Chuyến hàng cuối năm

Hồi nhỏ, tôi nghe ông nội tôi nói: 'Nhờ có cách mạng mà ông bà mới có đất đai chia cho con cháu'. Sau này lớn lên tôi mới biết, nguồn gốc đất đai mà ba tôi và chú bác mỗi người vài công là do Nhà nước cấp cho giai cấp 'bần cố nông' sau năm 1945, khi ta giành được chính quyền.

MH: Minh Tấn

Nhưng con cháu ngày một đông mà đất thì đâu có nở, cho nên ông bà phải tính đến chuyện gầy dựng nghề nghiệp khác cho con. Từ đó, nghề đi ghe xuất hiện trong dòng họ nhà tôi, sau đó thành một xóm đi buôn bằng ghe với đủ nghề. Mấy bác, chú tôi chở than, củi, cá khô, mắm, ba khía muối... lên miệt trên để bán. Còn ba má tôi thì bán tạp hóa, một cái tiệm hàng xén lênh đênh trên sông rạch. Lúc đầu chiếc ghe nhỏ, mui lợp lá, hình vòm, có chèo mũi và lái. Vài năm sau làm ăn khấm khá, ba tôi đóng chiếc ghe lớn hơn, mui bằng ván, vách đứng, chạy bằng máy đuôi tôm loại nhỏ. Trên mui dùng để chở loại hàng không sợ nắng, cho nên mỗi chuyến chở được nhiều hàng hơn chiếc ghe cũ. Mùa giáp Tết cũng là thời điểm mua sắm của bà con từ nông thôn đến thành thị, vì vậy ghe hàng của ba má tôi khẳm đừ. Chuyến lên chở chuối, dừa, thúng, rổ, giần, sàng..., chuyến về thì “bổ” thêm hàng chợ để bán cho bà con ăn Tết, lủ khủ vải vóc, đồ nhôm, đồ nhựa. Cực khổ như vậy mà ông bà vui lắm, vì hàng bán nhanh, có lời nhiều.

Ngày thường ai cần gì xuống ghe hàng mà chọn, còn gần Tết thì khác, cô Năm, thím Bảy ghi sẵn miếng giấy mấy loại họ cần mua, rồi đưa cho má tôi. Thiệt tình mà nói, cô bác chỉ biết đọc biết viết sơ sơ, cho nên có những chữ tôi không đọc được, vậy mà má tôi nhìn vô là biết đó là chữ gì. Tôi hỏi sao má đọc được hay vậy, má tôi nói, tại má “quen mặt chữ”. Vậy là má tôi mua đầy đủ theo “toa hàng” của cô bác.

Không chỉ người gởi toa trông ngóng mà bà con trong xóm cũng chờ, vì vậy khi ghe cập bến ai cũng hớn hở. Ba má rất nhạy với nhu cầu của bà con, đoán trúng ý thích của họ, cho nên hàng hóa thường được ưa chuộng hơn các ghe hàng khác. Ngoài đường, đậu, bột, sữa, xà bông, nước mắm, bánh mứt... ghe hàng của nhà tôi còn có giấy màu, giấy bông để trang trí nhà cửa; nhang thơm, đèn cầy và những bộ đồ cúng (quần áo bằng giấy) trên bàn thờ tổ tiên. Ðặc biệt là những câu đối, cặp liễn bằng chữ nho (loại này thường bán cho mấy nhà khá giả). Một món không thể thiếu nữa là bông hoa bằng nhựa đủ màu sắc. Cho nên, ngày ghe về bến, dưới bực sông lúc nào cũng đông vui, người đi bộ, kẻ bơi xuồng, tiếng cười nói râm rang. Mấy đứa nhỏ vô tư lắm, khi má tôi vừa trao tay mấy bộ đồ mới mà mẹ nó gởi ni (số đo), chẳng chút ngại ngần, chúng mặc ngay, ngắm nghía rồi cười sung sướng.

Nghĩ lại ông bà tôi thật khéo tính toán, nhà nông thiếu đất nhưng vẫn ấm no bởi biết dựa vào tự nhiên. Xứ tôi có rất nhiều sông rạch, đường bộ thời đó hiếm hoi lắm, cho nên sông rạch trở thành phương tiện giao thương. Những tháng cuối năm, đâu chỉ có ghe hàng xén hay xuồng ba lá chèo bán hàng bông, mà nhiều người có vốn lớn còn đầu tư sắm những chiếc ghe trọng tải lớn vài chục tấn chuyên chở gạch, cát, đá, cây gỗ miền Ðông về miệt sông nước này để bán buôn. Mùa khô bà con có nhu cầu sửa nhà, đến tiết Thanh Minh thì nâng cấp mồ mả, cho nên những chiếc ghe lớn chở vật liệu cũng làm ăn khấm khá lắm.

Mặc dù hiện nay hàng hóa ngập tràn từ siêu thị đến chợ truyền thống và cả bán hàng trên mạng, vậy mà ghe hàng vẫn tồn tại ở khắp làng quê vùng sông nước. Có một điều bất biến, đó là mối quan hệ giữa người mua và người bán vẫn gần gũi, tin tưởng nhau, lấy chữ tín để giữ bền tình nghĩa.

Những ngày cận Tết, tôi trở về làng quê, nơi bến sông xưa có chiếc ghe hàng xén của nhà tôi, để nhìn ngắm cảnh cũ mà thương, mà nhớ! Dòng sông vẫn miệt mài chuyên chở phù sa theo con nước lớn ròng, nhưng đôi bờ đã được gia công để chống xói lở bằng những hàng dừa nước, xen kẽ với giống bần bản địa, tạo thành công trình chắn sóng thiên nhiên đã đem lại hiệu quả rất tốt. Dọc theo bờ sông là con lộ nhựa phẳng phiu trải dài, đấu nối cùng các địa phương lân cận, tạo cho bộ mặt nông thôn ngày càng sáng tươi và thuận lợi cho đời sống người dân. Trên dòng sông của tuổi thơ tôi, thỉnh thoảng xuất hiện chiếc ghe hàng với tiếng rao vang xa bằng hệ thống loa điện tử: “Hàng Tết đã về tới rồi bà con ơi... Mời bà con chọn lựa... giá cả phải chăng, hàng thì chất lượng... cô bác ơi...”. Âm thanh ấy đã thôi thúc nhà nhà phải chuẩn bị cho mình một cái Tết đủ đầy, sung túc!

Lê Ngọc

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/chuyen-hang-cuoi-nam-a31084.html