Chuyện những người canh non thiêng Yên Tử

Không chỉ quản lý, bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng, Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử còn có nhiệm vụ bảo vệ các chùa, am...

Khu Di tích danh thắng Yên Tử, Quảng Ninh nổi tiếng thế nào, ai cũng đã rõ. Nhưng không nhiều người biết về công việc của những người làm công tác bảo vệ, bảo tồn ngày đêm để giữ những cánh rừng nguyên sinh xanh mướt.

Đối mặt với lâm tặc, than thổ phỉ

Cán bộ, nhân viên Phòng Quản lý, bảo vệ rừng kiểm tra thực địa

Những ngày đầu tháng 2, trong khi dòng du khách nườm nượp hành hương, du ngoạn chốn “bồng lai, tiên cảnh” Yên Tử, Tổ công tác của Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử vẫn lặng lẽ rẽ xuống con đường nhỏ cắt lên cánh rừng đại ngàn.

Anh Đào Huy Hậu, Trưởng phòng Quản lý, bảo vệ rừng cho hay: “Hôm nay, chúng tôi sẽ đi kiểm tra vùng rừng nằm tiếp giáp với thị xã Đông Triều. Hôm nay mưa, rừng dày đặc sương mù và khá lạnh nên anh em phải cẩn trọng, tuyến này đường trơn, nhiều đèo cao, vực sâu, khó đi lắm”.

Theo Ban Quản lý di tích và rừng Quốc Gia Yên Tử, đơn vị có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ trên 2.700ha rừng. Toàn khu rừng nguyên sinh là một chuỗi danh thắng đẹp với nhiều loài động, thực vật quý, hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam, trong đó có nhiều loài đặc biệt có giá trị như: Mai vàng, xích tùng, đào chuông…

Đúng như lời anh Hậu, càng lên cao, đường rừng càng khó đi. Nhiều chỗ, một bên là vực sâu, một bên là vách đá dựng đứng, chỉ cần sơ ý một chút là hiểm nguy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trời mưa lạnh mà lưng ai cũng đẫm mồ hôi.

Tranh thủ lúc nghỉ chân, anh Hậu kể, anh về làm việc ở Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử từ năm 2010. Lúc ấy, tuy tình trạng than thổ phỉ, lâm tặc đã ít hơn trước, nhưng các đối tượng lại manh động hơn nhiều.

Thực địa ranh giới của rừng Yên Tử với các hộ dân cũng chưa rõ ràng, nên việc chồng lấn, tranh chấp diễn ra thường xuyên…

“Việc cán bộ, nhân viên nhận được điện thoại lạ hay bắn tin qua người khác đe dọa là chuyện xảy ra như cơm bữa. Có những lúc mâu thuẫn giữa người giữ rừng và một số đối tượng lên đến đỉnh điểm, tưởng chừng có thể xảy ra án mạng đến nơi”, anh Hậu nhớ lại.

Theo lời anh Hậu, có lần, khi đang làm nhiệu vụ tại Trạm Quản lý bảo vệ rừng số 3 nằm ở xã Tràng Lương, thị xã Đông Triều, Tổ công tác nhận được thông tin có xe chở gỗ nghi khai thác trộm tại rừng.

Ngay lập tức, phương án chốt chặn, xử lý được triển khai. Khi chiếc xe ra đến trạm, cán bộ nhân viên yêu cầu kiểm tra thì bất ngờ, một đối tượng lao xuống, một tay cầm quả lựu đạn, miệng hét lớn: “Không cho tao qua, tao sẽ cho nổ!”.

Dù từng đối mặt với nhiều tình huống cam go, nhưng chưa bao giờ cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng nơi đây lại gặp tình huống nguy hiểm như vậy. Trong khi đó, trên xe này lại có một số phụ nữ người địa phương đi nhờ, nếu chỉ sơ sảy là có thể nguy hiểm đến tình mạng nhiều người…

“Với quyết tâm bảo vệ lâm sản, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhiều người, lực lượng tại trạm đã bình tĩnh trao đổi để phân tán tư tưởng đối tượng. Lựa đúng thời cơ, một nhân viên đã lao vào tước được lựu đạn, khống chế đối tượng và bàn giao cho lực lượng chức năng”, anh Hậu kể.

Tình yêu đại ngàn

Cán bộ Ban quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử tuyên tuyền, hướng dẫn du khách đảm bảo an ninh trật tự tại chùa Đồng

Không chỉ đối mặt với lâm tặc, than thổ phỉ, quá trình làm nhiệm vụ, những người bảo vệ rừng nơi đây còn không ít lần gặp nguy hiểm bởi rắn, côn trùng độc giữa đại ngàn Yên Tử.

