Chuyên gia nêu những yếu tố cốt lõi giúp tăng cường bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy

Vụ cháy thương tâm xảy ra tại công trình chung cư mini ở phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại khu dân cư.

Theo các chuyên gia, người dân sống tại các tòa nhà cao tầng, khu dân cư cần chủ động nâng cao nhận thức, trang bị các kiến thức, kỹ năng phòng cháy chữa cháy để bình tĩnh ứng phó với sự cố cháy nổ; hạn chế tối đa thiệt hại về tài sản và thương vong.

Vi phạm nghiêm trọng các quy định về phòng cháy, chữa cháy

Đêm 12.9, chung cư mini tại ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã xảy ra vụ cháy cực kỳ nghiêm trọng khiến 56 người tử vong, 37 người bị thương (trong đó, đã xác định được danh tính của 39/56 người tử vong). Vụ cháy để lại hậu quả nghiêm trọng một phần vì chung cư nằm trong ngõ phố nhỏ, phương tiện chữa cháy chuyên dụng hầu như không thể tiếp cận, thiếu trang thiết bị thoát hiểm an toàn,…

Vụ cháy tại chung cư mini phố Khương Hạ đã khiến 56 người tử vong và 37 người bị thương. Ảnh: INT

Trao đổi với phóng viên báo Đại biểu Nhân dân, Đại tá, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy PGS.TS Ngô Văn Xiêm cho biết, chủ đầu tư công trình chung cư mini phố Khương Hạ đã vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Theo giấy phép xây dựng mà cơ quan chức năng cấp cho chủ chung cư mini ở ngõ 29, phố Khương Hạ chỉ có 6 tầng nhưng trên thực tế, công trình hiện đang có 9 tầng 1 tum, nghĩa là đã vượt số tầng so với giấy phép xây dựng. Việc để xe máy quá nhiều ở tầng 1 cũng sẽ dẫn đến các sự cố rò rỉ, chập điện,… gây ra cháy nổ.

Giấy phép xây dựng mà cơ quan chức năng cấp cho chủ chung cư mini ở ngõ 29, phố Khương Hạ chỉ có 6 tầng nhưng trên thực tế công trình có đến 9 tầng 1 tum. Ảnh: INT

Đặc biệt hơn, toàn bộ công trình chung cư mini phố Khương Hạ chỉ có đúng 1 thang bộ và 1 thang máy bố trí giữa nhà mà không có lối thoát hiểm nào. Điều này vi phạm nghiêm trọng quy định về yêu cầu thiết kế đối với lối thoát nạn của nhà cao tầng (căn cứ theo Mục 8 Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6160:1996) “Trong nhà cao tầng phải có ít nhất 2 lối thoát nạn để bảo đảm cho người thoát nạn an toàn khi có cháy, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chữa cháy hoạt động”.

Theo thông tin từ chuyên gia, công trình chung cư mini phố Khương Hạ đã nhiều lần được cán bộ PCCC đến kiểm tra, hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để phòng tránh cháy nổ; nhưng do thái độ thực hiện ở cơ sở chưa nghiêm túc đã dẫn đến hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Không chỉ riêng công trình tại phố Khương Hạ, mà dễ dàng nhận thấy các chung cư mini trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại nhiều lỗ hổng trong kiến trúc mà có thể dẫn tới hiểm họa. Các chung cư này thường được xây trong các ngõ ngách, hẻm sâu, khu dân cư đông đúc nên gây khó khăn cho xe cứu hỏa khi tiếp cận hiện trường, thời gian xử lý kéo dài gây bất lợi cho công tác chữa cháy. Nhiều nhà mini không có cả hệ thống PCCC, nếu có thì chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức nên khi xảy ra sự cố, người dân không được báo hiệu kịp thời dẫn đến khả năng đề phòng, xử lý còn yếu kém.

“Lối thoát hiểm tại tòa nhà chung cư là cực kỳ quan trọng. Theo quy định, lối thoát hiểm trong công trình cao tầng luôn luôn không được ít hơn hai và phải được bố trí phân tán trong cùng một mặt bằng. Nhưng theo quan sát của tôi, vẫn còn hàng loạt nhà mini nằm trong ngõ nhỏ được thiết kế các lồng sắt chống trộm quây kín, không lối thoát hiểm nên khi xảy ra hỏa hoạn, người dân không thể di chuyển để thoát ra ngoài. Đa phần những trường hợp thương vong trong vụ hỏa hoạn đều không có lối thoát nạn”, Đại tá Ngô Văn Xiêm nhấn mạnh.

Nâng cao hiểu biết của người dân về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy

Vấn đề phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư cao tầng, khu dân cư không mới, tuy nhiên chỉ nóng và được quan tâm nhiều sau khi xảy ra những vụ hỏa hoạn thương tâm. Mới đây, Lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) đã đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn người dân thoát nạn khi cháy nhà chung cư, cao tầng. Cụ thể, để đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn khi có cháy, người dân cần lưu ý một số vấn đề sau: Cần bình tĩnh suy xét, tìm lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn có kí hiệu Exit hoặc nghe thông báo qua loa. Khi chạy hãy thông báo cho các phòng lân cận biết có cháy.

Nếu phải băng qua lửa, khói, khí độc, hãy dùng mặt nạ phòng độc hoặc dùng chăn, áo, khăn ướt trùm lên đầu, lên mặt. Khi di chuyển cần cúi, khom người, men theo tường nhà. Khi mở cửa cần đặt tay lên cửa, kiểm tra nhiệt độ, và tránh người, mặt sang một bên để phòng lửa tạt (Nếu nhiệt độ nắm cửa quá cao thì không được mở và tìm lối khác)

Nếu không thể ra cửa hoặc lối thoát nạn an toàn, hãy ra ban công, cửa sổ, hô to, dùng đồ vật sáng màu ra hiệu và gọi điện thoại 114 hoặc báo cho người thân. Có thể tìm thang, dây, rèm nối lại để xuống thấp, không nhảy từ trên tầng quá cao nếu không có sự hướng dẫn từ nhân viên cứu hộ.

Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy - PGS.TS Ngô Văn Xiêm cho biết, quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức, hiểu biết của người dân về kỹ năng PCCC. Khi xảy ra hỏa hoạn, người dân cần phải biết cách thoát nạn an toàn; giữ bình tĩnh ngay trong cả tình huống nguy cấp và thực hiện đúng quy định hướng dẫn thoát nạn an toàn của cảnh sát PCCC và cán bộ quản lý cơ sở.

Người dân cũng cần trang bị sẵn cho mình các vật dụng phòng cháy, phòng khói độc phù hợp ngay trong gia đình để phòng sự cố cháy nổ như mặt nạ chống khói, thang dây thoát hiểm, mặt nạ dưỡng khí hay thiết bị bảo hộ PCCC theo thông tư mới nhất của Bộ Công an.

Người dân cần trang bị sẵn ngay trong gia đình các vật dụng thiết yếu để phòng sự cố cháy nổ (Ảnh minh họa/INT)

Ông Xiêm cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của các đơn vị PCCC, đặc biệt trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, huấn luyện cho nhân dân những kiến thức pháp luật cần thiết, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy. Các tổ liên gia an toàn PCCC từng địa phương, khu vực cần thường xuyên tổ chức thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ nhằm tăng cường khả năng thường trực, sẵn sàng ứng phó, xử lý với các tình huống cháy, nổ, tai nạn, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Trang Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/chuyen-gia-neu-nhung-yeu-to-cot-loi-giup-tang-cuong-bao-dam-an-toan-phong-chay-chua-chay-i343019/