Chuyên gia nói gì về đề xuất quản lý giờ làm thêm của sinh viên?

Theo các chuyên gia giáo dục, việc giám sát sinh viên đi làm thêm không phải việc của nhà trường, nhà trường không có chức năng giám sát sinh viên có hay không đi làm thêm.

Mới đây, dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ LĐ-TB&XH đề xuất học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm song không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ. Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc này nhằm bảo đảm quyền làm việc cho học sinh, sinh viên, đồng thời tăng cường quản lý, hỗ trợ và đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động đối với nhóm đối tượng này.

Bộ LĐ-TB&XH cũng đề xuất các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.

Bị quản lý giờ làm thêm, sinh viên nói gì?

Là sinh viên ngoại tỉnh, Vũ Hải Huyền (sinh viên Học viện Ngoại giao) cho biết, công việc làm thêm của em trong suốt một năm qua là dẫn chương trình (MC) cho các sự kiện. "Việc làm thêm không ảnh hưởng tới việc học vì em luôn lên lịch học tập từ sớm để cân bằng. Công việc làm thêm này đã hỗ trợ phần nào gia đình em trong việc trả tiền phòng trọ và tiền ăn. Hơn nữa, việc đi làm thêm khi đang là sinh viên cũng giúp em có thêm kinh nghiệm và tiếp xúc được với nhiều người. Nếu bị giới hạn giờ làm thêm thì em sẽ bị ảnh hưởng rất lớn", Huyền bộc bạch.

Vũ Hải Huyền làm thêm công việc MC tại một sự kiện.

Với Trần Đức Anh (sinh viên năm 3 Trường ĐH Hà Nội) hiện đang làm thêm công việc chạy Grap nêu ý kiến: "Chúng em đều là những công dân 18 tuổi trở lên, có quyền hợp pháp để đi làm. Em nghĩ quản lý giờ làm thêm như vậy là không hợp lý. Đây là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Hạn chế giờ làm thêm như vậy nhưng nhà trường hay chính quyền các cấp có thêm chế độ gì để hỗ trợ cho các bạn sinh viên khó khăn hay không?".

Đức Anh cho biết thêm, vì sinh viên chưa có bằng cấp hay kinh nghiệm nên với em, việc chọn làm tài xế công nghệ là phù hợp nhất, vừa có thêm thu nhập, công việc lại linh hoạt, có thể tự sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng đến việc học hàng ngày.

"Chi phí sinh hoạt của sinh viên tương đối lớn, nếu không có thêm các khoản thu nhập ngoài để phụ trợ thì sẽ không đủ kinh phí trang trải. Gia đình em ở quê, bố mẹ cũng không dư dả, nếu bây giờ không làm thêm kiếm tiền thì sẽ không đủ tiền để ở Hà Nội nữa", Phạm Bùi Bích Ngọc - sinh viên Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp chia sẻ.

Phạm Bùi Bích Ngọc làm thêm vẽ trang trí tường cho một trường học.

Bên cạnh đó, cũng có một số sinh viên cho rằng, đây là quy định tốt nhưng quản lý như thế nào, quản lý ra sao để hợp tình hợp lý để sinh viên được đi làm một cách công khai, không phải làm "chui". "Sinh viên làm thêm vừa có thu nhập, vừa trải nghiệm, hoàn thiện bản thân. Theo em, việc quản lý giờ làm thêm cho sinh viên là đúng đắn. Ai cũng có quyền đi làm nhưng thời gian làm phải hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học", Nguyễn Đức Quang, sinh viên ở Phú Thọ cho biết.

Không dễ để quản lý chính xác thời gian làm thêm của sinh viên

Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này, một giảng viên trường đại học tại Hà Nội cho rằng, sinh viên là công dân đã trưởng thành và có trách nhiệm với việc bố trí thời gian học tập hay đi làm của mình. Việc hạn chế giờ làm thêm của sinh viên không chỉ gây khó khăn cho tương lai của các em mà còn có thể làm nảy sinh hệ lụy như sinh viên phải đi làm chui và vì thế, bị bóc lột sức lao động. "Hiện các trường đại học đào tạo theo tín chỉ cho phép sinh viên linh hoạt trong việc lựa chọn số lượng tín chỉ trong một học kỳ, có học kỳ học ít, có học kỳ học nhiều. Nếu học ít thì có thể đi làm nhiều giờ hơn và ngược lại".

Vị giảng viên này cho biết thêm, đề xuất này sẽ giúp sinh viên tập trung cho việc học nhưng ai dám chắc với những khoảng thời gian bị khống chế đó thì các em sinh viên có dành cho việc học hay không hay sẽ chơi game hoặc tham gia các trò vô bổ khác. "Để sinh viên tập trung học, không sa đà làm thêm và bảo vệ các em trong quá trình đi làm, tôi nghĩ gia đình cần đồng hành với nhà trường trong việc quản lý và động viên các em. Một mình nhà trường không thể quản lý được.

Nếu sinh viên khai báo không trung thực, người sử dụng lao động cũng không trung thực thì các cơ sở đào tạo cũng không có nguồn lực và chức năng để kiểm tra về số giờ làm việc thực của sinh viên. Nhà trường chỉ có thể tuyên truyền, nhắc nhở hoặc thậm chí yêu cầu sinh viên cam kết và tin tưởng vào sự trung thực của các em".

Còn theo thầy Vũ Khắc Ngọc - giáo viên dạy môn Hóa học tại Hà Nội: "Việc làm thêm quá nhiều chắc chắn sẽ ảnh hưởng không tốt tới kết quả học tập và chất lượng đầu ra của sinh viên. Nhưng cũng phải tính tới thực tế là lương theo giờ cho sinh viên hiện còn rất thấp, trong khi học phí và sinh hoạt phí ở các thành phố lớn ngày càng đắt đỏ. Bên cạnh đó, quan trọng nhất có lẽ là không dễ để có thể quản lý, đo đếm, kiểm soát được chính xác thời gian làm thêm của sinh viên trong thực tế".

TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc ra quy định học sinh, sinh viên đủ tuổi lao động có thể làm thêm không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ là đang tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên có thêm việc làm, đồng thời nhằm đảm bảo sức khỏe cho các bạn khi đi làm thêm.

Tuy nhiên, việc áp dụng ngay có thể sẽ không khả thi bởi hiện nay sinh viên đi làm thêm ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nhiều hoặc làm việc bán thời gian tại các cửa hàng dịch vụ ăn uống... Do vậy sẽ rất khó thu thuế thu nhập cá nhân của người đi làm thêm, không thể quản lý được thời gian làm thêm của học sinh, sinh viên. "Việc giám sát sinh viên đi làm thêm cũng không phải việc của nhà trường, nhà trường không có chức năng giám sát sinh viên có hay không đi làm thêm. Nếu muốn giám sát cũng không thể giám sát được", ông Vinh nêu quan điểm.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-noi-ve-de-xuat-quan-ly-gio-lam-them-cua-sinh-vien-169240327001957578.htm