Chuyên gia WHO sẽ đến Trung Quốc điều tra nguồn gốc đại dịch COVID-19

Chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Nguồn: AFP/TTXVN

* Các nước chuẩn bị các chương trình chủng ngừa COVID-19

Ngày 23/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đã nhận được sự cam đoan từ phía Trung Quốc rằng các chuyên gia quốc tế có thể đến nước này để hỗ trợ điều tra nguồn gốc của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được cho là có thể xuất phát từ động vật.

Phát biểu họp báo trực tuyến, Giám đốc phụ trách ứng phó tình huống khẩn cấp của WHO Michael Ryan nêu rõ: "Chúng tôi hoàn toàn mong đợi và nhận được sự cam đoan từ các cộng sự trong Chính phủ Trung Quốc rằng chuyến công tác đến thực địa sẽ được tạo điều kiện thuận lợi và (sẽ diễn ra) sớm nhất có thể".

Đánh giá cao việc Trung Quốc đã tiến hành "một lượng lớn điều tra khoa học," song ông Ryan nhấn mạnh sự cần thiết của việc triển khai một đội ngũ chuyên gia quốc tế phối hợp cùng các chuyên gia Trung Quốc xem xét và đánh giá các kết quả và các nghiên cứu, cũng như xác minh dữ liệu trên thực địa.

Theo quan chức WHO, các chuyên gia quốc tế cần vào cuộc "để cộng đồng quốc tế có thể yên tâm về chất lượng khoa học".

Nhiều tháng qua WHO đã thúc đẩy việc cử nhóm chuyên gia quốc tế, gồm các nhà dịch tễ học và chuyên gia sức khỏe động vật, đến Trung Quốc giúp điều tra nguồn gốc của đại dịch COVID-19 được cho là có thể xuất phát từ động vật và cách virus SARS-CoV-2 lây sang người.

Hồi tháng Bảy vừa qua, WHO đã cử một nhóm chuyên gia đến Bắc Kinh để tạo cơ sở cho việc xúc tiến cuộc điều tra quốc tế, song chưa rõ khi nào nhóm lớn hơn có thể đến Trung Quốc để bắt đầu các nghiên cứu dịch tễ học nhằm xác định ca nhiễm ở người đầu tiên và nguồn lây nhiễm.

Các nhà khoa học ban đầu cho rằng virus SARS-CoV-2 lây từ động vật sang người tại chợ hải sản Hoa Nam ở TP Vũ Hán, nơi ca mắc đầu tiên được phát hiện hồi cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, các chuyên gia hiện nay cho rằng chợ này có thể không phải nguồn gốc dịch bệnh, mà là nơi virus phát tán.

Các nhà khoa học Trung Quốc hồi tháng Hai khẳng định dịch COVID-19 không bắt nguồn từ chợ hải sản Hoa Nam mà là do một "bệnh nhân số 0" đã mang virus tới đây, sau đó, khu chợ đông đúc với điều kiện vệ sinh kém này đã trở thành môi trường thuận lợi để virus SARS-CoV-2 lây lan trong người dân.

* Theo phóng viên Thông tấn xã Việt nam tại Sydney, ngày 24/11, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt thông báo nước này sẽ này triển khai tiêm vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho các nhân viên y tế vào đầu tháng 3/2021, tiếp sau đó sẽ là nhóm người cao tuổi.

Phát biểu trong chuyến thăm nhà máy sản xuất máy thở ResMed ở Sydney, ông Hunt cho biết Úc hy vọng có thể chủng ngừa COVID-19 miễn phí trong năm 2021 cho tất cả người dân. Ông Hunt cũng cho biết Úc đang trong tiến trình sản xuất một số loại vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên.

Cho đến nay, Úc đã ký kết các thỏa thuận với 4 công ty bào chế vắcxin, trong đó có thỏa thuận sản xuất hơn 33 triệu liều vắcxin của AstraZeneca/Oxford tại bang Victoria. Ngoài ra, Bộ trưởng Y tế Hunt thông báo thông tin tích cực về tình hình dịch bệnh tại Úc, theo đó ngày 24/11 quốc gia này không còn bệnh nhân COVID-19 nào phải sử dụng máy thở trong bệnh viện.

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã nhiều lần khẳng định không bắt buộc người dân nước này phải tiêm vắcxin ngừa COVID-19, nhưng khuyến nghị nên chủng ngừa vắcxin do chính phủ cung cấp miễn phí, được xác nhận là an toàn và hiệu quả trong phòng ngừa COVID-19. Tính từ khi dịch bùng phát đến nay, Chính phủ Úc đã chi hơn 3,2 tỉ AUD (khoảng 2,3 tỉ USD) để hỗ trợ phát triển vắcxin trong nước và đặt mua từ nước ngoài.

Cùng ngày, hãng hàng không Qantas của Úc thông báo yêu cầu mọi hành khách quốc tế phải có chứng nhận chủng ngừa COVID-19 mới được lên máy bay. Giám đốc điều hành Qantas Alan Joyce cho biết hãng đang chuẩn bị thay đổi các quy định đối với hành khách nước ngoài và việc có áp dụng những thay đổi này với các chuyến bay nội địa hay không sẽ được cân nhắc dựa trên thực tế tình hình dịch bệnh.

Úc đã đóng cửa biên giới hồi tháng 3 khi làn sóng dịch bệnh đầu tiên tấn công nước này và hiện tại những người đến từ nước ngoài đều phải cách ly trong 2 tuần.

Bộ Y tế Ả-rập Xê-út ngày 23/11 thông báo vắcxin phòng COVID-19 sẽ được cung cấp miễn phí cho tất cả người dân tại vương quốc này. Bài đăng trên mạng xã hội Twitter của kênh truyền hình nhà nước Ekhbariya của Ả-rập Xê-út nêu rõ Bộ Y tế hy vọng có đủ vắcxin để cung cấp cho 70% dân số đất nước trước cuối năm 2021.

Trong khi đó, Bộ Y tế Tây Ban Nha không có kế hoạch bắt buộc người dân chủng ngừa vắcxin COVID-19. Theo luật của Tây Ban Nha, việc chủng ngừa được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, ngoại trừ một số trường hợp như khi xảy ra đại dịch, chính phủ có thể yêu cầu chủng ngừa bắt buộc. Tuy nhiên, các nguồn tin từ Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 23/11 cho biết bộ này hiện không có kế hoạch tiêm chủng bắt buộc.

Trước đó, ngày 22/11, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết quốc gia này sẽ bắt đầu triển khai chương trình chủng ngừa COVID-19 từ tháng 1/2021, với mục tiêu chùng ngừa cho phần lớn dân số trong vòng 6 tháng.

Các nguồn tin từ Bộ Y tế Tây Ban Nha cũng khẳng định khi mọi dữ liệu về vắcxin trở nên rõ ràng hơn và được Liên minh châu Âu cấp phép, Tây Ban Nha sẽ nhanh chóng triển khai chương trình chủng ngừa thông qua mạng lưới các trung tâm y tế cộng đồng vốn có kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực này.

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249253/chuyen-gia-who-se-den-trung-quoc-dieu-tra-nguon-goc-dai-dich-covid-19.html