Chuyện ít biết về Tết Nguyên đán đầu tiên trong độc lập tại Thái Nguyên

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Tết Bính Tuất 1946 là Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên sau 80 năm đất nước bị đô hộ. Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình 2/9/1945 đến ngày 2/2/1946 (mùng 1 Tết), thời gian vừa tròn 5 tháng.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Tết Bính Tuất 1946 là Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên sau 80 năm đất nước bị đô hộ. Từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình 2/9/1945 đến ngày 2/2/1946 (mùng 1 Tết), thời gian vừa tròn 5 tháng. Tết đến, Xuân về lòng người ngập tràn niềm tin yêu, hy vọng.

Người dân Thái Nguyên hân hoan mừng Xuân mới.

Trong ký ức của lớp người cao tuổi sinh sống tại Thái Nguyên, Tết Độc lập đầu tiên năm 1946 không chỉ thật thiêng liêng, mà còn chất chứa cả tình người, tình đời. Chúng tôi đã dành nhiều thời gian tiếp xúc các nhân chứng, nghiên cứu tài liệu lịch sử và vô cùng xúc động.

Thời điểm ấy, nạn đói kinh hoàng năm Ất Dậu vừa đi qua, nhưng cái đói ở một số vùng còn len lỏi, chưa được giải quyết triệt để. Trong bối cảnh chính quyền cách mạng non trẻ cùng lúc phải đối phó với “thù trong, giặc ngoài”. Ngày 23/9/1945, tại miền Nam, thực dân Pháp nổ súng trở lại xâm lược nước ta. Ở miền Bắc, 20 vạn quân Tưởng và các tổ chức phản động âm mưu tiêu diệt nhà nước cách mạng. Ngay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, quân Tưởng vừa đến đồn trú đã nhũng nhiễu. Nhiều tổ chức phản cách mạng ra sức chống phá.

Theo các nguồn sử liệu: Ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc Lập, trước những khó khăn về kinh tế, nhất là hậu quả của nạn đói cũ đang hoành hành, nguy cơ nạn đói mới đe dọa, trong phiên họp ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phải chống “giặc đói”, phát động tăng gia sản xuất.

Tại Thái Nguyên, đời sống nhân dân vốn đã cực khổ do chính sách bóc lột, vơ vét của Pháp và Nhật, lại thêm trận lụt lớn xảy ra vào tháng 8-1945, tiếp theo là hạn hán dẫn đến đồng ruộng bị bỏ hoang. Lượng người các tỉnh khác kéo về thị xã từ nạn đói ở lại khá lớn. Nhiều phu mỏ, phu đồn điền mất việc làm do giới chủ người Pháp bỏ chạy...

Phát huy truyền thống đoàn kết, thương yêu giúp đỡ nhau, “lá lành đùm lá rách”, tại Thái Nguyên, nhiều hoạt động cứu đói được thực hiện như tổ chức “Ngày đồng tâm” nhịn ăn dành gạo cứu đói, lập “hũ gạo cứu đói”, “hũ gạo tiết kiệm”, dành dụm từng nắm gạo giúp đỡ các gia đình đang bị nạn đói đe dọa.

Tại thị xã Thái Nguyên, chính quyền lập trại tế bần gồm nhiều lán trại, làm nơi trú chân cho những người gặp nạn đói từ các nơi phiêu bạt đến. Hàng ngày, phụ nữ thị xã đi quyên góp gạo ở các gia đình, nấu cháo mang đến trại tế bần.

Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh còn áp dụng nhiều biện pháp để có gạo cứu đói: Ra lệnh tịch thu số thóc còn lại trong các đồn điền: Gia Sàng, Kép Le, Cầu Mây, kí vay thóc gạo của các nhà buôn trong thị xã. Đồng thời tịch thu toàn bộ đồn điền của thực dân Pháp giao cho Ban Dân sinh kinh tế. Tổ chức các hoạt động khai phá đồi nương, soi bãi tăng gia sản xuất, trồng cây lương thực và hoa màu ngắn ngày.

