Chuyện khó cho ngành tôm

Thương trường luôn đầy bất trắc, gần như không năm nào không có thêm cái khó mới. Năm nay, ngành tôm có lắm điều vất vả, theo nhẩm tính, chưa lúc nào ngành tôm gặp khó khăn lớn như bây giờ.

Ảnh minh họa/ITN

Trước tiên, chuyện nuôi tôm. Hiện nay, người nuôi tôm khốn khó vì dịch bệnh tôm rất trầm trọng, chủ yếu do vi khuẩn tấn công trên diện rộng. Tôm thả nuôi thiệt hại trong vòng một tháng, cầm cự kéo dài thì tháng rưỡi, thu tôm khoảng 200 con/kg, chỉ có lỗ tới lỗ mà thôi.

Doanh nghiệp chế biến thì cầm cự vì thiếu đơn hàng. Vả lại, lúc này giá tôm thương phẩm tuy không cao lắm nhưng vẫn còn cao so với giá bán, bởi giá tôm thế giới đang quá rẻ, rẻ hơn tôm trong nước trên 1 USD/kg tôm thương phẩm. Tính ra giá tôm thành phẩm chênh lệch trên 1,5 USD - khó quá để tìm đơn hàng.

Thị trường lớn ra sao? Đồng yên của Nhật Bản mất giá kỷ lục 150 yen cho mỗi USD - khiến sức mua không thể mạnh. Cái được là sự chăm chỉ, cần mẫn của người lao động ta đã cung ứng tới thị trường này những sản phẩm mang tính truyền thống với người Nhật, với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, chưa ngành tôm nước nào theo kịp. Thế mạnh này đang bị ngành tôm Indonesia "dòm ngó", nhưng ta có tự tin giữ vững thị phần tôm hàng đầu ở đây. Còn lại là chuyện giá cả.

Xu thế người tiêu dùng ở EU đi trước các thị trường khác. Họ đòi hỏi tôm nuôi đạt chuẩn an toàn (ASC), đòi hỏi bên cung ứng có giải pháp giảm phát thải (nuôi, chế biến), đòi hỏi truy xuất nguồn gốc tận gốc (thành phần thức ăn tôm, tôm bố mẹ…), đòi hỏi phúc lợi động vật (tôm bố mẹ không cắt mắt khi sinh sản nhân tạo, nuôi mật độ vừa phải…). Yêu cầu nghiêm ngặt này là một lý do khiến "đại lộ Việt Nam - EU" đã có nhưng "xe ta" - các doanh nghiệp chế biến - chưa tăng tốc nổi! Chắc chắn, tình hình này càng khiến các doanh nhân tôm cá nước ta phải tiếp cận thị trường này thấu đáo hơn.

Năm rồi, Trung Quốc nhập một triệu tấn tôm, nói lên dung lượng quá lớn của thị trường gần này. Thật ra, Trung Quốc có hàng nghìn doanh nghiệp lớn chế biến tôm cung ứng cho các hệ thống tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trung Quốc chủ yếu nhập tôm nguyên liệu về tái chế và cung ứng. Tôm ta đại đa số là tôm thành phẩm - chế biến khá sâu và sâu, nên ta biết mình biết người, tập trung bán vào Trung Quốc những mặt hàng mà các nước cung ứng tôm khác không thể đáp ứng. Trong quá trình giao dịch trên chục năm qua, các doanh nghiệp tôm nước ta đã có nhiều kinh nghiệm cho câu chuyện này. Từ đó, Trung Quốc trở thành thị trường lớn đầy tiềm năng cho tôm Việt, và về lâu dài, Trung Quốc sẽ chiếm vị trí cao hơn trong thị phần tôm nước ta.

Tổng quan, thời điểm này ngành tôm đang gặp khó quá lớn. Khó từ nuôi, chế biến tới thị trường tiêu thụ. Tất nhiên người trong cuộc phải chủ động gánh vác! Trong đó, người nuôi vất vả nhất, "thiếu vốn" và "thừa bất trắc", chỉ mong việc kiểm soát bệnh tôm từ các cơ sở cung ứng tốt hơn, chỉ mong thời tiết sẽ thuận lợi hơn và rất mong các nhà đầu tư vào cuộc, tiếp tay người nuôi.

Các doanh nhân tôm phải bươn chải thôi. Bây giờ làm ăn bền vững, quan tâm hơn các rủi ro, không còn ý tưởng “đánh quả” nữa. Đầu ra quyết định đầu vào, vai trò doanh nhân tôm vô cùng to lớn, đầy tính quyết định. Hàng trăm nghìn hộ nuôi tôm, hàng chục nghìn lao động chế biến trông chờ kết quả những chuyến xuất ngoại tìm đường thoát nguy của các doanh nhân ngành tôm. Tất cả còn ở phía trước, dù chúng ta có lòng tin về bản lĩnh đội ngũ doanh nhân ngành tôm nhưng điều âu lo lớn hơn là tình hình nuôi tôm chưa thấy ánh sáng rõ nét phía trước dù mùa tôm đang cận kề.

TS. Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/chuyen-kho-cho-nganh-tom-i363131/