Việc ngủ lại hốc núi, nhịn đói, ăn mỳ tôm sống giữa rừng già trong điều kiện giá lạnh cũng là chuyện thường xuyên.

Anh Nguyễn Đức Chính, nhân viên Phòng Quản lý, bảo vệ rừng tâm sự: “Khi mới về đơn vị, tôi cũng mấy lần định bỏ việc vì thu nhập thấp, phải ở lại ngày đêm trên rừng... Thế nhưng, ở mãi thành quen, ngoài tình đồng đội, còn là tình yêu với rừng, quen từng gốc cây, lối mòn… nên giờ tôi đã bỏ ý định chuyển nghề rồi!”.

Ông Trịnh Nam Bình, Chánh văn phòng Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử cho biết, hiện nay, ranh giới giữa rừng do đơn vị phụ trách với đất lâm nghiệp của người dân xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí đã rõ ràng, nhưng vẫn còn đó những nguy cơ tiềm tàng xâm hại.

Vùng phụ cận với rừng Quốc gia Yên Tử có một số thôn chủ yếu là người dân tộc thiểu số sinh sống, nhận thức về bảo vệ di sản còn hạn chế.

“Trước đây, lúc nông nhàn, nhiều đồng bào lên rừng bẫy thú, lấy lá thuốc, đào, chặt cây quý… Thậm chí, một số hộ chăn, thả gia súc thỉnh thoảng còn đốt cánh đồng cỏ gianh để lấy cỏ non. Điều đó khiến nguy cơ cháy lan vào cánh rừng nguyên sinh thường xuyên xảy ra”, ông Bình nói.

Thời gian qua, đội ngũ cán bộ nhân viên thuộc Ban Quản lý một mặt làm tốt công tác tuần tra, nghiên cứu phục vụ công tác bảo tồn các loài thực vật quý, một mặt đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chung tay bảo vệ rừng.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, doanh nghiệp kinh doanh tại Yên Tử hỗ trợ người dân điểm dịch vụ để tạo sinh kế lâu dài, hỗ trợ nhiều thanh niên được vào làm việc tại doanh nghiệp với mức thu nhập ổn định.

Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích và rừng Quốc gia Yên Tử hỗ trợ một du khách gặp nạn trên đường hành hương

Ông Trương Văn Đôn, người dân tộc Dao ở thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công cho biết, trước đây, nhiều người trong thôn chuyên lên rừng lấy thuốc, săn, bắt thú…

Nhưng gần đây, nhiều thanh niên được nhận vào doanh nghiệp làm việc nên đời sống ổn định, chính họ đã vận động người thân cùng tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ di sản.

Không chỉ quản lý, bảo vệ màu xanh cho những cánh rừng, Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử còn có nhiệm vụ quan trọng nữa là thực hiện chức năng bảo vệ các chùa, am và duy trì an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ, môi trường trong quần thể di tích.

“Mỗi con đường hành hương đều đi qua rừng, mỗi chùa, am đều nằm giữa rừng. Nếu một du khách sơ ý ném tàn thuốc lá vào đám lá khô là có thể thành biển lửa ngay. Những dịp tổ chức lễ hội với lượng người tăng đột biến thì áp lực công việc càng lớn. Tất cả các cán bộ, nhân viên luôn phải căng tai, căng mắt”, ông Bình cho hay.

Việc cứu hộ, cứu nạn khi có du khách bị ngã cũng là nhiệm vụ chính của đơn vị. Theo ông Bình, bình quân mỗi năm, đơn vị đã hỗ trợ sơ cứu cho gần chục trường hợp bị đuối sức khi trên đường lên các chùa, am… Điển hình nhất là trường hợp của bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, trú tại Hà Nội) khi đi lễ chùa Yên Tử đã bị rơi xuống vực sâu 7 ngày, được cả nước biết đến.

Trong quá trình đi tuần tra trong rừng, nhân viên Ban Quản lý di tích và rừng Quốc gia Yên Tử nghe thấy tiếng kêu cứu nên đã khẩn trương tìm kiếm, thòng dây xuống cứu hộ, đưa bà Liên ra khỏi vực nguy hiểm…

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử gắn liền với tên tuổi Phật hoàng Trần Nhân Tông (1258 - 1308), vị vua từng lãnh đạo quân dân thời Trần hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông, rồi từ bỏ ngai vàng, lên Yên Tử tu hành, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm đậm màu sắc Việt.

Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).

Hội Yên Tử là lễ hội hành hương vào mùa xuân, bắt đầu từ ngày 10 tháng Giêng hàng năm và kéo dài suốt 3 tháng mùa xuân.

Quang Minh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/chuyen-nhung-nguoi-canh-non-thieng-yen-tu-d582775.html