Chuyên gia: Mỹ 'lấy cớ' chống Trung Quốc để mở rộng hạm đội

Các chuyên gia quân sự của Bắc Kinh cho rằng trong bối cảnh khó khăn tài chính hiện nay, Mỹ không nên dùng Trung Quốc làm cái cớ để mở rộng hạm đội.

Mỹ đang có kế hoạch mở rộng hạm đội của mình lên 500 tàu - Ảnh: USS Gerald R. Ford, tàu sân bay mới nhất trong biên chế Hải quân Mỹ. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Mỹ đang có kế hoạch mở rộng hạm đội của mình lên 500 tàu - Ảnh: USS Gerald R. Ford, tàu sân bay mới nhất trong biên chế Hải quân Mỹ. (Nguồn: Hải quân Mỹ)

Trước đó, trang tin của Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ (USNI) cho biết Mỹ có kế hoạch mở rộng hạm đội hải quân lên lên hơn 500 chiếc tàu vào năm 2045 vào thời điểm cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, vốn được mô tả trong báo cáo gần đây là “thách thức ở cả hiện tại lẫn lâu dài”.

Đô đốc Mike Gilday, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ nhận định: “Trung Quốc đang xây dựng lực lượng với một mục tiêu duy nhất: Định hình lại môi trường an ninh theo hướng có lợi cho mình bằng cách ngăn Mỹ tiếp cận quân sự tại khu vực Tây Thái Bình Dương và xa hơn… Đây là một thập kỷ then chốt. Trong bối cảnh các đối thủ toàn cầu đe dọa tới lợi ích của Mỹ, chúng ta cần đảm bảo được ưu thế ở trên biển".

Trong khi đó, các chuyên gia quân sự của Trung Quốc tin rằng các kế hoạch của Mỹ đang vấp phải những hạn chế tài chính nghiêm trọng. Thừa nhận rằng hải quân Trung Quốc vẫn thua kém về tải trọng và công nghệ của hạm đội, song họ cho rằng quy mô của hạm đội không nên bị lợi dụng làm cái cớ để biện minh cho việc mở rộng lực lượng Hải quân Mỹ.

Về phần mình, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các nỗ lực phát triển thế hệ tiếp theo của các máy bay chiến đấu đặt trên tàu cho các tàu sân bay mới, với những hình ảnh mới đây tiết lộ tiến triển của Bắc Kinh trong việc phát triển máy bay cảnh báo sớm và các chiến đấu cơ tàng hình.

Một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc tuần này cho thấy KJ-600 - máy bay cảnh báo sớm cánh cố định đầu tiên của Trung Quốc có khả năng hoạt động trên các tàu sân bay - trong một chuyến bay thử nghiệm trên bầu trời thành phố Tây An, Tây Bắc Trung Quốc, nơi đặt nhà máy chế tạo của Tập đoàn Công nghệ Máy bay Tây An. KJ-600 thực hiện chuyến bay đầu tiên hồi tháng 8/2020.

(theo SCMP)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-my-lay-co-chong-trung-quoc-de-mo-rong-ham-doi-192664.html