Chuyên gia truyền thông, Chủ tịch Berlin Crisis Solutions LÊ NGỌC SƠN:: Giữ hồn phố mãi xuân

Sống và làm việc tại Berlin (Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức), chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Người đô thị là người nghiên cứu bậc tiến sĩ về ngành quản trị truyền thông về khủng hoảng. Ông là Chủ tịch, người sáng lập Mạng lưới Chuyên gia từ CHLB Đức về truyền thông và xử lý khủng hoảng (Berlin Crisis Solutions) và hãng cung ứng nguồn nhân lực German Greatway Group.

Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, chuyên gia gốc Việt này đã có cuộc trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần.

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn

Đô thị phát triển phải mang hồn nét riêng

* Xin được bắt đầu cuộc trò chuyện về chủ đề mà ông đã trao đổi trong hội thảo khoa học Lối sống và lối sống đô thị do Tạp chí Cộng sản tổ chức cuối năm 2023. Khi phát biểu, ông đã nói về cụm từ “căn tính đô thị”. Theo ông căn tính đô thị là gì và vì sao phố phải có căn tính đô thị?

- Căn tính đô thị là những nét đặc trưng mà đô thị đó có khi được nhắc về. Nhờ các trải nghiệm của bản thân ở nhiều vùng đất khác nhau đã cho tôi thấy, một đô thị “sống” và có sức sống là một đô thị có hồn cốt. Nhắc đến Paris phải có cái lãng đãng tình tứ của tình yêu. Nhắc đến Lisbon, phải gợi đến sự tò mò của tinh thần khám phá thế giới của những nhà thực dân Bồ Đào Nha nhiều thế kỷ trước đã đến... Đô thị phải mang hồn vía riêng của mình. Đó chính là căn tính đô thị.

Tôi có đưa một vài bạn bè nước ngoài của tôi đến Phú Quốc và họ lắc đầu không muốn trở lại, lý do đơn giản bởi vì sự sao chép thô kệch và vô hồn trong lối kiến trúc ở đây. Không ai đến từ những vùng đất có các kiến trúc tuyệt trác, lại phải bỏ tiền để ghé thăm một nơi “copy” sự trác tuyệt về kiến trúc một cách nửa vời cả…

* Trong giới học giả, người ta biết đến ông là chuyên gia trẻ, không chỉ tham gia giải quyết nhiều khủng hoảng truyền thông lớn mà còn là cách tiếp cận khá hiện đại các hiện tượng “có vấn đề” của xã hội đương đại Việt Nam. Về phát triển đô thị, ông nói rằng đô thị của chúng ta muốn phát triển phải cần có nét riêng. Theo ông, cái thiếu của đô thị Việt Nam là gì?

- Các đô thị thế giới thực ra khác biệt là vì các vỉa quặng văn hóa xếp chồng lên nhau. Mỗi đô thị là sự xếp lớp của sự kế thừa văn hóa qua các thời kỳ. Thời kỳ sau, thế hệ sau tiếp nối và bồi đắp thêm cho thời kỳ và thế hệ trước, cơn gió của thời gian quét qua thì sự tinh túy của đô thị vẫn đọng lại.

Tuy nhiên ở Việt Nam thì ngược lại: Từ khởi thủy đến nay, truyền thống của ta vẫn là triều đại này lên sẽ đập đổ hết cái gọi là “tàn tích” của triều đại trước. Cho đến nay, dấu vết tư duy “xóa sạch cái cũ” vẫn còn. Vậy là, thời gian trôi đi chỉ đọng lại sự hoang hoải của tàn tích, thay vì tiếp nối và bồi đắp, thay vì là sự giàu có rêu phong của những vỉa quặng văn hóa xếp chồng lên nhau. Đó là cái thiếu mang tính sống còn của các đô thị ở ta.

* Là người đi nhiều và sống sâu, trải nghiệm qua nhiều vùng đất và lối sống khác nhau, ông thấy để có một đô thị đáng sống thì cần phải làm gì?

“Một đô thị đúng nghĩa cần phải là một đô thị gìn giữ các dấu vết của quá khứ. Khuôn mặt đô thị thực chất là tấm gương phản chiếu, là biểu dấu hiện sinh của lối sống con người, là hàn thử biểu của chất lượng thị dân...”.

- Tôi có nói về đô thị đáng sống phải là đô thị có tính kết nối. Kết nối ở nhiều phương diện: (1) Kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Nghĩa là không có sự đứt đoạn giữa cái đương đại và những dấu tích đã qua. Quá khứ phải là tài sản sống, thay vì là các tàn tích vô hồn. (2) Kết nối thế hệ giữa trẻ và già: Không phải cứ đô thị là phải hiện đại và người trẻ đuổi theo nhịp hiện đại để quên đi những người già. Thực ra, trong lòng những đô thị hiện đại, người già là đối tượng dễ cô đơn và tổn thương. Người già cần được quan tâm và không bị bỏ quên. (3) Kết nối giữa những người yếm thế/tổn thương và cộng đồng: Đó là đô thị không bỏ quên những người khuyết tật, những người nghèo khó vất vả mưu sinh. Ở những điểm này, những đại đô thị của Việt Nam đang làm khá tốt. Tôi vui vì trên những con phố trong các đô thị hiện đại này có lối đi riêng cho người phải di chuyển bằng xe lăn hay người mù.

