Chuyên gia Mỹ kêu gọi đừng hoảng sợ trước 'siêu vũ khí' của Nga

Hải quân Nga có trong biên chế một 'siêu vũ khí' được đánh giá cao, đó chính là ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval.

Mỹ cần phải coi trọng mối đe dọa từ "siêu vũ khí" độc nhất vô nhị đang phục vụ trong Hải quân Nga gây ra. Ý kiến này được cựu nhân viên Lầu Năm Góc - ông Chris Osborne chia sẻ trên ấn phẩm 19FortyFive.

Hạm đội Nga được trang bị một loại vũ khí độc đáo - ngư lôi siêu khoang VA-111 Shkval được đặc trưng bởi tốc độ cực cao, gấp 4 lần so với ngư lôi thông thường. Theo chuyên gia Chris Osborne, loại vũ khí này gây ra mối đe dọa rất lớn đối với Hải quân Mỹ.

“Ngư lôi siêu khoang có thể tấn công tàu nổi và tàu ngầm từ khoảng cách xa và ở tốc độ cao, đồng thời nó có thể cơ động để đạt độ chính xác cao hơn”, tác giả bài viết trên tờ báo Mỹ cho biết.

Chuyên gia của tờ 19FortyFive nhận định rằng VA-111 Shkval là một "siêu anh hùng" làm thay đổi mô hình tác chiến của toàn bộ ngành khoa học quân sự, nó vượt trội đáng kể so với tất cả các sản phẩm hiện có.

Ngư lôi này được đẩy bằng động cơ tên lửa, cho phép nó đạt tốc độ 370 km/h do hiện tượng siêu khoang. Nguyên tắc là tạo ra một bong bóng lớn bao trùm toàn bộ vật thể trong môi trường nước, từ đó triệt tiêu gần như toàn bộ lực cản chất lỏng.

“Tầm bắn của ngư lôi VA-111 Shkval cũng đáng quan tâm, vì con số này vào khoảng 7.000 mét”, cựu quan chức Lầu Năm Góc cho biết.

Các tàu chiến Mỹ sẽ vô cùng khó tránh được Shkval nếu không nhận thấy tàu ngầm Nga trước khi ngư lôi được phóng đi. Tuy vậy ông Osborne cũng kêu gọi không nên hoảng sợ, vì bởi bất chấp tất cả những ưu điểm, VA-111 còn sở hữu khá nhiều nhược điểm.

Yếu tố đầu tiên phải nói đến chính là tầm bắn của Shkval chưa đạt yêu cầu, vẫn buộc tàu ngầm phải áp sát đối phương mới có thể ra đòn. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm, do các chiến hạm hiện đại đều có hệ thống định vị thủy âm tối tân cùng vũ khí chống ngầm cực kỳ uy lực.

Thứ hai, chính công nghệ siêu khoang tạo vận tốc vượt trội lại khiến cho ngư lôi không thể thiết lập mối liên lạc hai chiều, khi tín hiệu radio bị cản lại ở bên ngoài, không thể xuyên qua bọt khí.

Ngư lôi phải phụ thuộc vào việc ước lượng tọa độ mục tiêu trước khi phóng, độ linh hoạt của nó cũng cực kỳ kém, do một cú chuyển hướng quá đột ngột sẽ phá vỡ bong bóng siêu khoang.

Thứ ba, tính bí mật của ngư lôi Shkval hoàn toàn không có, do nó tạo ra tiếng ồn cực lớn và hình thành đường bọt khí nổi trên mặt nước rất dễ quan sát.

Cuối cùng, đơn giá của ngư lôi Shkval được cho là cao hơn đáng kể so với những loại thế hệ cũ hơn, trong khi ưu điểm chưa đến mức vượt trội để đánh đổi.

Chuyên gia Chris Osborne nói tiếp: “Hoàn toàn hợp lý khi đặt câu hỏi liệu Hải quân Mỹ có ngư lôi siêu khoang hay không? Câu trả lời là chưa rõ ràng. Trong khi một số báo cáo cho rằng chúng tồn tại, dữ liệu khác lại cho thấy điều ngược lại”.

Thực tế cũng chứng minh ngư lôi siêu khoang chưa lập được chiến công nào trong thực tế, nó còn tỏ ra lạc hậu nhanh chóng trước tên lửa chống ngầm có thể tấn công mục tiêu từ xa với tốc độ lớn hơn nhiều.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gia-my-keu-goi-dung-hoang-so-truoc-sieu-vu-khi-cua-nga-post537004.antd