Chuyên gia Nga thán phục nhìn Ấn Độ 'lên mặt trăng bằng xe đạp'

Ấn Độ đã âm thầm lặng lẽ nghiên cứu về không gian vũ trụ và đã đạt được thành tựu đáng ngưỡng mộ khi thăm dò thành công cả sao Hỏa lẫn Mặt trăng.

Tàu đổ bộ từ chương trình Luna-25 của Nga (phải) và tàu Vikram của Chandrayaan-3 của Ấn Độ trong cuộc đua mới lên Mặt trăng

Tàu đổ bộ từ chương trình Luna-25 của Nga (phải) và tàu Vikram của Chandrayaan-3 của Ấn Độ trong cuộc đua mới lên Mặt trăng

Mới đây, chuyên gia Nga Yaroslav Dymchuk đã có bài viết với tiêu đề: “Lên mặt trăng bằng xe đạp: Làm thế nào Ấn Độ giành được chức vô địch không gian với ‘ít máu’” (To the moon on a bike: How India managed to win the space championship with “little blood”).

Mở đầu bài viết, chuyên gia Dymchuk thừa nhận rằng, trong câu chuyện về sứ mệnh mặt trăng mới đây, Ấn Độ đã “lau mũi cho người Nga”, khi Cơ quan Vũ trụ quốc gia Nga (Roscosmos) xác nhận tàu thăm dò Luna-25 (Mặt trăng-25) đã đâm xuống bề mặt Mặt trăng sau khi bị mất kiểm soát.

Thất bại của Moscow có thể được biện minh bằng sự kết hợp giữa hoàn cảnh bất lợi và một tai nạn trong khi tắt động cơ của Lunar-25 vào ngày 19/8, nhưng thực tế cho thấy rằng, New Delhi chuẩn bị tốt hơn Moscow trong việc khám phá mặt trăng.

"Hãy tưởng tượng những điệu nhảy nghi lễ nào từ phương Tây sẽ bắt đầu vào dịp này nếu một con tàu của người Ba Lan hoặc Australia hiện diện trên mặt trăng thay cho vệ tinh Ấn Độ! Nhưng New Dehli là đối tác lâu dài của Moscow nên họ không lấy đó làm lí do để chế nhạo Nga" - Chuyên gia nhận định.

Thành công vĩ đại của Ấn Độ

Phương tiện hạ cánh cùng với tàu thám hiểm mặt trăng của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đã hạ cánh xuống mặt trăng vào ngày 23 tháng 8 ở chế độ bình thường và chuyến thám hiểm của người Ấn Độ đến khu vực cực nam của mặt trăng vẫn tiếp tục an toàn.

Thành công đáng ngạc nhiên này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi người ta biết được rằng, ngân sách của chương trình Chandrayaan-3 chỉ vẻn vẹn 75 triệu USD.

Đây được coi là “là số tiền khiêm tốn nhất” trên thế giới từng được phân bổ cho các mục đích vĩ đại như đổ bộ lên Mặt trăng.

Và nó cũng thật ý nghĩa khi biết rằng, trước đó, tàu Mangalyaan của Ấn Độ lần đầu tiên đã thành công trong hoạt động thăm dò sao Hỏa vào năm 2014, với kinh phí cũng chỉ tốn 74 triệu USD.

Sau sao Hỏa, sứ mệnh Mặt trăng có vai trò vô cùng quan trọng trong việc tạo lập uy tín của Ấn Độ, đưa nước này trở thành một cường quốc về khoa học vũ trụ.

Hoàn cảnh này là một lý do bổ sung để người Ấn Độ càng tự hào hơn về đất nước của họ, khoản tiền bèo bọt như vậy vẫn không ngăn được họ trở thành nước đầu tiên đổ bộ xuống phía nam của Mặt trăng!

Sự kiện diễn ra vào ngày 23/8 đã trở thành một ngày lễ quốc gia thực sự đối với người Ấn Độ. Người dân đã xuống đường vui mừng, cầu nguyện, ca hát và nhảy múa. Đã có một chương trình truyền hình trực tiếp dành riêng cho vấn đề này ở các trường học trên cả nước.

Ấn Độ là quốc gia thứ tư liên tiếp chinh phục mặt trăng sau Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ là nước đầu tiên hạ cánh thành công module của trạm liên hành tinh tự động của mình bên ngoài vòng cực nam.

Và như thể có mục đích, điều này xảy ra 4 ngày sau nỗ lực tương tự thất bại của Luna-25, kết thúc bằng vụ tai nạn mà chúng ta đã biết.

Với hành động thực sự đáng ngạc nhiên của mình, Ấn Độ không chỉ đã vượt qua đối thủ lâu năm là Trung Quốc và còn cả Nga và Mỹ.

Nhìn chung, người Ấn Độ có thể ghi nhận thành tích trên một cách đáng tự hào, bởi thành công này đặc biệt quan trọng sau khi các chuyến bay “Chandrayan-1” và “Chandrayan-2” đã có lúc không thành công.

Tên lửa Soyuz 2.1b mang tàu thăm dò Luna-25 được phóng vào vũ trụ ngày 11/8

Tên lửa Soyuz 2.1b mang tàu thăm dò Luna-25 được phóng vào vũ trụ ngày 11/8

Không có cuộc cách mạng nào mà chỉ có sự kiên trì

Ấn Độ chính thức bắt đầu khám phá không gian vào năm 1962, dưới thời của nhà lãnh đạo Jawaharlal Nehru nổi tiếng.

Sự tồn tại của Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Ấn Độ (INCOSPAR) vào những năm 1960 được biết đến thưa thớt đến mức các bộ phận của một trong những tên lửa đầu tiên được vận chuyển trên yên một chiếc xe đạp. Bây giờ nghe điều đó thật là khó tin, nhưng đó là sự thực.

