Chuyện ở nơi đưa con người lánh xa 'cái chết trắng'

Cán bộ bị học viên đánh, chửi như cơm bữa. Làm việc trong môi trường có nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh nguy hiểm những cán bộ đang công tác tại Cơ sở cai nghiện ma túy vẫn lặng thầm với công việc của mình.

Tìm nơi lánh xa "cái chết trắng"

Đón phóng viên ngay từ cổng Cơ sở cai nghiệm ma túy (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình), ông Trần Huỳnh Phú, Phó Giám đốc chia sẻ, nơi đây như một "xã hội thu nhỏ". Trong khung cảnh yên bình này lại có nhiều số phận chẳng bình yên bởi "cái chết trắng".

Cơ sở cai nghiện ma túy thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Bình.

Ở phía góc sân thể thao, học viên N.T.T. với mái đầu lấm tấm tóc bạc đang ngồi trầm tư. Ở tuổi ngoài 40, anh T. buồn buồn kể về câu chuyện mình. Từ một người có gia đình hạnh phúc, công việc ổn định, trong những lần đi làm xa nhà, nghe lời rủ rê rồi dùng thử ma túy. Cái "thử" lặp lại nhiều dần thành quen, anh T. dấn sâu vào cơn nghiện lúc nào chẳng hay.

Lẽ ra ở độ tuổi này anh T. phải nỗ lực để làm lụng chăm sóc bố mẹ, đỡ đần vợ nuôi dạy con nhỏ nhưng khi dính vào ma túy anh không thể thực hiện. Sau những lần dằn vặt bản thân, anh tham gia cai nghiện với mong muốn lánh xa ma túy, làm lại cuộc đời.

"Tôi biết những người nghiện ma túy mọi người và xã hội không ai xem ra gì mà còn xa lánh. Tôi quyết tâm đi cai nghiện, mấy lần trước do nóng vội nên cắt cơn được là tôi xin về. Giờ quyết tâm ở đây 18 tháng vừa để cơ thể sạch thuốc vừa lánh xa những cám dỗ quay trở lại", anh T. chia sẻ.

Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy chia sẻ rằng, đơn vị như một "xã hội thu nhỏ".

Những ngày mới vào, khi cơn thèm thuốc khiến anh không làm chủ được bản thân nên quấy phá, la hét, chửi bới. Được sự quan tâm của cán bộ, nhân viên trung tâm mà anh T. và các học viên thường hay gọi là thầy, cô họ càng nỗ lực cai nghiện. Sau gần 9 tháng cai nghiện, hiện anh T. cảm thấy những nỗ lực của mình là không thừa.

"Ở ngoài chẳng ai xem trọng mình, vào đây các thầy, cô không ghét mà còn động viên, chia sẻ như người thân nên dần tôi cũng kiềm chế và nỗ lực thực hiện việc điều trị. Mình hiểu được rồi thì các em vào sau mình cũng động viên, chia sẻ bởi cùng hoàn cảnh sẽ hiểu nhau hơn", anh T. nói.

Nhiều con người lầm lỡ vào trung tâm để lánh xa "cái chết trắng".

Ở cơ sở cai nghiện, ngoài thực hiện các phác đồ y tế, anh T. cùng các học viên được tạo không gian sinh hoạt đa dạng. Ngoài việc tăng gia nuôi gà, trồng rau... các học viên còn được tham gia lớp học mây tre đan, làm giấy.

"Giờ tôi là đội trưởng đội tự quản, ngày ngày động viên anh em nỗ lực điều trị làm lại cuộc sống. Mọi người được tạo điều kiện học nghề. Việc học nghề rất cần thiết, bởi khi cai nghiện ra mà không có nghề nghiệp rất dễ lại sa vào ma túy", anh T. nói.

Ngoài việc hỗ trợ cai nghiện, học viên còn được tạo điều kiện học nghề.

Anh N.Đ.P. là một học viên trẻ tuổi hơn đang cùng những người khác chăm sóc vườn rau xanh. Cũng từ những lần rủ rê của bạn bè, anh thanh niên dấn thân vào "cái chết trắng". Khi vào trung tâm cai nghiện, được sẻ chia, động viên, anh P. mong muốn mình sẽ mãi cắt đứt với ma túy: "Vào đây mong muốn cai nghiện tốt để về với gia đình, làm lại một con người mới".

Những người thầy, người cô có tinh thần thép

Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy Trần Huỳnh Phú chia sẻ, nhiều học viên mới vào thường có thái độ chống đối, hành động ngang ngược với cán bộ, nhân viên làm nhiều người buồn lòng.

Theo Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy, cán bộ, nhân viên của đơn vị hằng ngày tiếp xúc trực tiếp với những người tham gia cai nghiện ở các lứa tuổi, tính cách, hoàn cảnh gia đình... khác nhau.

"Trước đó có học viên là người bị nhiễm HIV, có nhiều tiền án, khi vào cai nghiện có thái độ bất cần, chống đối. Bằng tấm lòng sẻ chia trong công việc hướng dẫn hằng ngày, học viên này thay đổi bất ngờ, trở nên tình cảm, thân thiết. Với toàn thể học viên mình phải hiểu được tâm lý, cùng tìm cách tháo gỡ khúc mắc rồi chia sẻ chứ không thể cứng rắn với họ", ông Trần Huỳnh Phú chia sẻ.

