Chuyện lạ đình công ở Mỹ

Công nhân thuộc công đoàn United Auto Workers (UAW) đang đình công gây sức ép lên ba hãng xe lớn nhất Mỹ gồm Ford, General Motors và Stellantis (công ty mẹ của hãng Chrysler), nhưng cuộc đình công này có những điểm đáng ngạc nhiên.

Đầu tiên, dù tuyên bố đình công ở cả ba hãng ô tô, nhưng không phải tất cả 150.000 thành viên của công đoàn UAW ngừng việc cùng lúc; họ chọn mỗi hãng một nhà máy để đình công. Với Ford, họ chọn nhà máy Bronco ở Detroit; với Stellantis là nhà máy xe Jeep ở Ohio và một nhà máy xe bán tải của hãng GM ở Missouri, tổng cộng có 12.700 công nhân hưởng lương theo giờ bước vào cuộc đình công.

Theo thỏa thuận, công nhân nào đình công sẽ được UAW trả trợ cấp từ Quỹ đình công của công đoàn, chừng 500 đô la/tuần. Dù khoản tiền này thấp hơn tiền lương của công nhân, nhưng cũng là gánh nặng cho quỹ, vì thế, UAW hạn chế mỗi hãng chỉ đình công tại một nhà máy để giảm bớt các khoản chi trợ cấp. Tuy nhiên, họ chọn những nhà máy thiết yếu trong dây chuyền sản xuất sao cho ngưng việc ở nhà máy đó sẽ tạo hiệu ứng dây chuyền làm các nhà máy khác phải ngưng theo vì thiếu linh kiện.

Thứ đến, các yêu sách của UAW lần này xem ra rất căng thẳng, các hãng khó lòng thỏa mãn nên cuộc đình công dự báo sẽ kéo dài. Yêu sách chính của công nhân là tăng lương nhưng họ đòi tăng đến 40% trong vòng bốn năm tới, một mức tăng rất cao. Bên cạnh đó, họ đòi tiền lương phải được điều chỉnh để thích ứng với sự mất giá của đồng tiền do lạm phát, hãng phải tạo điều kiện để công nhân cân đối giữa cuộc sống và việc làm. Một trong những yêu sách ở góc độ này là một tuần chỉ làm việc 32 giờ nhưng nhận lương cho 40 giờ.

Lý do đằng sau mức tăng lương đến 40% là bởi công đoàn UAW cho rằng CEO của ba hãng ô tô được tăng lương bình quân đến 40% nên “chủ được tăng như thế nào thì công nhân phải được tăng lương như thế ấy”. Các hãng đã đưa ra những nhượng bộ ban đầu, như sẽ tăng lương ở mức 20%, bổ sung thêm mức trợ cấp do lạm phát và tăng ngày nghỉ có lương nhưng vẫn còn khoảng cách lớn giữa yêu sách của công nhân và thỏa thuận của các hãng. Ba hãng xe hơi bị đình công đang sản xuất chừng một nửa số xe bán ra ở Mỹ, nên chắc chắn cuộc đình công kéo dài này sẽ ảnh hưởng đến ngành ô tô cũng như nền kinh tế Mỹ.

Điểm lạ thứ ba của cuộc đình công là nguyên nhân của sự xung đột hiện nay xuất phát từ nhiều năm trước, từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Lúc đó các hãng xe thua lỗ trầm trọng, trừ Ford ra, nhiều hãng tuyên bố phá sản. Công đoàn UAW lúc đó phải nhượng bộ, công nhân phải hy sinh nhiều quyền lợi họ từng hưởng trước đó để giúp vực dậy ngành ô tô Mỹ.

Công đoàn ngành ô tô có sức mạnh đáng kể trong lịch sử, thập niên 1970 họ từng tổ chức các cuộc đình công làm gián đoạn sản xuất dài ngày, buộc các hãng phải nhượng bộ nhiều điểm. Sau đó khi các hãng xe Nhật như Toyota, Honda bắt đầu xâm lấn thị trường Mỹ với các xe rẻ hơn, chạy bền hơn, ít tốn xăng hơn làm thị phần các hãng xe Mỹ thu hẹp lại. Nhưng công đoàn UAW vẫn buộc các hãng xe Mỹ trao cho công nhân nhiều quyền lợi, kể cả hưởng lương khi nhà máy không có việc làm hay tiền hưu bổng rất cao.