Tài chính cạn kiệt, ngân khố của tỉnh chỉ có 20.000 đồng Đông Dương. Với ý thức xây dựng đất nước, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tình nguyện đóng góp tiền của, vàng bạc ủng hộ “Quỹ Độc lập” được 5kg vàng và hàng vạn đồng tiền mặt cùng nhiều vật dụng có giá trị trong “Tuần lễ vàng”.

Trước Tết gần một tháng, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội trên cả nước diễn ra, nhưng ngày 25/12/1945, tại Thái Nguyên, cuộc bầu cử đã được tổ chức thành công và bầu được những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước Việt Nam Dân chủ công hòa, tạo ra nguồn sinh khí mới trong đời sống các tầng lớp nhân dân.

Bằng sự quyết liệt của chính quyền, sự chung sức, đồng lòng của phong trào cách mạng trong các tầng lớp nhân dân, nhiều tổ chức phản động, thổ phỉ, lưu manh cướp của bị trừng trị.

Ngày 16/12/1945, trước hơn một vạn người, Cung Đình Vận - tên Tỉnh trưởng Thái Nguyên khét tiếng gian ác bị xử tử tại Sân vận động Thái Nguyên. Cũng từ giữa tháng 12-1945, quân đội Tưởng phải rời khỏi địa phận Thái Nguyên.

Trước nhiều khó khăn về mọi mặt, chính quyền vẫn đảm bảo an ninh trật tự, chăm lo Tết cho nhân dân. Tổ chức vận động các hội, đoàn, nhà chùa nấu cháo phát chẩn cho người nghèo, không để ai Tết bị đói.

Bà Trần Thị Khang, năm nay 85 tuổi, nhà ở tổ 1, phường Hương Sơn, thành phố Thái Nguyên, cho biết: Gia đình tôi ở ngay trung tâm thị xã, giáp với hàng rào trại lính khố xanh. Trước Cách mạng Tháng Tám tôi vẫn nhìn thấy bọn lính đi càn, bắt cán bộ cách mạng buộc vào chiếc thang tre khênh về trại. Chúng đưa ra giữa sân tra tấn rất tàn bạo. Tôi đã trực tiếp chứng kiến nạn đói khủng khiếp năm 1945. Năm đó, người dưới xuôi kéo tới thị xã rất đông, người chết đói la liệt. Chính quyền cũ phải bố trí người hàng ngày kéo xe ba gác chất các xác chết chở đi chôn. Sau khi giành chính quyền, nạn đói tuy được giải quyết nhưng chưa chấm dứt hẳn. Tết Nguyên đán đầu tiên, mọi người phấn khởi được sống trong độc lập tự do, nhưng phố xá, các cửa hiệu không có hàng hóa để bán. Đón Tết nhưng đa số các gia đình trong thị xã không có gì ăn Tết. Người dân san sẻ nhau từng bơ gạo, thẻ hương. Ban thờ nhà tôi cũng chỉ hương khói tổ tiên bằng lòng thành. Chính quyền tổ chức các nhóm phụ nữ, thanh niên nấu cháo vào các vạc lớn tại một số điểm phát chẩn cho những người thiếu ăn. Nồi cháo có cả rau nấu lẫn, mỗi người chỉ được một muôi. Dòng người xếp hàng đông, có người đến lượt thì hết phải chờ nấu tiếp…

Ngày ấy, bà Khang còn nhỏ, sau Tết một thời gian, chính quyền vận động người dân đi tản cư, dỡ bỏ nhà cửa để tiêu thổ kháng chiến nên bà không thể quên.

Sau Tết cổ truyền đầu tiên trong tự do ấy, Thái Nguyên cùng với cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nhiều người con Thái Nguyên lên đường cầm súng hoặc đi tản cư, trở lại thị xã do chính tay mình tiêu thổ xây dựng cuộc sống mới.

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước chào đón vận hội mới, nhớ về Tết đầu tiên cả dân tộc được hưởng độc lập cũng là cách để chúng ta thêm trân trọng thành quả các thế hệ cha anh đã tạo dựng, tiếp tục sống, cống hiến nhiều hơn theo con đường Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn cho hành trình đi lên phía trước của dân tộc.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202402/chuyen-it-biet-ve-tet-nguyen-dan-dau-tien-trong-doc-lap-tai-thai-nguyen-e0e0d42/