Hơn 14 năm công tác tại cơ sở cai nghiện này, y sĩ Hà Thị Thúy, cán bộ Phòng Tư vấn điều trị và giáo dục đối tượng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với các học viên. Là phái nữ, những ngày đầu về công tác, chị Hà phải làm việc trong tâm trạng căng thẳng, lo lắng. Trong những lần cơn nghiện làm chủ tâm trí, học viên vô tình đánh, chửi mắng là chuyện chị đã trải qua. Nhưng rồi hiểu và thương những con người lầm đường, chị bỏ qua và nỗ lực hơn trong công việc.

Nữ y sĩ Hà Thị Thúy có hơn 14 năm đồng hành cùng những người lầm lỡ vượt qua giai đoạn vật vã khi cắt cơn.

"Ngày mới về công tác, ca trực nào cũng trong tâm thế căng thẳng, lo lắng. Có những lần họ lên cơn vô tình đánh, chửi mắng tôi và gia đình. Nhưng mình thương và hiểu họ nên không để bụng làm gì. Lâu dần thành quen, càng ngày các học viên càng có ý thức hơn nên công việc giờ đây cũng thuận lợi hơn", y sĩ Thúy chia sẻ.

Câu chuyện là nữ y sĩ này nhớ nhất là về học viên do dùng hồng phiến khiến không làm chủ được bản thân nhiều lần có hành động tự tử khi đang cắt cơn. "Do dùng nhiều hồng phiến nên học viên này bị ảo giác, nhiều lần xé quần áo để làm dây tự tử. Có lần anh ấy còn nhét dị vật vào ổ khóa, chúng tôi phải phá cửa vào để cứu người. Dù quen nhưng trong ca trực vẫn luôn căng thẳng bởi chỉ sở suất tí là có thể xảy ra việc không may", chị Hà Thị Thúy kể.

Dù đã quen với công việc nhưng nữ y sĩ Thúy vẫn không khỏi lo lắng, bởi những lần học viên đánh, chửi mắng là khi họ bị cơn nghiện làm chủ.

Với anh Nguyễn Trung Hiếu, Quyền Trưởng Phòng Tư vấn điều trị và giáo dục, công việc trui rèn cho anh một tâm thế điềm tĩnh. Với những con người có tính cách, hành động khác nhau, anh phải lựa chọn cách xử lý, trò chuyện phù hợp.

"Chúng tôi tiếp nhận giúp học viên qua những ngày vật vã nhất nên những nguy hiểm, bất trắc là nhiều. Tùy học viên, mình phải lựa chọn phương pháp phù hợp, chú trọng việc động viên, chia sẻ để họ hiểu và thực hiện đúng phác đồ", anh Hiếu chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Luân, Phòng Quản lý dạy nghề - Lao động trị liệu, niềm vui khi lao động khiến các học viên có thêm động lực cai nghiện hơn.

Ban đầu các học viên có thái độ chống đối, khó chịu khi tham gia lao động. Nhưng dần thành quen và lao động trở thành niềm vui của các học viên khi cảm thấy bản thân còn có ích.

"Ban đầu lao động cũng có học viên chống đối, thái độ khó chịu. Nhưng dần rồi các học viên quen và yêu thích công việc. Giờ cán bộ và học viên suốt ngày cười nói như chị em trong nhà vậy. Vừa làm vừa chia sẻ câu chuyện cuộc sống, các em mở lòng thì mình càng dễ khuyên và định hướng các em con đường tương lai tốt hơn", chị Luân kể.

Ông Trần Đình Quý, Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy cho biết, đơn vị luôn nỗ lực để hoàn thành tốt việc hỗ trợ cai nghiện góp phần bảo đảm an ninh trật tự cho cộng đồng. Nhiều học viên sau khi rời cơ sở bỏ ma túy và thành công trên con đường lập thân, lập nghiệp, là người có ích cho xã hội.

Đơn vị còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và con người khiến công tác hỗ trợ cai nghiện gặp không ít khó khăn.

Tuy nhiên, đơn vị còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhiều hạng mục quan trọng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Trang thiết bị phục vụ hoạt động của cơ sở hiện cũng chưa đáp ứng, đơn vị hiện chưa có bác sĩ. Cùng với đó, các trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp ngày càng phổ biến khiến việc hỗ trợ học viên cai nghiện gặp không ít khó khăn.

"Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh cùng các đơn vị liên quan chú trọng việc đầu tư, hỗ trợ kinh phí nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất để hoạt động cai nghiện được thuận lợi hơn", Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy, Sở Lao động – Thương binh và xã hội Quảng Bình chia sẻ.

Nghệ Sĩ “Ngã Ngựa” Nhận Cái “Chết Trắng” Khi Dùng Ma Túy Để Thăng Hoa Trên Sân Khấu | SKĐS

Hùng Trần

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-o-noi-dua-con-nguoi-lanh-xa-cai-chet-trang-169240126113928134.htm