lo cho dân những gì dân cần” mà ông Tư đã góp phần lan tỏa. Ông không nhớ hết nhưng ông có ghi chép cẩn thận. Ghi chép không phải để khoe khoang thành tích hay tự mãn vì mình làm được nhiều việc. Ghi chép để thấy vẫn còn nhiều việc phải làm vì dân nghèo trong nước mình còn nhiều, còn nhiều cảnh đời cơ cực cần giúp đỡ; còn nhiều nơi thiếu thốn, thiệt thòi cần bù đắp; còn những ân tình phải khắc cốt ghi tâm và thiết thực đáp đền. Ông Tư Sang là như vậy nên nhiều người nói ông là một trong số những người nêu gương về sự tử tế trong hoạt động thiện nguyện vì con người.

Khi còn tại vị cũng như sau khi rời cương vị Chủ tịch Nước, ông vẫn hướng ánh mắt và trái tim mình về phía những người phải chịu nhiều thiệt thòi và dễ tổn thương. Ông muốn góp phần xoa dịu và làm lành những vết thương trên cơ thể dân tộc; muốn người nghèo có nhà ở, có phương tiện mưu sinh, con em được đến trường; muốn nông thôn khang trang, được tiếp cận nhanh và gần với tiến bộ, phát triển... Và vì thế mà dù đã bước vào tuổi 75, phía trước ông vẫn là những cuộc hành trình giúp dân không ngơi nghỉ...

Hành trình ấy với ông Tư không chỉ có nhọc nhằn do tuổi tác và những bất trắc không hẹn trước mà còn có sự ấm áp của nhiều người đồng hành là bạn bè, đồng chí đã sẻ chia tâm nguyện và góp sức thực hiện cùng ông. Còn có cả niềm hạnh phúc chỉ có thể cảm nhận mà không dễ nói ra: sao ông có thể an lòng, mạnh bước đi trên hành trình ấy nếu bên ông không là người bạn đời cùng chí hướng, đã tự nguyện làm người "trấn giữ" an toàn mọi cánh cửa nhà ông suốt bấy nhiêu năm…

Đi ăn cơm 2.000 để biết cơm nấu cho người nghèo có ngon không

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh kể rằng trưa ngày 18.9.2017, quán cơm xã hội Nụ Cười 1 ở số 6 Cống Quỳnh (quận 1, TP.HCM) đã bất ngờ đón tiếp một nhóm khách lạ, trong đó có hai vị khách đặc biệt: nguyên Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang và phu nhân. Ông “tới ăn để biết bữa ăn 2.000 đồng cho người nghèo có chất lượng ra sao và cũng để ủng hộ chút ít cho quán”.

Ông yêu cầu ông Nam Đồng, nguyên Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM (cùng vợ là nhà báo Phan Thị Châu quản lý các quán cơm xã hội Nụ Cười) đưa ông vào tận bếp xem việc sắp đặt thức ăn và rất vui khi biết tất cả những người phục vụ tại đây đều tự nguyện không nhận bất cứ khoản thù lao nào. Ông tỏ ra thích thú khi trực tiếp nghe câu trả lời từ những người có hoàn cảnh khó khăn là thực khách thường xuyên của quán: “Đồ ăn ở đây luôn ngon, có rau, có thịt, có cá và cơm có thể xin thêm cho đủ no mà không phải trả thêm ngoài 2.000 đồng”.

Thấy mọi người nhìn vào mâm cơm mình vừa ăn hết, ông tâm sự: “Đi ăn vầy thấy nhớ hồi còn là sinh viên ở Sài Gòn, tôi cũng từng là thực khách của những quán cơm xã hội. Ở các quán cơm đó ấm áp sự chia sẻ nghĩa tình của cộng đồng. Nhiều người đến đây ăn 2.000 đồng và góp cho quán 18.000 đồng để giúp người khác. Cách làm này cần được nhân ra để thêm nhiều người nghèo nữa được giúp”.

Lệ Thủy

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-ong-tu-va-nhung-neo-duong-nguon-coi-42465.html