Sau khi hầu hết các tên lửa thử nghiệm ban đầu bị rơi xuống đại dương, nhiều nhà phát triển vỡ mộng đã rời bỏ ngành hàng không vũ trụ Ấn Độ. Nhiều, nhưng không phải tất cả và vẫn có những người vẫn tiếp tục kiên trì.

Sau khi phóng vệ tinh được trang bị phương tiện phóng (tên lửa đẩy) riêng, vào năm 1980, Ấn Độ thực sự đã giành được vị thế cường quốc vũ trụ thứ tám.

Năm 1984, nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Ấn Độ Rakesh Sharma bay trên quỹ đạo Trái đất tầm thấp với tư cách là thành viên của phi hành đoàn Liên Xô.

Không có gì bí mật rằng Moscow đã cung cấp phần lớn hỗ trợ cho Delhi trong lĩnh vực vũ trụ (tương tự như sự hỗ trợ của Liên Xô dành cho Trung Quốc).

Nhưng ngay cả khi đó, tại quê hương của nhà thơ nổi tiếng Rabindranath Tagore, vẫn có những tiếng nói bất mãn: Trên thực tế, một quốc gia nghèo, không thể thỏa mãn nhu cầu sống còn của mình, có nên dốc tiền của vào một không gian trừu tượng?

Thực tế đã trả lời, có những thành công vĩ đại mà không cần quá nhiều tiền bạc! Nhiều năm đã trôi qua. Ngày nay, gã khổng lồ Nam Á này đã trở thành một chủ thể tự cung tự cấp, có một nền khoa học công nghệ phát triển cao và được tôn trọng trong quan hệ quốc tế.

Đây chính là ý nghĩa của sự kiên trì, làm gương về sự phát triển văn minh độc đáo cho các dân tộc có cơ cấu kinh tế tương tự như người Mã Lai, người Philippines, người Venezuela, người châu Phi.

Theo chuyên gia, chỉ sau một đêm, Ấn Độ đã vượt qua “ông chủ cũ” là Anh (Ấn Độ trước đây là thuộc địa của Anh, được trao trả độc lập vào tháng 8 năm 1947), trở thành nền kinh tế thứ năm thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Tàu đổ bộ Vikram của Chandrayaan-3 được thiết kế để có thể hạ cánh thành công xuống Mặt trăng ngay cả trong trường hợp động cơ bị hỏng

Tàu đổ bộ Vikram của Chandrayaan-3 được thiết kế để có thể hạ cánh thành công xuống Mặt trăng ngay cả trong trường hợp động cơ bị hỏng

Chiến thắng đến từ cơ cấu hợp lý và tổ chức hoạt động tốt

Bây giờ ít người còn nhớ rằng, vụ thử hạt nhân đầu tiên của Ấn Độ vào năm 1974 đã kéo theo nhiều năm trừng phạt của Hoa Kỳ. Điều này là một trở ngại nghiêm trọng cho sự phát triển của khu vực kinh tế, vốn được bù đắp một phần nhờ sự hỗ trợ từ Liên Xô.

Những năm này đã tạo dựng và củng cố niềm tin ở người Ấn Độ vào khả năng của chính họ bất chấp tình trạng thiếu hụt tài nguyên thường xuyên, điều này đóng vai trò như một loại động lực thúc đẩy tư duy chiến lược của chính phủ.

Ấn Độ hiện có mảng đầu tư kinh doanh ấn tượng vào lĩnh vực thám hiểm không gian, với ngân sách hàng năm ước tính chỉ vào khoảng 1,5 tỷ USD (để so sánh, chi phí của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ - NASA lên tới gần 25 tỷ USD).

Sự thành công của ngành công nghiệp vũ trụ hiện đại ở Ấn Độ chủ yếu là do không bị hạn chế bởi nạn quan liêu và duy trì cơ cấu số lượng nhân viên tối ưu, với chính sách đãi ngộ rõ ràng, thành công của mỗi người đều có thể nhìn thấy được và đóng góp của mỗi cá nhân dễ dàng được xác định.

Chuyên gia Nga Yaroslav Dymchuk chỉ ra rằng, với cơ cấu tổ chức ưu việt như vậy, Roscosmos (Cơ quan Vũ trụ Liên bang Nga) có rất nhiều điều để học hỏi từ các đồng nghiệp của mình tại Ủy ban Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Ấn Độ.

Một chi tiết quan trọng khác là chương trình không gian đang được thực hiện ở phía nam đất nước là thành phố Bangalore. Sự phát triển của Ấn Độ theo truyền thống đi từ nam lên bắc, vì vậy các bang miền nam tiên tiến hơn, tiềm năng trí tuệ và công nghiệp chiếm phần lớn ở đó.

Mặc dù nạn mù chữ vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn ở Ấn Độ nhưng các tổ chức công nghệ và khoa học kỹ thuật có uy tín vẫn hoạt động rất tốt dưới sự bảo trợ của nhà nước, các viện công nghệ và trường kỹ thuật, nơi sinh viên tốt nghiệp gần như thống trị Thung lũng Silicon của Ấn Độ (chỉ thành phố Bangalore).

Và một trong những người con của Ấn Độ là Rishi Sunak, đã trở thành Thủ tướng Vương quốc Anh. Kết quả là, cân bằng ngoại giao giữa Mỹ, Liên bang Nga và Trung Quốc, Ấn Độ âm thầm giành được những thắng lợi nhỏ, sau đó bước tiếp trên con đường đạt được những thành tựu to lớn.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/chuyen-gia-nga-than-phuc-nhin-an-do-len-mat-trang-bang-xe-dap-post653036.html