Thiết kế đô thị của hiện đại sẽ vô tính, vô hồn nếu ta tàn phá quá khứ, bắn vào quá khứ bằng những máy đục bê-tông (tàn phá các công trình cổ xưa để thay bằng các tòa nhà mới) và bỏ rơi những người yếm thế.

Để phố không mất “hồn”

* Như ông nói, giữa cái mới, cái hiện đại, ắt hẳn sẽ có xung đột với cái cũ, cái truyền thống. Vậy đô thị phải xác định căn tính như thế nào để giữ được hồn của mình?

- Đô thị là thực thể luôn chứa đựng những xung đột của thời gian. Lớp người này hay lớp người kia qua đi, thì đô thị vẫn ở đó. Một thành tố không thể thiếu của đô thị là… phố thị. Phố vẫn kiên trì ở đó chứng kiến bao cuộc gặp gỡ, bao cuộc chia tay, bao sự lướt trôi qua đời nhau của nhiều thế hệ… Những dấu ấn của các hoạt động mang tính đời sống văn hóa đó theo thời gian sẽ đọng lại phố, dù các hoạt động mang tính văn hóa đó trải qua từ “cổ” (quá khứ) hay “kim” (đương đại).

Chuyên gia Lê Ngọc Sơn (bìa trái)

Cả đô thị và phố thị nằm trong lòng nó, thì yếu tố “thị” (chợ) đóng vai trò là trung tâm. Nơi đó diễn ra các hoạt động mua bán sầm uất. Nhưng hành động mua bán trong xã hội hiện đại đã thay đổi nhiều. Người ta lên các nền tảng mua sắm online để mua bán. Vậy, thị, phố thị, đô thị… cũng đã và đang vì thế mà thay đổi theo.

Nhắc đến hồn vía đô thị, Tết xưa, ở các đô thị Việt, vẫn có “ông đồ”, “mực tàu, giấy đỏ”… nhưng với sự phát triển hiện đại, những nét văn hóa đó đã dần biến mất. Những gì ta thấy ngày nay về “ông đồ”, “cho chữ”… chỉ là mang tính phục dựng. Nhưng ý nghĩa “cho chữ”, “trọng chữ”, “yêu sự học” lại ẩn tàng trong các hoạt động văn hóa khác ở các đô thị hiện đại, chẳng hạn như mấy năm gần đây, người ta tặng nhau sách trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Tự đời sống đô thị sẽ tạo ra những sự chuyển dịch khéo léo về mặt văn hóa để thích ứng với cuộc sống mới và vẫn giữ được “hồn vía” và cốt cách văn hóa của chính nó.

* Theo ông, đô thị “sống” được và đô thị đáng” sống” có gì khác?

- Mỗi nơi tôi đi qua, đều đang như bước trên các lớp trầm tích văn hóa. Ở Đức, tôi và người bạn của mình là GS Loeffelholz thi thoảng cuối tuần hẹn nhau ra một quán bia nhỏ trong phố cổ TP.Erfurt, CHLB Đức. Ở đó, bên ngoài cửa có treo tấm biển nhỏ, ghi nhận cách đây mấy trăm năm trước chốn này vốn là chỗ ở của một nhà toán học có đóng góp quan trọng. Ở Áo, dạo bước trên một con phố cổ, người ta có thể thấy những viên gạch đặt trên đường vốn khắc tên một nhà văn vốn từng ở trong con hẻm nhỏ nơi đây...

Đô thị “sống” được và đáng sống là đô thị biết vượt qua các thách thức của thời gian, đọng lại các vết trầm tích về văn hóa. Nói bóng bẩy thì, đô thị khác biệt và có cốt cách là ở chỗ, nó biết khoác lên mình sự lộng lẫy của các viên ngọc quý về văn hóa.

* Mỗi năm ông giúp hàng trăm bạn trẻ Việt Nam qua Đức học tập, làm việc và định cư. Ông nói thế nào với họ về việc định hình căn tính khi xa quê?

- Chúng tôi giúp các bạn trẻ đến từ các vùng nông thôn và con em của các gia đình trung lưu thành thị có cơ hội được ra thế giới, hòa nhập với lực lượng lao động quốc tế, từ đó kiếm tiền và phát triển bản thân. Các bạn trẻ thay đổi cuộc đời, sẽ giúp gia đình các bạn ấy thay đổi đời sống vật chất và tinh thần. Nhiều gia đình sung túc, sẽ có những cộng đồng sung túc.

Thực ra, căn tính mỗi cá nhân là việc cá nhân đó tự hình thành. Nhưng nhìn ở quy mô lớn, cá nhân tôi cho rằng, trong mỗi người Việt dù sống ở đâu, đều có căn tính tạm gọi là làng. Gốc gác về mặt gen thì đa số chúng ta (hoặc tiền nhân của mình) đều đến từ ngôi làng nào đó. Chính căn tính làng này sẽ là yếu tố tạo nên bản sắc, thêm những mảng màu cho các đô thị thế giới.

Tôi luôn nói với các bạn trẻ, đi ra từ làng (dù có thể bạn sinh ra ở phố) thì khi các bạn đã thành công, hãy tìm cách về giúp các làng quê Việt Nam, giúp những người trẻ ở đó được thực hiện giấc mơ của mình.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện đầu năm này!

Lê Việt Nhân (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202402/chuyen-gia-truyen-thong-chu-tich-berlin-crisis-solutions-le-ngoc-son-giu-hon-pho-mai-xuan-d2b4364/