Chuyện học ở Đồng Măng

Vượt qua con đường đèo vắt vẻo ngang lưng núi, dốc nối tiếp dốc, chúng tôi đến Đồng Măng, xã Trung Sơn, huyện Yên Lập vào một buổi sáng giữa tháng 12 sương giá. Dưới chân núi Tranh Yên, nơi thôn bản heo hút giữa núi rừng, những giáo viên cắm bản vẫn ngày ngày miệt mài đem ánh sáng tri thức, nuôi dưỡng ước mơ, khát vọng trong sáng của con em đồng bào dân tộc nơi đây.

Đường lên điểm lẻ Đồng Măng Trường tiểu học Trung Sơn A giờ đã được bê tông hóa.

Con đường gieo chữ
Sáng sớm, đoạn đường từ điểm trường chính lên khu Đồng Măng chìm trong biển sương mờ ảo, thầy giáo Lê Huy Trọng- Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Sơn A cho biết: “Giờ đã qua mùa lũ nhưng nếu trời mưa lớn, đi qua những đoạn có đập tràn vào trong điểm trường thì vẫn còn rất nguy hiểm. Trước năm 2020, đường vào Đồng Măng chưa đổ bê tông, đỉnh dốc chưa được hạ xuống đi lại vô cùng khó khăn, hai người một xe máy đi số một không leo nổi lên dốc. Vậy mà đầu tuần các thầy cô giáo tiểu học và các cô giáo mầm non vẫn phải đều đặn vượt qua để đến với học sinh”.

Thầy giáo Đinh Công Sơ trong giờ lên lớp.Điểm lẻ trường Tiểu học Trung Sơn A gồm một dãy nhà cấp bốn với năm phòng học kiên cố và một dãy nhà bốn phòng học do Hội Khuyến học tỉnh đầu tư xây dựng từ đầu năm và đang trong quá trình hoàn thiện. Thầy giáo Đinh Công Sơ, chủ nhiệm lớp 3C, một trong những người đầu tiên đến Đồng Măng bám bản, cũng là người sinh ra, lớn lên ở Trung Sơn đã có hơn 30 năm đứng trên bục giảng gieo chữ cho con em đồng bào mình, nhớ lại: Khi mới ra trường tôi được phân công về dạy ở điểm lẻ trường Tiểu học Trung Sơn A. Đồng Măng và các khu lân cận thời ấy còn khó khăn, vất vả lắm. Con đường từ trung tâm huyện lên đến xã rồi vào khu chỉ là đường đất trơn trượt ngày mưa, lầm bụi ngày nắng. Leo được vào đến đây, nhiều thầy cô sức khỏe yếu lên cơn sốt liền mấy hôm. Đường sá khó khăn, thực phẩm tươi sống như thịt, cá luôn là những thứ xa xỉ phẩm. Có thời gian tôi cùng nhiều giáo viên khác phải ăn cá khô ròng rã cả tháng trời, cuối tuần mới về nhà mang đồ tươi sống lên cải thiện. Khó khăn là vậy, nhưng các thầy cô vẫn luôn động viên nhau cố gắng vượt qua để tiếp tục gieo chữ”. Tuổi trẻ xa nhà, lại đến nơi vùng cao nhiều thiếu thốn, cô giáo Nguyễn Thị Huệ sinh năm 1994 phụ trách lớp 2C, là người ở Yên Lập nhưng làm dâu ở huyện khác nên khi được phân công lên công tác ở Trung Sơn, cô Huệ không khỏi nhớ nhà, nhớ người thân: “Những ngày đầu mới về dạy ở trường, tôi chỉ mong nhanh đến cuối tuần để về nhà thăm chồng con. Nhưng ở lâu, hiểu những thiệt thòi, lam lũ của học sinh và tình cảm của người dân, tôi lại càng thêm gắn bó cùng các em vượt qua mọi khó khăn”. Cô Huệ chia sẻ khó nhất khi đứng lớp là học sinh còn nhỏ, nhiều em chưa nói thông thạo tiếng phổ thông, nên giáo viên vừa là người trông trẻ, vừa dạy tiếng phổ thông, vừa dạy từng kỹ năng sống cho các em”.Khó khăn là thế, nhưng cô Huệ và những thầy, cô khác vẫn cho mình là người may mắn. Bởi họ chỉ dạy ở một điểm trường, không phải di chuyển nhiều, còn các thầy cô dạy môn chuyên biệt, như Thể dục, Âm nhạc, tiếng Anh, Mỹ thuật hàng tuần phải đi lại giữa các điểm trường mới thực vất vả. Niềm vui đến lớp
Đồng Măng trước kia hầu như biệt lập với các vùng khác bởi sự ngăn cách của những ngọn núi cao chót vót, đường nối các khu lại vô cùng khó khăn, có những khu không có điện, không sóng điện thoại… Hiện nay, hệ thống đường giao thông được nâng cấp, bê tông hóa đã giúp việc đi lại của người dân dễ dàng hơn. Đến với những điểm trường lẻ gặp gỡ, trò chuyện với các thầy cô giáo, những người đã có trên dưới chục năm gắn bó với vùng đất khó, chúng tôi càng hiểu hơn nỗi vất vả và khâm phục ý chí, lòng yêu nghề của họ. Các thầy cô giáo tâm sự rằng niềm vui lớn nhất bây giờ khi dạy học ở Đồng Măng là nhận thức về việc học của người dân đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều gia đình dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả nhưng đều tạo điều kiện thuận lợi cho con mình đến lớp để mai sau có tương lai tươi sáng hơn. Năm học 2021-2022, điểm lẻ Đồng Măng của Trường tiểu học Trung Sơn A có tổng số 62 học sinh của 5 khu hành chính là: khu Đồng Măng, khu Gầy, khu Thành Xuân, khu Bằng, khu Bóp. Con em đồng bào dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc học của nhiều em gặp không ít trở ngại. Nguyễn Yến Chi, học sinh lớp 1C của cô giáo Lê Thị Hương Huyền có hoàn cảnh khá đặc biệt, mẹ đi làm ăn xa, Chi đang sống cùng bà ngoại nay đã già yếu. Dù nhà cách điểm trường 5km nhưng Chi rất chăm chỉ đến lớp, mỗi ngày em đều được bà ngoại dắt đi học và đón về. Trời quang mây tạnh còn đỡ, chứ những khi mưa gió, hành trình đến lớp của hai bà cháu lại vất vả vô cùng. Người ướt rượt, tóc tai, quần áo lấm lem nhưng điều đó vẫn không làm nản quyết tâm đến trường của cô bé.

