Chuyện khai thác 'mỏ vàng' từ vỏ, đầu tôm

Dù mang về hàng tỷ USD giá trị xuất khẩu mỗi năm nhưng ngành chế biến tôm cũng tạo ra không ít áp lực môi trường cho Việt Nam - một trong những quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Hầu hết tôm xuất khẩu được chế biến dưới dạng bóc vỏ bỏ đầu, tỷ lệ phần đầu và vỏ bị thải bỏ khá lớn, chiếm khoảng 35 - 40% trọng lượng tôm. Nhưng thứ tưởng chừng bỏ đi này lại được xem là nguồn nguyên liệu rất tiềm năng.

Phụ phẩm đầu, vỏ tôm được xem là "mỏ vàng" đem lại nhiều giá trị kinh tế cao.

"Mỏ vàng" từ đầu, vỏ tôm

Hấp, sấy, nghiền... là cách từ trước tới nay các doanh nghiệp trong nước thường làm để xử lý đầu, vỏ tôm. 1 kg đầu tôm chỉ bán được với giá thấp hoặc trong một số trường hợp phải thải bỏ, chưa kể gây ô nhiễm môi trường do cách làm thủ công. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Việt Nam Food (VNF) nhìn thấy nguồn nguyên liệu quý từ chính đầu vỏ tôm bỏ đi. Trong đó, Chitosan được tạo ra, với doanh nghiệp này là nguyên liệu sinh học đầy tiềm năng cho tương lai.

Trong y học, Chitosan là chất có khả năng thúc đẩy quá trình làm lành vết thương, là thành phần trong thuốc chống béo phì và là nguyên liệu để sản xuất Glucosamine - thuốc hỗ trợ trị bệnh khớp. Trên thế giới, 1 kg Chitosan tinh khiết phục vụ cho ngành y có thể bán với giá vài trăm USD.

Nhìn thấy tiềm năng, từ năm 2015, VNF đã hợp tác với các nhà khoa học của trường Đại học Nha Trang nghiên cứu, chiết xuất những tinh chất từ đầu vỏ tôm. Ông Phan Thanh Lộc - Chủ tịch HĐQT VNF, cho biết: “Phần lớn ngành phụ phẩm nước ta chưa tồn tại và nếu tồn tại thì nó đang xử lý theo hướng đơn giản nhất có thể. Cách hay làm mà tôi thường gọi là hấp sấy nghiền (tức là rất đơn giản), không chứa một chút khoa học công nghệ nào. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn rộng ra thì các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây, Nhật Bản và Mỹ, họ rất quan tâm đến phụ phẩm. Phụ phẩm so với phần thịt thì có rất nhiều dưỡng chất, những sản phẩm rất nổi tiếng như dầu Omega3, Collagen, Glucosamine đều từ phụ phẩm thủy sản mà ra”.

Theo nghiên cứu của Quỹ Đầu tư Vietnam Investments Group, giá trị tạo ra từ phụ phẩm tôm tăng theo ứng dụng sản phẩm cuối như sau: ở ngành chăn nuôi giá trị tăng gấp 3 - 5 lần; ngành thực phẩm giá trị tăng gấp 5 - 10 lần; ở ngành thực phẩm chức năng tăng từ 15 - 20 lần; ngành dược phẩm tăng 20 - 30 lần. Trong khi hiện nay, ước tính sơ bộ, Việt Nam đang thải ra và lãng phí 1.000 tấn phụ phẩm tôm/ngày gồm đầu, vỏ và các bộ phận khác không được sử dụng trong quá trình chế biến thủy sản.

Bà Nguyễn Vân An - Giám đốc Chiến lược VNF, cho biết mục tiêu của doanh nghiệp là tận thu và chiết xuất mọi phần có thể của nguyên liệu này, để đầu vỏ tôm có được đời sống tuần hoàn. “Từ phụ phẩm của con tôm, chúng ta đang tạo ra rất nhiều sản phẩm có giá trị. Ví dụ như phân bón hữu cơ cho lúa giảm phát thải, nguyên liệu đầu vào cho ngành chăn nuôi và thủy sản, kể cả ứng dụng cho thực phẩm và thực phẩm chức năng. Như vậy, đây là ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ USD. Tuy nhiên, nếu chúng ta không làm gì ngành nông nghiệp lại đang thải ra mỗi ngày khoảng 500.000 tấn phụ phẩm nông nghiệp và đây sẽ là gánh nặng về môi trường. Vì hiện giờ theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng khối lượng phụ phẩm năm 2020 của cả nước là trên 150 triệu tấn” - bà Vân An cho biết thêm.

