Chuyện ở cuối trời Tây Bắc

Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I năm 2023 diễn ra tại Lai Châu đã khép lại hơn một tháng nay, nhưng âm hưởng từ vùng đất cuối trời Tây Bắc đã lan tỏa tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trong mái nhà Việt Nam.

Đồng bào dân tộc Ngái (tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng, Đồng Hỷ) trong trang phục truyền thống.

Đồng bào dân tộc Ngái (tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng, Đồng Hỷ) trong trang phục truyền thống.

Chị Vũ Thị Hường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tự hào: Cùng đồng bào các dân tộc: Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Pu Péo, Si La, Cống, Bố Y, Cơ Lao, Mảng, Lô Lô, Chứt, Lự, Pà Thẻn đến từ các rẻo rừng của tỉnh Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Nghệ An, Quảng Bình, Kon Tum, Đoàn nghệ nhân dân tộc Ngái Thái Nguyên có một phần đóng góp quan trọng làm nên “bữa tiệc tinh thần” đầy ý nghĩa.

Với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”, Đoàn Thái Nguyên tham gia giới thiệu, trình diễn một số hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc Ngái, như: Trình diễn trang phục truyền thống; chế tác nghề truyền thống đan lát mây tre; ẩm thực đặc trưng; hát dân ca và các môn thi đấu thể thao truyền thống gồm: Đẩy gậy, Kéo co, Bắn nỏ.

Nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ, bậc cao lão, “cột trụ” tinh thần của các thành viên trong Đoàn, cho biết: Ở Việt Nam, dân tộc Ngái có hơn 1.000 người, thì riêng tỉnh Thái Nguyên có gần 500 người. Tổ dân phố Tam Thái, thị trấn Hóa Thượng (Đồng Hỷ), là nơi bà con quần cư đông nhất. Chính vì thế, chúng tôi được lựa chọn tham gia sự kiện này.

Lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cho các dân tộc rất ít người một ngày hội lớn. Tổ dân phố Tam Thái lựa chọn 22 nghệ nhân và vận động viên quần chúng tham gia. Thầy Hà Văn Thám, Hiệu phó Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, thành viên của Đoàn, cho biết: Trường có 42 học sinh tham gia, trong đó có 30 học sinh là con em đồng bào dân tộc Ngái. Các em được Nghệ nhân Thẩm Dịch Thọ và Nghệ nhân Thẩm A Chiến truyền dạy một số nét đẹp mang bản sắc văn hóa truyền thống, như học tiếng, học hát, kể cho nghe về một số nghi lễ độc đáo và hướng dẫn làm một số món ẩm thực gia truyền.

Đồng bào dân tộc Ngái đã mang đến vùng đất cuối trời Tây Bắc những dung dị cuộc sống. Dù “Mang chuông đi đánh xứ người”, nhưng không vì hơn thua mà với tâm ý học hỏi, sẻ chia. Thẩm Dịch Mừng, thành viên Đoàn, bộc bạch: Mình đại diện cho bà con đi giao lưu, thấy cái hay, cái tốt của bạn thì học. Nên dù tham gia Hội thi, “cả nhà mình” chẳng ai tập luyện vẫn vào sân đọ tài với bạn. Thi kéo co có trận thắng, trận thua. Bắn nỏ, vào thi phải thuê, mượn cả nỏ, cả tên. Đẩy gậy chưa được huấn luyện nên “nhường” luôn phần thắng cho bạn…

Nghệ nhân Thẩm A Chiến hướng dẫn các cháu học nói tiếng dân tộc Ngái.

Nghệ nhân Thẩm A Chiến hướng dẫn các cháu học nói tiếng dân tộc Ngái.

Đành là thi phải có thắng, có thua, nhưng ở một ngày hội lớn dành cho đồng bào các dân tộc rất ít người thì điều đó không quá quan trọng. Bởi mục đích lớn hơn là đồng bào các dân tộc được gặp gỡ, giao lưu, cảm nhận được ý nghĩa sâu sắc về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước. Từ đó, mỗi người tích cực hơn khi tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là việc tham gia các hoạt động sưu tầm, gìn giữ, lưu truyền những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc mình.

Giữa ngày hội rực rỡ sắc màu, đồng bào dân tộc Ngái của Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên bình dị với trang phục truyền thống. Đàn ông mang trang phục màu xám, đàn bà mang trang phục màu đen, gọn gàng, tạo điểm nhấn riêng giữa “miền thổ cẩm”.

Nhất là chương trình diễn xướng dân gian văn hóa dân tộc, các bài hát cổ của đồng bào dân tộc Ngái với ca từ đằm thắm, da diết được nghệ nhân và các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh biểu diễn bằng lối hát chân phương, truyền thống, không bị pha trộn với các dân tộc khác, tạo không khí vui tươi, sinh động, gây ấn tượng sâu sắc với đông đảo người xem. Đồng thời gợi cho nhiều người cùng suy ngẫm về cách gìn giữ, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc qua câu hát giao duyên và trang phục truyền thống. Chương trình của Đoàn được Ban Tổ chức chấm điểm cao nhất, trao giải A.

“Làng dân tộc rất ít người” gồm các gian trưng bày, triển lãm và trình diễn nét đẹp văn hóa của từng dân tộc. Một ngôi làng rực rỡ “muôn hồng, ngàn tía”, trong đó có ngôi nhà của đồng bào người dân tộc Ngái đến từ Thái Nguyên.

Bà Thẩm Thị Nhung tự hào nói: Chúng tôi có các món ẩm thực truyền thống: Xôi ngũ sắc, khau nhục, cá om niêu, măng nhồi thịt… nhiều bà con đến hội đã nán lại nhìn ngắm, xin được nếm thử. Mấy bà Tây (khách nước ngoài) nếm xong bảo: OK, very delicious (rất thơm ngon)…

Còn nghệ nhân Lê Quang Nghìn mau mải với ấm trà. Thực khách vào thưởng ẩm, chép miệng, phấn chấn: Danh trà Thái Nguyên nghe đã lâu, nhưng nay mới được… thực nếm. Đêm về trằn trọc không ngủ, nhớ xứ trà, nhớ câu hát Sường Cô của đồng bào dân tộc Ngái Thái Nguyên làm đằm lòng người ở cuối trời Tây Bắc.

Hội đã tan, ai lại về việc nấy, nhưng âm hưởng còn vọng lại như câu hát Sường Cô của đồng bào dân tộc Ngái. Câu hát nối từ ngày trước sang ngày sau, nhấn nhá như dòng sông cuộc đời, chảy về miền tương lai vô tận. Cũng như đồng bào dân tộc Ngái luôn trường tồn, phát triển, góp phần làm cho mái nhà chung của 54 dân tộc Việt Nam ngày càng thêm văn minh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202312/chuyen-o-cuoi-troi-tay-bac-5d9074c/