Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành gợi ý hướng giảm giá xăng dầu và hỗ trợ an sinh

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành gợi ý hướng giảm giá xăng dầu và hỗ trợ an sinh trong buổi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Công Thương.

Ba mặt được trong điều hành thị trường xăng dầu thời gian qua

Thưa chuyên gia, thời gian qua, giá xăng dầu thế giới đã tăng rất cao. Ông đánh giá gì về những nỗ lực của liên bộ Công Thương – Tài chính trong việc điều hành và giữ giá xăng dầu không tăng quá mạnh như mức tăng của giá thế giới?

Đây không phải lần đầu giá xăng dầu tăng cao nhưng đây là một lần hiếm, biên độ thay đổi mạnh và nhanh. Xăng dầu giữ vai trò thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân cũng như trong duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần bảo đảm khả năng canh tranh doanh nghiệp. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi giá xăng dầu biến động, các cơ quan quản lý nhà nước lại bận tâm với sự biến động đó sẽ làm thay đổi lạm phát thế nào, có thể làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh và giảm tăng trưởng bao nhiêu.

Trong bối cảnh hiện nay, áp lực lạm phát là rất cao, cả thế giới đều vậy và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Để hạn chế được tác động tiêu cực của việc leo thang giá cả cũng như giá xăng dầu, bao giờ cũng vậy phải có những can thiệp điều chỉnh dưới góc độ chính sách để kiềm chế giá xăng dầu cũng như lạm phát leo thang. Cũng cần chú ý là giá cả leo thang hiện nay không hoàn toàn gắn với yếu tố tiền tệ. Nói như vậy để thấy rằng bên cạnh điều hành chính sách tài khóa – tiền tệ hợp lý để hạn chế đà tăng giá, việc sử dụng chính sách, công cụ khác cũng là đòi hỏi cần thiết.

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành

Chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành

Có thể nói là vừa qua diễn biến giá xăng dầu quá nhanh đã có những cái ảnh hưởng đến tâm lý người dân và doanh nghiệp, đến thị trường. Trong bối cảnh đó, phản ứng của Chính phủ, của liên bộ Bộ Công Thương – Tài chính khá là kịp thời và quyết liệt. Cùng đó, Bộ Công Thương cũng đã có những giải trình rõ ràng, đặc biệt là tại các phiên họp của Quốc hội.

Trước hết, đó là cố gắng, nỗ lực để nguồn cung không bị gián đoạn trong bối cảnh dự trữ xăng dầu của Việt Nam khá là mỏng, chưa nói đến dự trữ chiến lược mà cả dự trữ để phân phối, đặc biệt là xét đến việc nguồn cung từ Nghi Sơn có lúc bị đứt gãy.

Thứ hai là đã có những tính toán để giảm đà tăng giá xăng dầu, rõ nhất là giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, và đi vào thực thi chính sách này khá nhanh.

Thứ ba là việc cung cấp thông tin trên báo chí, cung cấp thông tin cho thị trường cùng giải trình rõ ràng. Hơn nữa, còn tính đến những kịch bản khác cùng khả năng dùng các công cụ khác nếu giá xăng dầu tiếp tục leo thang.

Nhờ vậy tốc độ tăng giá xăng dầu của Việt Nam vừa qua thấp hơn tốc độ tăng giá của thế giới. Một kết quả đáng khích lệ nữa là việc tiếp cận xăng dầu trong nước cơ bản không còn khó khăn, bị gián đoạn.

Các giải pháp điều hành cần uyển chuyển, linh hoạt

Hiện nay có 2 công cụ để điều hành và tránh xăng dầu tăng quá cao là quỹ bình ổn giá và thuế, phí. Theo báo cáo của DN, quỹ bình ổn hiện đã âm. Trong khi mặt hàng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, có vai trò quan trọng với đời sống người dân, việc điều hành giá xăng dầu là trách nhiệm của rất nhiều Bộ ngành. Vậy chuyên gia đánh giá gì về dư địa thuế phí để kiểm soát giá xăng dầu? Nhất là mới đây xuất hiện câu chuyện giá xăng Malaysia đang ở mức 13.000 đồng/lít, nhờ được Chính phủ trợ giá, và cũng chỉ trợ giá cho người dân bản địa. Đối với thực tế tại Việt Nam, ông bình luận gì về việc trợ giá này?

Những nơi có giá xăng dầu rẻ so với bối cảnh chung như câu chuyện tại Malaysia mới đây 13.000đ/lít là được Nhà nước trợ cấp, trợ giá mạnh mẽ. Đó thường là trường hợp các nước sản xuất xăng dầu lớn, có nguồn cung dồi dào và xuất khẩu ròng xăng dầu lớn và/hoặc nguồn lực ngân sách lớn.

Thực tế hiện nay cơ cấu các loại thuế phí trong giá xăng dầu ở Việt Nam thấp hơn mức trung bình nhiều nước, ở mức khoảng 42-43% trong khi nhiều nước là 50-60%. Cần chú ý rằng trước đây một nước gần Việt Nam là Indonesia, nước sản xuất dầu lớn, cũng đã từng có duy trì giá xăng dầu rất thấp. Những cách đó khó bền vững, và Indonesia không lâu sau đó phải “thả” giá xăng dầu vì ngân sách không kham nổi (nhưng vẫn có chính sách trợ cấp giá xăng dầu cho người nghèo). Còn với trường hợp Malaysia, tôi cho rằng có lẽ cũng chỉ trong khoảng thời gian ngắn.