Chỉ đến khi các hãng rơi vào tình trạng phá sản, Chính phủ Mỹ nhảy vào cuộc giải cứu thì công đoàn mới chịu lùi bước. Những nhượng bộ này bao gồm tiền lương khởi điểm thấp hơn, tách riêng một quỹ bảo hiểm y tế cho những công nhân đã nghỉ hưu, chấm dứt việc ngồi chơi vẫn ăn lương…

Cho đến những năm gần đây, các hãng xe tái cơ cấu thành công, cho ra mắt các sản phẩm mới, cạnh tranh ngang ngửa với xe Nhật, xe Hàn và bắt đầu có lãi trở lại. Chẳng hạn, hãng GM trong năm năm qua đạt mức lãi kỷ lục, lên đến 10 tỉ đô la mỗi năm. Từ 2013-2022 các hãng xe hơi Mỹ lãi tổng cộng 250 tỉ đô la. Khi nhận tiền giải cứu của Chính phủ Mỹ, các hãng GM và Chrysler buộc không được chia cổ tức hay mua lại cổ phiếu để thưởng cho cổ đông. Nhưng sau khi chính phủ Mỹ bán hết cổ phần trong các hãng này thì họ bắt đầu chia tiền cho cổ đông và tăng mạnh lương thưởng cho giới lãnh đạo.

Cũng từ đây, suy nghĩ của giới chủ và giới công nhân bắt đầu khác trước. Giới chủ thì cho rằng một khi họ thoát khỏi các ràng buộc của một thị trường lao động mất tính cạnh tranh, cắt giảm được chi phí lao động bất hợp lý để dành tiền cải tiến sản phẩm, họ sẽ làm ra được sản phẩm chiếm cảm tình của người tiêu dùng và lãi lớn. Ngược lại, phía công nhân lại suy nghĩ thành công của các hãng ngày nay là nhờ sự hy sinh của lớp công nhân sau những năm khủng hoảng. Nay hãng lãi lớn thì phải chia sẻ lợi ích cho công nhân chứ không thể chỉ tăng lương cho giới lãnh đạo. Đình công nổ ra do sự khác biệt trong suy nghĩ này.

Cuộc đình công rơi vào thời điểm các hãng xe của Mỹ đang nỗ lực chuyển đổi sang xe điện nên cần cắt giảm chi phí để có tiền rót vào đầu tư cho các dự án mới. Đích nhắm tới của các hãng là biến mình thành các công ty công nghệ tinh gọn chứ không phải các hãng xe già nua kiểu cũ nữa. Trong khi đó, công đoàn và công nhân ngành ô tô vẫn theo tư duy cũ, chưa thể bắt kịp với những thay đổi trong ngành. Chưa gì đã có những phân tích cho rằng kẻ thắng trong cuộc đình công lần này không ai khác hơn là Elon Musk và hãng xe điện Tesla.

Theo hợp đồng hiện nay, chi phí công nhân theo giờ ở Detroit là vào khoảng 65 đô la, kể cả các lợi ích khác so với mức bình quân 55 đô la ở các hãng xe châu Á và 45 đô la của hãng Tesla. Đó là tính chi phí chung chứ mức lương khởi điểm của công nhân ô tô hiện nay là 18,04 đô la/giờ, còn thấp hơn mức 19,6 đô la/giờ vào năm 2007. Theo UAW, nếu tính hết mức trượt giá của đồng tiền, lương khởi điểm nay phải ở mức 29 đô la/giờ.

Các nhà phân tích trên tờ Wall Street Journal cho rằng thỏa mãn các yêu sách lần này của UAW sẽ tăng chi phí lao động theo giờ lên gấp đôi, trong khi phía UAW lại nói chi phí lao động chỉ chiếm chừng 5% tổng chi phí của hãng trên mỗi chiếc xe sản xuất. Các hãng ô tô của nước ngoài tại Mỹ và hãng Tesla không có công đoàn, vì mặc dù UAW cố gắng phát triển ở những nhà máy này nhưng công nhân không muốn tham gia. Trước mắt các hãng sa thải nhiều công nhân ở các nhà máy khác vì cho rằng do đình công nên các nhà máy này không có linh kiện để hoạt động.

Cuối tuần trước, công đoàn United Automobile Workers (UAW) đã mở rộng cuộc đình công, ngoài ba nhà máy của Ford, GM và Stellantis, nay thêm 38 trung tâm phân phối linh kiện ô tô của hai hãng GM và Stellantis. Các trung tâm này cung cấp linh kiện thay thế cho các đại lý bán ô tô để sửa chữa, bảo hành xe cho khách nên có thể gây khó khăn trực tiếp cho người tiêu dùng. Các nơi này hiện đang có 5.625 nhân viên, như vậy tổng số công nhân đình công nay lên khoảng 18.000 người. UAW nói họ không mở rộng đình công tại hãng Ford vì hai bên đã đạt được một số thỏa thuận ban đầu dù chưa có tiếng nói thống nhất.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-la-dinh-cong-o-my/