Nghiên cứu và chế biến sâu gần 80 sản phẩm từ đầu và vỏ tôm, VNF đã “biến” các phụ phẩm từ tôm thành nhiều sản phẩm ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có sản phẩm phục vụ ngược lại cho ngành Nông nghiệp. “Ngoài việc giải quyết vấn nạn môi trường từ phụ phẩm, thì VNF đang tích cực phát triển các giải pháp nguyên liệu sinh học để giải quyết bài toán nguyên liệu nhập khẩu cho ngành nông nghiệp và lạm dụng quá nhiều hóa chất…” - Giám đốc chiến lược của VNF cho biết.

GS.TS Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng trường Đại học Nha Trang - đối tác R&D của VNF, cho rằng: “Tại các nước phát triển, họ xem phụ phẩm tôm không phải là phế phẩm mà xem đây là nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm có giá trị khác trong quá trình chế biến. Nếu Việt Nam có tư duy tiếp cận như vậy thì chắc chắn giá trị của chuỗi ngành hàng tôm nói riêng và thủy sản nói chung sẽ tăng lên rất lớn” - ông Trung cho biết thêm.

DN Việt ghi danh trên bản đồ phụ phẩm toàn cầu

VNF phối hợp với đối tác làm mô hình trình diện ứng dụng đạm thủy phân và Chitosan trong canh tác lúa.

Với những thành tựu đạt được, năm 2020, VNF là một trong số 40 doanh nghiệp được trao tặng Giải Vàng Chất lượng quốc gia. Đây là giải thưởng cao nhất trong hệ thống pháp luật về chất lượng, sản phẩm hàng hóa do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Đồng thời, với những sáng tạo vượt tầm, VNF còn được trao Giải thưởng Sáng tạo (Innovation Award) trong cuộc thi toàn cầu về dinh dưỡng cho tương lai (Future of Nutrition) tại Triển lãm FI Paris năm 2019 - triển lãm nổi tiếng trong ngành thực phẩm toàn cầu. VNF là công ty châu Á đầu tiên nhận được giải thưởng danh giá này.

Gần đây nhất vào tháng 7/2023, trong Hội nghị ngành tôm toàn cầu (Global Shrimp Summit) thì mô hình sản xuất của VNF đã được các chuyên gia bình chọn là mô hình mang tính sáng tạo nhất của ngành tôm thế giới. Bà Nguyễn Vân An nhấn mạnh, đây là một bước tiến trong hành trình chinh phục sự công nhận của quốc tế. “Chứng minh thành công tính khả thi của mô hình này tại Việt Nam, VNF thường nhận được câu hỏi liệu VNF có thể nhân rộng mô hình ở Ecuador hay các thủ phủ tôm khác. Câu trả lời là có, và thực tế là VNF đang nghiên cứu khả năng này” - bà Vân An cho biết.

Ngoài tiên phong về công nghệ, VNF còn được xướng tên trong các bảng xếp hạng toàn cầu về sản lượng sản xuất đạm thủy phân tôm và Chitosan trong nhiều năm vừa qua.

“Phần lớn ngành phụ phẩm nước ta chưa tồn tại và nếu tồn tại thì nó đang xử lý theo hướng đơn giản nhất có thể. Phụ phẩm có rất nhiều dưỡng chất, những sản phẩm rất nổi tiếng như dầu Omega3, Collagen, Glucosamine đều từ phụ phẩm thủy sản mà ra”.

Ông Phan Thanh Lộc - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Việt Nam Food

Phú Huân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chuyen-khai-thac-mo-vang-tu-vo-dau-tom-144464-144464.html