Chuyện kể về những áp lực, ám ảnh của y bác sĩ trong đại dịch COVID-19

Trong khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, áp lực đối với các y, bác sĩ được tăng lên gấp nhiều lần. Sự ra đi của bệnh nhân, tiếng còi phòng cấp cứu, tiếng máy thở, máy theo dõi sinh tồn, những con số thống kê ca bệnh… khiến nhiều người có nguy cơ bị sang chấn tâm lý.

Níu tay không người thân

Dường như chúng ta đã quen dần với nhịp sống mùa Covid, cái cảm giác thót tim mỗi khi con số các ca bệnh không ngừng tăng lên cũng đã bớt đi phần nào. Nhưng với Bác sĩ Lê Thị Thanh Tâm - khoa Bệnh máu lành tính, dòng ký ức của chuyến vào miền Nam vẫn còn nguyên vẹn như ngày hôm qua: "Ở viện Huyết học - Truyền máu TW cái níu tay của bệnh nhân không phải là hiếm, nhưng họ luôn có gia đình; người thân ở bên cạnh. Nhưng cái níu tay ở bệnh viện Hồi sức covid khác hoàn toàn. Bệnh nhân chỉ có một mình, chỉ trông chờ vào mỗi bác sĩ hay điều dưỡng đấy".

Bác sĩ Lê Thị Thanh Tâm vô cùng xúc động mỗi khi nhớ lại những tháng ngày chống dịch khốc liệt ở TP HCM (Nguồn ảnh: Đài truyền hình VTV)

Dòng kí ức hiện về, dường như trước mắt chị Tâm đang là cái níu tay đầy cô đơn của bệnh nhân.

Chị giơ tay ra nắm lấy trong vô thức nhưng chỉ còn lại là khoảng không vô định. Theo lời chị, có thời điểm 6-7 bệnh nhân tử vong cùng một lúc, các cuộc điện thoại ban đêm báo tin cho gia đình bệnh nhân ngày càng nhiều. Chỉ cần nhắc đến tên người thân là những tiếng khóc xé lòng, nặng nề và ám ảnh mãi không nguôi. Chị Tâm cho biết: "Lúc này, cái nắm tay của chúng tôi lại một lần nữa truyền đến với người nhà bệnh nhân". Vào thời điểm bệnh nhân không có người thân bên cạnh, cái nắm tay của các y bác sĩ chính là nguồn động viên, an ủi, cái nắm tay ấm truyền sức sống nghị lực để sống tiếp, để vượt qua thời kỳ dịch bệnh dù còn lắm chông gai.

Vào thời điểm bệnh nhân mệt mỏi thì có cái nắm tay ấm áp của y bác sĩ; lúc người nhà của họ lo âu thì cũng là các y bác sĩ an ủi, động viên. Còn những chiến sĩ áo trắng tại thời điểm đó phải tựa vào niềm tin và nỗ lực của chính mình để chiến đấu với dịch bệnh.

Bệnh nhân luôn có sự chăm sóc ngày đêm của y bác sĩ. Ảnh minh họa

Bất lực ... nhìn người thân ra đi

Lăn lộn trong những ngày dài mệt nhọc, trải qua biết bao mệt mỏi, điều dưỡng Phạm Thu Hiền - Khoa ghép tế bào gốc, Viện Huyết học - Truyền máu TW luôn cố gắng để nhìn về những điều tốt đẹp. Thế nhưng những ám ảnh, sự tàn khốc trong đợt dịch ở TP HCM đó có lẽ đã đi vào sâu trong tiềm thức của chị.

Trên đời này, sẽ chẳng có cơn đau nào đau hơn khoảnh khắc phải chứng kiến cảnh tượng người thân của mình đang chống đỡ với tử thần mà chẳng cách nào cứu vãn. Đó cũng chính là câu chuyện đã ám ảnh chị Hiền cho tới tận bây giờ.

Nỗ lực ngày đêm của lực lượng y tế trong đại dịch. Ảnh minh họa

Chị Hiền chia sẻ: "Cùng khoa với mình có một bạn bác sĩ nội trú của bệnh viện trong TP HCM, mẹ của bạn ý bị nhiễm COVID-19 và bạn ấy là người trực tiếp điều trị. Nhưng mà sau nhiều ngày cố gắng chữa trị, mẹ bạn ấy có dấu hiệu chuyển nặng, sức khỏe đã có những diễn biến xấu đi. Cuối cùng, chuyện gì đến cũng phải đến, bác ấy đã mất trước sự bàng hoàng và bất lực của con trai mình." Nói đến đây, chị Hiền bỗng như nghẹn lại, những giọt nước mắt không thể tự chủ được mà cứ thế lăn dài.

"Bởi vậy, mỗi khi nhớ đến Covid-19 thì ký ức đầu tiên dội về là cái nắm tay cuối cùng của hai mẹ con bạn ấy và quá trình điều trị tại khoa. Mình cũng là một người làm trong ngành y, cũng có những người thân cần chăm sóc thế nên cảm thấy thật sự thương xót và đồng cảm", chị Hiền nghẹn ngào.

Điều dưỡng Phạm Thu Hiền bật khóc khi nhớ đến kỉ niệm buồn (Ảnh: Đài truyền hình VTV)

Nhưng có lẽ điều làm chúng ta ấn tượng nhất đó chính là nghị lực và sự chuyện nghiệp phi thường của chàng trai trong lời kể của chị Hiền. "Mẹ mất, nhưng sau một vài hôm đau buồn, bạn ấy vẫn không gục ngã. Bạn ấy vẫn đi làm, vẫn đồng hành cùng với các đồng nghiệp, tiếp tục sứ mệnh cứu chữa cho các bệnh nhân khác". Nói đến đây, nước mắt chị lại trào ra.

