Chuyên gia khuyến nghị cách ứng phó tin đồn khi đầu tư chứng khoán

Nhà đầu tư hoàn toàn có thể dựa trên việc đánh giá chất lượng doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để đưa ra quyết định có nên tiếp tục nắm giữ lâu dài hay không, thay vì chỉ nghe một thông tin chưa được xác thực mà có thể bán tháo ngay lập tức.

Trao đổi với PV Chuyên trang Thị trường Tài chính, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho biết.

Cẩn trọng với tin đồn thất thiệt

Thị trường chứng khoán là nơi giá cả biến động theo những thông tin và tâm lý của nhà đầu tư. Tâm lý của nhà đầu tư, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư cá nhân lại bị tác động bởi những thông tin trên thị trường. Với những tin đồn tiêu cực có thể làm suy giảm lòng tin nhà đầu tư trên thị trường. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư chưa cần kiểm chứng đã vội thực hiện các giao dịch bán tháo.

Gần đây nhất, ngày 2/4, Chủ tịch HĐQT Sacombank Dương Công Minh bị vướng tin đồn cấm xuất cảnh vì liên quan đến một vụ án kinh tế đang được xét xử trong thời gian gần đây. Ngay sau đó, trong phiên mở cửa cùng ngày, cổ phiếu STB bị bán tháo dữ dội, thanh khoản của cổ phiếu này trong phiên sáng qua cũng đạt mức kỷ lục, trên 100 triệu cổ phiếu.

Cổ phiếu doanh nghiệp bị tác động với tin đồn và tâm lý nhà đầu tư

Nhận định về hiện tượng này, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, trên thị trường chứng khoán có cả rủi ro lẫn cơ hội. Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, nếu đột nhiên xuất hiện tin đồn xấu, giá cổ phiếu giảm thì họ phải chịu thiệt hại do khoản đầu tư bị giảm giá trị. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, những nhà đầu tư khác mua được giá thấp, sau đó tin đồn không xảy ra thì sẽ là cơ hội của họ.

Cũng theo ông Đỗ Bảo Ngọc, trước đây, trên thị trường cũng nhiều lần xuất hiện những thông tin thiếu căn cứ và hầu hết trong đó là không chính xác. Do đó, khi nghe được những thông tin đồn thổi, điều đầu tiên các nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh, sau đó nhìn nhận khả năng xảy ra thực tế của tin đồn đến đâu.

“Nhà đầu tư hoàn toàn có thể dựa trên việc đánh giá chất lượng doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, để có thể đưa ra quyết định có nên tiếp tục nắm giữ lâu dài hay không, thay vì chỉ nghe một thông tin chưa được xác thực mà có thể bán tháo ngay lập tức. Thông thường điều đó sẽ không có lợi cho nhà đầu tư, bởi mỗi khi cố gắng bán tháo, nhà đầu tư sẽ chỉ bán được với giá rất thấp”, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam đưa ra lời khuyên.

Trong trường hợp đối diện với tin đồn của Sacombank hôm 2/4, chuyên gia này nhận định, đây là cổ phiếu của một ngân hàng, ngân hàng này cũng trải qua một quá trình tái cơ cấu tương đối thành công và là một ngân hàng có hiệu quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận hàng năm tăng trưởng cao (trên 40% trong khoảng 3 năm gần đây). Thậm chí, rất có thể thời gian tới ngân hàng này sẽ thực hiện trả cổ tức cho cổ đông sau rất nhiều năm tái cơ cấu. Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, đây đều là những thông tin tích cực.

Chế tài chưa đủ sức răn đe?

Chốt phiên giao dịch ngày 2/4, lượng giao dịch khớp lệnh trên sàn của ngân hàng Sacombank đạt hơn 105 triệu cổ phiếu, với giá trị tương ứng hơn 3.165 tỉ đồng. Trong khi đó, lượng giao dịch bình quân trong 5 phiên liền trước ở mức 25 triệu cổ phiếu. Như vậy, kỷ lục giao dịch mới của STB đã phá vỡ mức 99,98 triệu cổ phiếu khớp lệnh trong phiên giao dịch cách đây 3 năm.

Không những vậy, giá cổ phiếu của ngân hàng này cũng đã ghi nhận mức giảm mạnh. Có thời điểm, mã này lùi về ngưỡng 29.600 đồng, mất gần 5,7% và cách mức giá sàn chỉ vài trăm đồng. Chỉ đến khi doanh nghiệp và Bộ Công an lên tiếng bác bỏ thông tin thì tình hình mới có phần dịu lại.

Diễn biến giá cổ phiếu STB (Dữ liệu: Vietstockfinance)

Thực tế, pháp luật hiện nay đã có quy định về mức xử phạt đối với các hành vi phát ngôn thông tin không đúng sự thật trên không gian mạng, gây ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín cá nhân, doanh nghiệp cũng như tác động xấu đến thị trường chứng khoán.

Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam Đỗ Bảo Ngọc cho biết, trên thị trường trước đây cũng đã có những tình trạng tung tin đồn thất thiệt tương tự. Sau khi doanh nghiệp bị thiệt hại đã khiếu nại người tung những tin này. Khi đó, người đưa tin thất thiệt bị phạt hành chính và buộc phải công khai xin lỗi, cải chính.

Với các quy định trên, chuyên gia này nhận định là “quá nhẹ và không đủ tính răn đe”. “Những thông tin đồn thổi như thế này ảnh hưởng rất lớn đến diễn biến thị trường, các giao dịch mua bán, thậm chí là mất tiền của nhà đầu tư. Tôi cho rằng từ việc chứng minh được những thiệt hại của tổ chức bị dính tin đồn, họ hoàn toàn có thể kiện và chúng ta cần có một chế tài đủ mạnh, thậm chí hình sự hóa các hành vi này”, ông Đỗ Ngọc Bảo nhấn mạnh.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/chung-khoan/chuyen-gia-khuyen-nghi-cach-ung-pho-tin-don-khi-dau-tu-chung-khoan-121778.html