Chuyên gia kỳ vọng Fed 'đóng băng' lãi suất trong cuộc họp sắp tới

Chuỗi dữ liệu kinh tế tích cực đã làm dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ sớm đạt được mục tiêu 'hạ cánh mềm' - giảm lạm phát và không đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về việc Fed sẽ định hình triển vọng chính sách trong năm tới. (Nguồn: CNBC)

Vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về việc Fed sẽ định hình triển vọng chính sách trong năm tới. (Nguồn: CNBC)

Các thị trường đang mở rộng kỳ vọng về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất, hiện đang ở ngưỡng cao nhất của 22 năm, trong cuộc họp chính sách ngày 13/12 tới. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là lần thứ ba liên tiếp Fed “đóng băng” lãi suất. Hầu hết các nhà đầu tư đều tin rằng đây là kịch bản gần như là chắc chắn. Vấn đề nóng nhất hiện nay, mà hầu hết các thị trường và các nhà phân tích tranh luận, là khi nào cơ quan quản lý chính sách tiền tệ Mỹ sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất, kéo dài trong bao lâu và tốc độ như thế nào.

Nhà kinh tế trưởng của công ty kiểm toán Earn&Young (EY) Gregory Daco nhận định gần như chắc chắn sẽ không có một đợt tăng lãi suất nào nữa. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều chưa biết về việc Fed sẽ định hình triển vọng chính sách trong năm tới như thế nào.

Trong những tuyên bố gần đây nhất, các quan chức Fed vẫn tiếp tục cảnh báo về khả năng lãi suất sẽ tiếp tục tăng, cho tới đạt được mục tiêu kép là đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% và giải quyết tình trạng thất nghiệp. Chủ tịch Fed Jerome Powel cho biết còn quá sớm để có thể đưa ra tuyên bố dừng tăng lãi suất, cũng như chưa đủ cơ sở để suy đoán rằng khi nào chính sách tiền tệ có thể được nới lỏng.

Theo báo cáo ngày 8/12 của Bộ Lao động Mỹ, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tháng 11/2023 tăng 199.000, cao hơn so mức tăng 150.000 của tháng trước. Tỷ lệ thất nghiệp thấp, khả năng tạo việc làm ổn định đã đem tới những tín hiệu tăng trưởng kinh tế tích cực và lạm phát giảm. Trong tháng 10/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ là 3,2%, giảm so với mức cao nhất 9,1% trong giai đoạn đại dịch.

Chuỗi dữ liệu kinh tế tích cực đã làm dấy lên hy vọng rằng Fed sẽ sớm đạt được mục tiêu “hạ cánh mềm” - giảm lạm phát và không đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Theo dữ liệu từ công cụ đo lường Fed Watch, trên các thị trường tương lai, các nhà giao dịch tin rằng hơn 98% khả năng Fed sẽ giữ nguyên quyết định lãi suất trong cuộc họp tuần này.

Nhưng việc xác định thời điểm cắt giảm lãi suất vẫn là một “dấu hỏi” gây tranh cãi. Trong một báo cáo phân tích thị trường mới đây, các nhà kinh tế tại ngân hàng Deutsche viết: “Cuộc thảo luận xung quanh việc bình thường hóa chính sách tiền tệ sẽ trở nên tích cực hơn vào năm tới, khi tiến triển về lạm phát giảm tiếp tục diễn ra”.

Theo Chủ tịch Fed, nền kinh tế Mỹ dường như đang tăng trưởng chậm lại trong quý cuối cùng của năm 2023, đồng thời lưu ý đến sự “hạ nhiệt” trên thị trường lao động. Ông nói thêm rằng Fed đang trên con đường đưa lạm phát xuống mức 2% mà không dẫn đến tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Cắt giảm lạm phát đồng thời tránh suy thoái kinh tế - thường được gọi là "hạ cánh mềm" - là một thách thức khó thực hiện, nhưng gần đây Fed đã cho rằng Fed có thể đang đi đúng hướng để thực hiện điều đó.

Ông Austan Goolsbee, một quan chức tại Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), cũng đồng quan điểm với ông Powell khi cho rằng Fed đang đặt mục tiêu đáp ứng nhiệm vụ kép là kiểm soát cả lạm phát và thất nghiệp. Tuy nhiên, ông Goolsbee cảnh báo rằng các nhà hoạch định chính sách không nên tự mãn và cần phải tỉnh táo.

(Nguồn: TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/chuyen-gia-ky-vong-fed-dong-bang-lai-suat-trong-cuoc-hop-sap-toi-253345.html