Chuyện người làng Nôm thực thi trọng đạo

Ở cái thời rộn ràng 'làng lên phố', Nôm may mắn vẫn nguyên đó nét 'quê mùa', hoài cổ với đình làng, cây đa, bến nước, chùa cổ, nhà thờ họ san sát, tĩnh mặc bao đời. Xuân đến, người Nôm của 19 dòng họ từ khắp miền Tổ quốc tụ về tế xuân, lễ thánh, thực thi trọng đạo: 'Ẩm hà tư nguyên'.

Đồng nát - cầu Nôm

Một nghề (đồng nát), một địa danh (cầu Nôm), gắn với người làng Nôm qua câu lục bát:

Đồng nát thì về cầu Nôm
Con gái nỏ mồm bán gả chồng xa
Khi nào em trở về già
Quê chồng thì bỏ quê cha thì về

Hỏi chuyện “con gái nỏ mồm” của làng Nôm liệu có giống cơn ghen tam bành của Liễu Thị trong “sư tử Hà Đông”, cụ ông Tạ Đình Hùng, một cư dân làng Nôm nay đã ngoài 80 lý giải: “Gọi con gái nỏ mồm ở đây là mượn hình ảnh để ví von cái nghề đặc thù của làng, chứ không phải là đanh đá đâu. Làng tớ có nghề thu mua đồng nát, phế liệu, nhất là các món đồ đồng xưa cũ, sau đó phân loại, đúc thành đồ mới. Nỏ mồm ở đây ý chỉ là đồ đồng khi đã đúc mới tiếng gõ vào nó thanh, vang, êm chứ không phải rè, đục, tịt như đồ đồng nát. Đồ đúc mới ngon lành rồi lại đem gả bán cho người ta dùng, đến khi nó hư hỏng (về già), người đời vứt bỏ hoặc bán đồng nát, người làng Nôm lại thu gom (từ nhà chồng) để về lại làng Nôm (quê cha)”.

Họ Tạ làng Nôm tụ tập về nhà thờ họ, lên đình lễ thánh và làm tiệc tế xuân.

Nghề thu mua đồng nát nay không còn thịnh, riêng nghề đúc đồng của làng Nôm vẫn hoạt động rộn ràng, cung cấp đủ các sản phẩm đồ đồng thủ công cho thị trường cả nước.

Làng Nôm cũng sở hữu một biểu tượng là 9 nhịp cầu đá hoa cương vẫn nguyên đó nét đẹp bắc ngang dòng Nguyệt Đức từ hơn 200 năm qua, đây là cây cầu được xác định là một trong những kiến trúc cầu đá hoàn hảo nhất có niên đại từ thời Tự Đức (1847 - 1883) còn lưu lại ở vùng nông thôn Bắc bộ. Mỗi lần về làng Nôm, thong dong qua cây cầu đá cổ, cảm giác được dẫn lối vào không gian của hoài niệm, của những hình ảnh tưởng chỉ tồn đọng qua trang sách chứ không phải hiện hữu giữa đời thường.

Những chợ Nôm, chùa Nôm, đình làng, những con đường xếp gạch rêu phong (do con gái của làng khi theo chồng phải góp tiền mua gạch lót đường theo lệ làng ngày xưa), chuỗi nhà thờ các dòng họ soi bóng xuống ao làng bát ngát... đều không chỉ đẹp bởi phong cảnh mà còn hấp dẫn bởi câu chuyện lịch sử qua bao đời tồn tại.

Liền anh - liền chị hát quan họ trên hồ làng Nôm ngày tế xuân.

Cũng bởi cái nghiệp “phi thương bất hoạt”, chuyên làm ăn xa của người làng, thanh niên trai tráng nay đi tứ phương, chỉ còn lại số ít người cao tuổi ở lại trông nom nhà cửa, ruộng vườn, khiến cho cảnh quan làng Nôm lúc nào cũng thanh vắng, yên ả diệu lạ suốt mùa trong năm.

Về làng ngày xuân

Nhưng khi xuân về thì khác, làng Nôm như bừng tỉnh sau một năm dài ngủ yên. Đường làng, từ lối to, ngõ nhỏ, các nhà thờ họ dọc bên ao làng dẫn lối đến đình làng vốn thường ngày cổng im lìm đóng, thì nay mở toang, khắp nơi dọn dẹp khang trang, hoan hỉ đợi đón những người con đi xa tìm về làng tế thánh.

Các dòng họ làng Nôm về đình tế xuân, dâng lộc thánh.

Theo lịch thường niên, ngày tế xuân hàng năm của làng Nôm kéo dài trong ba ngày từ 11 - 13 tháng Giêng. Người Nôm tế xuân không ồn ào náo nhiệt, không cờ quạt rợp trời hay kiệu bay nô nức quen thấy ở các hội làng. Việc nhà thánh với nghi lễ “bao sái” (rước nước tắm rửa cho thánh), tổ chức rước thánh để thỉnh cầu ngài về dự hội diễn ra trong hai ngày 11 - 12. Đến ngày 13, nghi lễ quan trọng với 19 dòng họ ở làng Nôm là lễ tế xuân.

Đến làng Nôm vào ngày tế xuân, nếu liên tưởng đến không khí thường nhật, sẽ thấy khác biệt lớn. Người làng Nôm quan niệm đây là ngày trọng đại, các thành viên dòng họ thuộc làng Nôm khi làm ăn hoặc cư trú nơi xa, đúng ngày này sẽ trở về, soạn lễ vật, mâm cúng, thường là dê, bò, thủ lợn, gà, xôi, oản, mâm ngũ quả… để lễ thánh ngoài đình làng, sau đó về từng nhà thờ của riêng dòng họ mình chia lộc thánh, tổ chức bữa tiệc xuân cho cả họ cùng tham dự.

Hình ảnh thân quen đường làng Nôm ngày hội làng dịp xuân mới.

Đến làng Nôm dự lễ tế xuân, mới thấm thêm ngữ nghĩa của “Ẩm hà tư nguyên” mà người làng bao đời tuân thủ. Giếng nước chính của làng được mở nắp, mở cổng, dù rằng nay người làng không còn dùng nước giếng chung này nữa, nhưng hành động ấy nhắc nhớ sự bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sự trong lành nơi giếng nước chung của làng.

Riêng với con dân, được về làng dự lễ là niềm vui, niềm vinh dự, là cơ hội để những người đủ 55 tuổi ra đình khao lão, chính thức gia nhập đội ngũ những người được lo việc làng, cũng là để bày tỏ lòng cảm ơn với thành hoàng, tiên tổ, hiếu đạo với gia tiên, dòng tộc. Thế nên thành viên của dòng họ nào không thể về làng vào dịp này, phải nộp lệ cho làng để thể hiện trách nhiệm con dân của làng.

Giếng cổ làng Nôm với ý nghĩa đại tự: Uống nước nhớ nguồn.

Ngày tế xuân với 19 dòng họ của người làng Nôm là một ngày trọng đại bởi cả năm chỉ có riêng ngày này cả làng mới đoàn tụ đông đủ nhất. Ra đi để trở về, nghe chừng rất đơn giản, nhưng có được cuộc đoàn viên đầm ấm như ngày tế xuân làng Nôm, chẳng dễ gặp ở thời buổi kim tiền.

Bài và ảnh: Thiên An

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/chuyen-nguoi-lang-nom-thuc-thi-trong-dao-42826.html