Kìm nén mệt mỏi, tiếp tục chiến đấu

Tiến sĩ, Bác sĩ Vũ Văn Thành - Trưởng khoa Bệnh viện Phổi mãn tính, Bệnh viện Phổi TW đã có những chia sẻ về khoảng thời gian khốc liệt này. "Kể cả những bác sĩ đã kinh qua rất nhiều thăng trầm và những bác sĩ của Khoa Hồi sức tích cực, tôi nghĩ là chưa bao giờ có thể chứng kiến một khung cảnh mà cường độ và sự khốc liệt như trận chiến này".

Đôi mắt buồn man mác của bác sĩ Vũ Văn Thành khi nhớ về những mất mát không thể nguôi ngoai (Nguồn ảnh: Đài truyền hình VTV)

Nhớ về những ngày đó, bác sĩ Thành tưởng chừng như tất cả mọi người không biết ngủ. Trong kí ức của bác sĩ, phòng bệnh lúc nào cũng sáng đèn, các nhân viên y tế tất bật làm việc không ngơi nghỉ, máy móc, thiết bị hoạt động ngày đêm hết công suất. Họ vừa kiểm tra sức khỏe của một bệnh nhân xong, đang chuẩn bị tiến hành kiểm tra bệnh nhân khác thì lại có điện thoại thông báo về một bệnh nhân đang ở giai đoạn nặng vừa được đưa đến.

"Sự đau đớn dâng lên tột cùng khi tôi nhìn thấy hình ảnh một bác sĩ nam chạy ra khỏi phòng điều trị, ngồi thụp xuống, dựa lưng vào tường ôm lấy đầu gối nơi cuối hành lang, ánh mắt chỉ còn sự bất lực đau thương. Bạn ấy chỉ thốt lên được rằng "Không cứu được nó, đau lắm", bác sĩ Thành rưng rưng nhớ lại.

Qua lời kể của bác sĩ Thành, dường như đang thấy được hình ảnh các bác sĩ dưới bộ đồ bảo hộ chỉ có thể lộ ra đôi mắt với vô vàn những tâm tư. Mồ hôi ướt đẫm cả khuôn mặt, đôi mắt chất chứa đầy sự bất lực khi họ không thể níu lại được sinh mệnh của các bệnh nhân.

Ảnh minh họa

Chẩn đoán "căn bệnh tinh thần"

"Nơi chết chóc nhất không phải chiến trường mà là bệnh viện, người chứng kiến người chết nhiều nhất không phải quân nhân mà chính là bác sĩ". Vào thời điểm dịch COVID-19 căng thẳng, sự ám ảnh nơi đáy lòng các cán bộ nhân viên y tế đẩy lên đến đỉnh điểm khi chỉ trong một thời gian rất ngắn, họ đã phải chứng kiến quá nhiều sự ra đi đầy cô độc của những bệnh nhân mà vào thời khắc cuối cùng không thể gặp được người thân

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Viện trưởng Viện Tâm lý học và Truyền thông đã có những chia sẻ một cách chuyên sâu về vấn đề tâm lý của nhóm ngành y tế. Bà chia sẻ bằng một giọng hết sức thương xót và nghẹn ngào: "Đối với nhóm y tế nơi tuyến đầu chống dịch, chúng tôi cũng có những số liệu sơ bộ, chúng tôi thấy là có những kết quả mà thực sự đáng phải quan tâm. Về sơ bộ, có đến khoảng 57,7% nhân viên ý tế có triệu chứng rối loạn lo âu. Đặc biệt, vấn đề mà chúng tôi thấy rất đáng lo ngại là tỉ lệ rối loạn trầm cảm, cảm xúc trong nhân viên y tế là 60,9%. Số liệu này thật sự đáng báo động. Nó cho thấy đội ngũ nhân viên y tế cần phải được quan tâm và có sự chăm sóc về sức khỏe tinh thần một cách đặc biệt".

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh về tỉ lệ các y bác sĩ mắc các chứng bệnh về tâm lý sau ám ảnh về đại dịch (Nguồn ảnh: Đài truyền hình VTV)

Áp lực mà dịch bệnh đem đến khiến tâm lý của những người thuộc nhóm ngành y tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhóm y tế là nhóm ngành áp lực đầu tiên do tình hình dịch bệnh COVID-19 vì sự gia tăng của các ca nhiễm khiến áp lực về trách nhiệm trên vai họ càng thêm nặng, tâm lý họ "bị kéo" xuống gây nên những áp lực trong đời sống tinh thần. Sự gắng gượng đấu tranh khiến tâm lý của họ lúc nào cũng "căng như dây đàn", áp lực tinh thần "căng" như muốn đứt.

Các con số đưa ra cho thấy rõ các vấn đề sức khỏe tinh thần của đội ngũ nhân viên y tế đang cần phải được đặc biệt quan tâm. "Những cán bộ y tế đang ngày ngày dùng sức lực của bản thân để níu lấy sinh mạng của người khác. Cả cộng đồng hãy tạo thành điểm tựa tinh thần vững chắc cho những chiến sĩ áo trắng ấy cùng nhau vượt qua đại dịch, cùng nhau vượt qua thời khắc khó khăn này" - PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nói.

Mời bạn đọc xem video đang được quan tâm

Những vất vả, hy sinh của các y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy trong điều trị bệnh nhân COVID-19

Phạm Khánh Huyền (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/chuyen-ke-ve-nhung-ap-luc-am-anh-cua-y-bac-si-trong-dai-dich-covid-19-172220113174241151.htm