Chuyên gia lý giải việc nhiều học sinh ngứa da, rát mắt sau phun thuốc diệt muỗi

TS. Nguyễn Văn Dũng cho rằng, thuốc diệt muỗi là một loại hóa chất diệt côn trùng, ít nhiều cũng vẫn sẽ có ảnh hưởng đến con người khi không được sử dụng đúng cách. Đặc biệt là với trẻ nhỏ, khi sức đề kháng còn yếu, làn da còn nhạy cảm.

Gần đây, thông tin về việc 6 học sinh của Trường Tiểu học Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội có biểu hiện bị mẩn ngứa, đau rát mắt sau khi trường học chủ động tổ chức phun chế phẩm diệt muỗi phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Nhiều phụ huynh cho rằng, việc phun thuốc diệt muỗi tại trường học là cần thiết vì sẽ giúp phòng chống được bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, nếu thuốc diệt muỗi có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các em thì rất đáng lo, vì chưa phòng được bệnh này đã có thể bị mắc bệnh khác.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết, phun thuốc xịt muỗi là phun với một lượng hóa chất hợp lý theo hướng dẫn của Bộ Y tế và của nhà sản xuất, nên thường sẽ không lo ngại việc thuốc ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe con người.

Việc phun thuốc diệt muỗi tại trường học là cần thiết vì sẽ giúp phòng chống được bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa.

Việc phun thuốc diệt muỗi tại trường học là cần thiết vì sẽ giúp phòng chống được bệnh sốt xuất huyết. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, trong quá trình phun thuốc diệt muỗi, nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình sẽ không diệt được muỗi, thậm chí gây dị ứng thuốc phun muỗi ở người với biểu hiện như ngứa, rát da, đỏ mắt…

"Thuốc phun muỗi là một hóa chất diệt côn trùng, mà đã là hóa chất thì thường dễ có khả năng gây ảnh hưởng đến con người khi tiếp xúc. Tuy rằng nhà sản xuất khẳng định sản phẩm là an toàn với con người nhưng phải sử dụng theo nồng độ khuyến cáo. Do vậy, người dân tuyệt đối không được tự ý mua hóa chất diệt côn trùng về phun. Người phun thuốc phải được đào tạo và cấp chứng nhận chuyên môn về sử dụng hóa chất", TS. Nguyễn Văn Dũng nói.

Lý giải về việc hiện tượng học sinh có biểu hiện ngứa da mặt, nóng rát mắt kèm phát ban mề đay sau khi nhà trường phun thuốc diệt muỗi, TS. Nguyễn Văn Dũng cho rằng, trẻ nhỏ thường có sức đề kháng yếu, làn da nhạy cảm. Khi chạm vào các đồ vật trước đó đã được phun thuốc diệt muỗi như bàn, ghế, lúc này tồn dư của thuốc diệt muỗi vẫn còn, tiếp xúc với cơ thể các em đã gây dị ứng.

"Mùa muỗi nhiều nơi như nhà trường hay phun thuốc muỗi để phòng chống bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên trên thị trường có rất nhiều công ty phòng chống côn trùng. Các đơn vị cần lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện. Cần chú ý, thuốc diệt muỗi phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo, chỉ số an toàn cao với con người.

Khi phun thuốc diệt muỗi cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và khuyến cáo của Bộ Y tế. Người phun cần phải biết đối tượng phun là ai, nếu như là phun tại nơi có nhiều trẻ nhỏ thì chỉ phun lên tường, hốc tủ, góc nhà…, không phun lên đồ chơi, bàn ghế của trẻ. Nếu chẳng may phun vào thì trước khi cho bé sử dụng cần phải lau rửa kỹ càng. Nếu không khi trẻ nhỏ tiếp xúc với loại thuốc này sẽ rất dễ gây ra dị ứng", Trưởng khoa Côn trùng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương hướng dẫn.

TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Ảnh: NVCC.

TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương. Ảnh: NVCC.