Trong bối cảnh hiện nay cần đặt ra ba vấn đề cho Việt Nam. Thứ nhất Việt Nam có cần sử dụng tiếp các công cụ khác ngoài thuế môi trường để hạ nhiệt giá xăng dầu hay không. Được biết Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cũng từng tính đến các kịch bản giảm một số loại thuế phí liên quan đến xăng dầu.

Hai là nếu cần thì ở giảm các loại thuế phí ở mức độ như thế nào. Ba là, mặc dù giá xăng dầu có phần hạ nhiệt nhưng vẫn có thể là cao với nhóm người yếu thế, vậy có cần có chính sách hỗ trợ họ hay không?

Trong tình hình thế giới bất định hiện nay, nguy cơ giá xăng dầu neo ở mức cao, tiếp tục tăng vẫn còn. Áp lực lạm phát của Việt Nam còn lớn. Qua trao đổi tiếp xúc với nhiều hiệp hội, doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp có chi phí xăng dầu cao cho thấy nổi lên một câu chuyện là chúng ta cần hạ nhiệt giá xăng dầu và tình toán việc cân đối ngân sách, tác động lạm phát để có mức giảm phù hợp.

Hiện tại nguồn thu ngân sách vừa qua khả quan song cũng không phải quá dư giả gì, trong khi còn phải tập trung nguồn lực 350.000 tỷ đồng cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế hai năm 2022 và 2023. Cho nên cần tránh “cực đoan”, theo đó chúng ta không thể làm như Malaysia hay cả như Indonesia trước đây được.

Việc tính toán mức giảm các loại thuế, phí có mấy vế cần chú ý. Một là trong giai đoạn có những cú sốc thì việc hỗ trợ là có thời hạn, không quá kéo dài dù có thể cần ít nhiều sự linh hoạt.

Hai là hỗ trợ cần phải hướng tới bảo đảm bền vững ngân sách trong bối cảnh vẫn cần dành nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Nguyên tắc ở đây là tính đến những kịch bản lạm phát để từ đó có mức giảm vừa đủ. Như ở Thái Lan vừa qua giảm một nửa thuế tiêu dùng đặc biệt nhưng cho 3 tháng.

Thêm nữa là vừa qua có nguồn thu do chênh lệnh giữa giá dự toán (trong đó có xăng dầu) và giá xăng dầu thực thế giới tăng, có thể dùng để hỗ trợ.

Cái cần nhất ở đây là vừa uyển chuyển, vừa linh hoạt, bám sát thị trường, vừa cần có thời hạn, trước mắt có thể hết năm nay.

Vấn đề là giải pháp đưa ra cần phải được nhanh chóng thực thi.

Thưa chuyên gia, nếu như giá xăng dầu tiếp tục tăng cao, và giá trong nước không thể nằm ngoài xu hướng tăng giá đó, chuyên gia có kiến nghị gì về các giải pháp an sinh xã hội, trước hết là cho nhóm người nghèo và người yếu thế?

Bên cạnh những giải pháp hạ nhiệt thị trường, tôi cho rằng vẫn cần đến những giải pháp hỗ trợ xã hội như trợ cấp. Bởi hiện nay, mặc dù kinh tế đã hồi phục những vẫn còn nhiều nhóm đối tượng khó khăn, dễ bị tổn thương. Việc trợ cấp là cần, tuy nhiên về mặt kỹ thuật cần tính toán. Câu chuyện ở đây là chúng ta đã từng thực hiện việc trợ cấp tương tự như vậy, đó là trợ cấp giá điện cho một số đối tượng hộ dùng điện và đặc biệt là trong giai đoạn dịch Covid-19. Công việc này chúng ta cũng đã có thực tiễn, đã có kinh nghiệm, và dư luận nhìn chung đánh giá cao giải pháp trợ cấp này do Bộ Công Thương đề xuất và đã được Chính phủ đồng ý.

Một câu chuyện nữa, nhìn tổng thể và dài hạn hơn là cần cải cách và tiếp tục “hoàn chỉnh” thị trường xăng dầu trong đó chú ý các vấn đề như tần suất thay đổi công bố giá, cách tính giá cơ sở, nâng cao tính cạnh tranh của thị trường, xây dựng dự trữ chiến lược cũng như dự trữ phân phối gắn với nhập khẩu và nguồn cung.

Cách thức điều hành cũng cần tạo ra cơ chế linh hoạt hơn cho Chính phủ ban hành và thực thi chính sách trong chừng mực khi có các cú sốc giá lớn, ví dụ như việc quyết giảm thuế phí… mức nào và trong một thời hạn cụ thể nào; cùng với đó là báo cáo giải trình cần thiết .

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thi-truong-xang-dau-cac-cong-cu-dieu-hanh-can-uyen-chuyen-linh-hoat-179887.html