Chuyên gia nói gì về Omicron tại Hà Nội và TP.HCM?

Nhiều nghiên cứu cho thấy BA.2 làm độ nhạy của test nhanh suy giảm một phần so với các biến chủng gốc.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, gần đây, Omicron có xu hướng lây nhiễm nhanh ở Hà Nội và TP.HCM, dần thay thế Delta.

Tại Hà Nội, Omicron đã xuất hiện ở 20/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó, biến chủng BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện Omicron. BA.2 lây nhanh hơn 1,5 lần biến chủng gốc BA.1.

TP.HCM cũng phát hiện 64% mẫu dương tính với Omicron là biến chủng BA.2.

BA.2 có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn BA.1 khoảng 30%.

Không chủ quan khi test nhanh âm tính

Trao đổi với Zing về Omicron tàng hình, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho hay, đến nay chưa có bằng chứng BA.2 gây bệnh nặng hơn so với BA.1 nhưng tốc độ lây nhiễm nhanh.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bạch Vân.

Thông thường, để xác định các biến chủng, cần làm xét nghiệm giải trình tự gene khá phức tạp. Với chủng BA.1, do đột biến thiếu một số gene, có thể nhận biết bằng xét nghiệm rRT-PCR, không cần giải trình tự gene.

BA.2 có tên gọi là biến chủng "tàng hình" do thiếu các đột biến này. Do đó, xét nghiệm rRT-PCR chỉ xác định bệnh nhân đang nhiễm SARS-CoV2. Nó không xác định ngay được Omicron.

Trước đây, các chủng khác thường lấy mẫu qua ngoáy mũi (lấy dịch tỵ hầu) cho kết quả nhạy cao. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy với Omicron, việc lấy mẫu qua đường họng (phết amigdal) cho kết quả nhạy hơn đường mũi.

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy với biến chủng Omicron, trong đó có BA.2, độ nhạy của test nhanh suy giảm một phần so với các biến chủng gốc.

Trả lời về việc test nhanh giảm độ nhạy có thể khiến người dân chủ quan, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay điều này có thể. Trong trường hợp F0 không triệu chứng test nhanh âm tính, họ sẽ không biết bản thân đang mang mầm bệnh.

Nếu không thực hiện thường xuyên các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm cộng đồng như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, hạn chế tụ tập đông người, họ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Đặc biệt, BA.2 có khả năng lây lan cao so với các biến chủng nguyên thủy.

Về điểm giống, khác nhau giữa bệnh nhân nhiễm chủng Delta và Omicron điều trị tại bệnh viện, bác sĩ Cấp chia sẻ: “Bệnh nhân nhiễm chủng Delta có tỷ lệ chuyển nặng cao hơn Omicron. Nhiều giả thuyết đang được làm sáng tỏ về nguyên nhân khiến người nhiễm Omicron hiện nay mắc bệnh nhẹ, ít chuyển nặng hơn giai đoạn lưu hành các biến chủng trước”.

Ông cho biết thêm trong làn sóng dịch thứ 4, mỗi ngày, TP.HCM phát hiện hàng chục nghìn F0, số bệnh nhân nặng tăng rất cao.

Tại Hà Nội hiện nay, dù ghi nhận hơn 30.000 ca/ngày song lượng bệnh nhân diễn biến nặng lại thấp hơn. Hiện, số lượng người nhiễm và tái nhiễm Omicron của TP.HCM cũng rất lớn, nhưng số ca nặng khá thấp so với giai đoạn trước.

Cách phòng lây nhiễm biến chủng tàng hình

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho rằng một số kit test nhanh chưa theo kịp biến chủng mới nên không xác định được SARS-CoV-2.

Nhân viên y tế lấy thuốc điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Bạch Vân.

Nhằm chủ động bảo vệ bản thân trước Omicron tàng hình, chuyên gia này khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp phòng hộ.

Khi trong gia đình có F0, mỗi người nên tự coi mình cũng nhiễm nCoV và thường xuyên theo dõi sức khỏe. Nếu tiếp xúc F0, họ cần cách ly để tránh lây cho người khác.

Theo bác sĩ Cấp, SARS-CoV2 có thể đột biến, tiếp tục tạo ra nhiều biến chủng mới trong tương lai. Do vậy, các loại test xét nghiệm, việc điều trị phải liên tục cập nhật để phù hợp với xu hướng thay đổi của dịch bệnh.

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn cập nhật mới về điều trị F0 tại nhà. Người dân quan tâm cần theo dõi, cập nhật thông tin để thực hiện.

Trong quá trình điều trị tại nhà, các F0 cần theo dõi các dấu hiệu nguy cơ chuyển nặng theo hướng dẫn để để báo nhân viên y tế hỗ trợ kịp thời. Ngay cả khi test nhanh âm tính, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm để bảo vệ bản thân mình và những người xung quanh.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, chia sẻ Omicron có 36 đột biến trong protein gai, giúp virus xâm nhập vào tế bào người dẫn đến tốc độ lây lan nhanh.

Tốc độ lây lan của Omicron khiến số lượng bệnh nhân tăng vọt, gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt ở các địa phương dịch vốn đã căng thẳng. Nếu phân tầng điều trị không thích hợp, nguy cơ bệnh nhân tử vong sẽ gia tăng.

Ông khuyến cáo các địa phương cần đẩy nhanh việc tiêm vaccine phòng Covid-19. Hiện, việc Omicron liệu có làm vô hiệu hóa hay làm giảm hiệu quả vaccine hay không chưa thực sự sáng tỏ. Nhưng một số nghiên cứu của quốc tế cho rằng tiêm vaccine mũi 3 có tác dụng bảo vệ tốt hơn trước chủng mới.

“Việc hạn chế ca bệnh nặng sẽ giảm tải cho hệ thống y tế, đặc biệt là đơn vị cấp cứu - hồi sức, giảm tỷ lệ tử vong”, PGS Phu nói.

Bạch Vân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-omicron-tang-hinh-tai-ha-noi-va-tphcm-post1301391.html