Cũng theo TS. Nguyễn Văn Dũng, hiện nay có 2 cách phun thuốc diệt muỗi. Cách đầu tiên là phun tồn lưu, đây là cách kiểm soát côn trùng hiệu quả trong thời gian dài từ vài tuần đến vài tháng. Việc sử dụng thuốc để phun trực tiếp lên bề mặt tường, hốc tủ… khiến côn trùng khi tiếp xúc sẽ bị tiêu diệt. Khi sử dụng cách phun tồn lưu thì không cần phải đóng cửa.

Cách phun thứ hai là phun không gian, cách phun này không có hiệu quả lâu dài. Khi phun bắt buộc phải đóng kín cửa.

Thời gian phun thuốc tốt nhất nên vào sáng sớm. Với cơ quan hay trường học thì cần chọn thời điểm vào cuối tuần khi học sinh được nghỉ học.

"Với các gia đình nếu phun vào buổi chiều thì lượng hóa chất còn tồn dư lại trong không gian, đồ đạc, sẽ sớm tiếp xúc với con người hơn, vì buổi chiều mọi người thường có mặt ở nhà sau giờ tan sở. Phun vào buổi sáng thì sẽ có thời gian "chờ" để lượng hóa chất giảm bớt. Còn với cơ quan hay trường học, cuối tuần mọi người cũng sẽ không đi làm hay đi học nên thời gian "chờ" để tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng cũng lâu hơn", chuyên gia về côn trùng giải thích.

Chuyên gia cũng lưu ý, người dân không tự ý mua thuốc về pha và phun cho gia đình. Bởi phun thuốc muỗi cần đúng liều lượng, nếu không có thể dẫn tới tình trạng côn trùng kháng thuốc, hay phun không đúng cách cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi người trong gia đình.

Thông tin từ UBND huyện Đông Anh, Hà Nội, chiều ngày thứ 7 (30/3) và sáng chủ nhật ngày (31/3), Trường Tiểu học Hải Bối chủ động tổ chức phun chế phẩm diệt muỗi phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Loại thuốc có thương hiệu Icon 10CS loại 1000ml/chai; số lô: BSN2K2770, ngày sản xuất: 27/11/2022, hạn sử dụng: 27/11/2024, nhà sản xuất: Syngenta – Vương Quốc Bỉ để phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Nhân viên lao công nhà trường trực tiếp thực hiện phun dưới sự giám sát của hiệu trưởng, nhân viên bảo vệ; có lập biên bản giám sát.

Khi phun thuốc xong có đóng cửa các lớp học đến 17h00, ngày 31/3, nhân viên lao công tới mở cửa, quét dọn và lau bàn ghế, cửa...

Ngày 1/4/2024, học sinh đến trường thì có một số học sinh có biểu hiện ngứa da, đau rát mắt.

Từ 9h -10h sáng ngày 01/4, có 4 HS lớp 2B, 2E, 3A, 5D xuống phòng y tế của nhà trường với biểu hiện ngứa da mặt, nóng rát nhẹ vùng mắt.

Tiếp đó khoảng thời gian từ 10-12h, có 2 học sinh lớp 1D, 2K có biểu hiện ngứa da mặt, nóng rát mắt kèm phát ban mề đay. Nhân viên y tế nhà trường tiếp nhận học sinh trong tình trạng trẻ tỉnh táo, tiếp xúc tốt. Thực hiện khám sơ loại và xử trí ban đầu để giảm các triệu chứng dị ứng và báo cáo cấp có thẩm quyền để phối hợp đáp ứng y tế.

Đến ngày 2/4, 6 học sinh đã ổn định, ăn uống tốt đang được gia đình theo dõi sức khỏe tại nhà.

Sốt xuất huyết có tự khỏi được không? Dấu hiệu cho biết đã khỏi bệnh.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-ly-giai-viec-nhieu-hoc-sinh-ngua-da-rat-mat-sau-phun-thuoc-diet-muoi-169240403162549899.htm