Những năm qua, các điểm trường lẻ trên địa bàn huyện Yên Lập đều được quan tâm dần hoàn thiện đầy đủ cơ sở vật chất khang trang.
Trong khi những học trò thành phố, học lớp 3, lớp 4 vẫn thường được bố mẹ đưa đón đến trường, thì phần lớn những em học sinh vùng cao phải tự lập từ rất sớm. Có khi mới 7-8 tuổi các em học bán trú dân nuôi đã phải tự nhóm lửa, thổi cơm, tắm giặt và học cách chăm sóc nhau khi ốm. Nồi cơm tập thể có khi khê, lúc nhão, nhưng bữa ăn luôn vui vẻ, đầm ấm. Sau mỗi đợt nghỉ cuối tuần, em nào cũng tay xách nách mang rau gạo từ nhà đủ dùng cho tuần kế tiếp.
Đây chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện mà những người thầy bám trụ ở Đồng Măng đã trải qua trong những năm gắn bó với vùng đất này. Mùa Đông rét mướt, mùa hè thì khô nóng nhưng vẫn không làm vơi lòng yêu nghề, mến trẻ của họ, bởi họ biết những điều họ làm hôm nay sẽ giúp trẻ em và người dân có cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, bởi lũ trẻ còn nhiều thiếu thốn, chúng cần được yêu thương và chăm sóc nhiều hơn. Chia tay các thầy cô ở điểm trường lẻ, thầy Lê Huy Trọng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Cuộc sống của người dân Trung Sơn vẫn còn nhiều gian khó nhưng bao đời nay họ vẫn luôn kiên trì vượt lên thiên nhiên khắc nghiệt để bám trụ với mảnh đất này. Trẻ nhỏ vùng cao ngoan và tự lập sớm, mới lần đầu tiếp xúc nhưng lễ phép và đáng yêu vô cùng, vì vậy các thầy cô của Trường tiểu học Trung Sơn A sẽ luôn cố gắng, quyết tâm mang đến điều gì đó để góp phần thay đổi tương lai cho các em.Qua năm tháng, những mầm xanh được ươm ngày nào nay đã vươn lên, thầy Trọng, thầy Sơ, cô Huệ và các thầy cô ở điểm trường Tiểu học Trung Sơn A tự hào kể tên nhiều học sinh giỏi ở Đồng Măng đã thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học với tương lai rộng mở phía trước...Và hôm nay, khi tiếng đánh vần, đọc bài của con trẻ từ ngôi trường vang lên vọng khắp cả núi đồi, báo hiệu cuộc sống tươi mới đã đến thật gần.

Ninh Giang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202112/chuyen-hoc-o-dong-mang-181677