Chuyên gia khuyến cáo, tránh đột quỵ khi tham gia chạy bộ cần kiểm soát ngay điều này

Người chạy bộ nên sử dụng thiết bị đo nhịp tim, kiểm soát hơi thở, tốc độ chạy, tầm soát sức khỏe khi tham gia chạy đường dài.

Gần đây, nhiều trường hợp đột quỵ khi chơi thể thao liên tiếp xảy ra. Tại giải Hafm Marathon ngày 14/4 vừa qua tại Hà Nội, nam vận động viên sinh năm 1990 bất ngờ gục ngã ngay trên đường chạy, cách vạch đích khoảng 100m do ngừng tim. Mặc dù được điều trị tích cực nhưng nam thanh niên đã không qua khỏi.

Trước đó, vận động viên Kenya qua đời vào ngày 25/2 sau khi hoàn thành giải leo núi. Năm 2007, vận động viên chuyên nghiệp Ryan Shay đột tử ngay trên đường chạy cũng gây rúng động cộng đồng runner Mỹ thời điểm đó. Kết quả khám nghiệm tử thi công bố nguyên nhân cái chết của anh do rối loạn nhịp tim gây phì đại cơ tim với các dải xơ bất thường.

ThS.BS Nguyễn Tuấn Long, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, chạy bộ có lợi cho sức khỏe tổng thể, hệ tim mạch. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát nhịp tim khi chạy rất dễ dẫn đến đau tức ngực, loạn nhịp tim… thậm chí đột quỵ.

Các dấu hiệu bao gồm khó chịu ở ngực, hụt hơi, chóng mặt hay choáng váng, nhịp tim bất thường (cảm giác bị chậm lại hoặc đập nhanh hồi hộp), đổ mồ hôi bất thường.

Bác sĩ Long (ngoài cùng) và ê kíp đặt stent cho người bệnh đột quỵ tim do chơi thể thao

Bác sĩ Long dẫn thống kê của Thư viện Y khoa Mỹ trên 112.790 vận động viên trẻ (12-35 tuổi) tham gia các bộ môn thể thao cạnh tranh cho thấy nguy cơ đột tử cao hơn khoảng 2,5 lần so với người không phải vận động viên.

Tình trạng đột tử ở vận động viên xảy ra phổ biến nhất trong hoặc sau khi tập luyện, thi đấu ở cường độ cao. Nguyên nhân chính gây đột tử ở vận động viên là bệnh cơ tim phì đại, rối loạn nhịp tim, bệnh van tim, tim bẩm sinh, sử dụng chất kích thích như doping.

Nguyên nhân gây đột quỵ tim do vận động gắng sức có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như người có độ tuổi trước 35 tuổi có nguy cơ cao hơn (theo dữ liệu từ Cleveland Clinic); nam giới có nguy cơ hơn nữ giới. Các bộ môn thể thao đòi hỏi gắng sức cao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền… cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ tim.

Bác sĩ Long khuyến cáo, một số phương pháp giúp kiểm soát nhịp tim khi chạy bộ bao gồm sử dụng thiết bị đo nhịp tim, kiểm soát hơi thở, tốc độ chạy. Nhịp tim của người bình thường dao động trong mức 100-160 nhịp phút. Nhịp tim khi chạy bộ nên nằm trong khoảng 50-75% so với nhịp tim tối đa theo độ tuổi. Nhịp tim tối đa được tính lấy 220 trừ đi độ tuổi. Ví dụ bạn 27 tuổi, nhịp tim tối đa là 193 (220-27).

Theo bác sĩ Long, tập luyện thể dục gắng sức như chạy bộ cường độ cao… có thể dẫn tới đột quỵ ở cả người già và người trẻ. Đặc biệt là đối tượng mắc bệnh lý nền như cơ tim giãn nở, bệnh mạch vành… Đây là nhóm bệnh lý thường không bộc lộ triệu chứng rõ rệt. Chỉ khi người bệnh vận động gắng sức, đột ngột mới phát hiện bệnh. Vì vậy, tầm soát sức khỏe là phương pháp hiệu quả giúp phát hiện các nguy cơ, bệnh tiềm ẩn. Từ đó, bác sĩ tư vấn lựa chọn môn thể dục phù hợp với sức khỏe, tránh rủi ro.

Riêng vận động viên, tầm soát đột tử rất quan trọng để phát hiện sớm nguy cơ tiềm ẩn và có biện pháp phòng ngừa kịp thời. Các biện pháp tầm soát bao gồm:

Khám sức khỏe định kỳ: Vận động viên nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất một năm một lần, bao gồm khám lâm sàng, test gắng sức, điện tim, siêu âm tim…

Sàng lọc tiền sử bệnh tật: Bạn cần chia sẻ đầy đủ tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình cho bác sĩ.

Các xét nghiệm chuyên sâu: Nếu có yếu tố nguy cơ cao, vận động viên có thể được chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu hơn như chụp cộng hưởng từ tim, xét nghiệm di truyền…

Bác sĩ Long lưu ý nhiều trường hợp bệnh nhân dù đi khám sức khỏe nhưng vẫn không phát hiện do người bệnh chưa gắng sức, không dấu hiệu ra bên ngoài.

Người có yếu tố nguy cơ cao như bản thân, gia đình có bệnh tim, đái tháo đường, thận mạn tính, tăng lipid máu… hoặc vận động viên chuyên nghiệp cần tham gia tầm soát chuyên sâu.

PV

Nguồn Tiêu Dùng: https://tieudung.giadinhonline.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-tranh-dot-quy-khi-tham-gia-chay-bo-can-kiem-soat-ngay-dieu-nay-d8901.html