'Chuyên gia' công nghệ của Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma

Xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn công tác, Trung tá Trần Quang Thùy, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma, BĐBP Lạng Sơn đã mày mò tự học kỹ năng lập trình để xây dựng các phần mềm phục vụ công tác quản lý cửa khẩu. Sáng kiến mới nhất của anh là ứng dụng quét mã QR quản lý người ra vào khu vực cửa khẩu, được triển khai trong thực tế từ ngày 15/5/2023.

Với việc đưa vào sử dụng thẻ ra vào cửa khẩu có mã code QR, cán bộ Biên phòng chỉ mất khoảng 1 giây để làm thủ tục của một người dân ra vào khu vực cửa khẩu Chi Ma. Ảnh: Bích Nguyên

Với việc đưa vào sử dụng thẻ ra vào cửa khẩu có mã code QR, cán bộ Biên phòng chỉ mất khoảng 1 giây để làm thủ tục của một người dân ra vào khu vực cửa khẩu Chi Ma. Ảnh: Bích Nguyên

Trước đây, để quản lý người lao động ra vào khu vực cửa khẩu, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Chi Ma phải lập sổ đăng ký, nhập thông tin của người dân hàng ngày một cách thủ công. Công việc này mất khá nhiều thời gian mà lại khó thống kê, điều tra thông tin cá nhân. Từ ngày sử dụng thẻ có mã QR, những bất tiện trên đã được giải quyết triệt để.

Trên thẻ ra vào cửa khẩu do Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cấp cho người dân có dán ảnh và mã code QR. Cán bộ Biên phòng chỉ cần quét mã QR trên thẻ, các dữ liệu thông tin cá nhân như tên, tuổi, địa chỉ thường trú, số căn cước công dân, thời gian ra, vào khu vực cửa khẩu của khách tự động cập nhật vào hệ thống máy tính. Nhờ đó, thời gian kiểm soát một người chỉ mất 1 giây, lại rất chính xác, tạo thuận lợi cho người dân trong công tác kiểm soát, tra cứu của Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, “cha đẻ” của thẻ ra vào cửa khẩu có mã QR là Trung tá Trần Quang Thùy. Ứng dụng thực tế cho thấy phần mềm quản lý người và phương tiện ra vào cửa khẩu do Trung tá Trần Quang Thùy xây dựng rất thân thiện, dễ sử dụng và hoàn toàn tự động. Tốc độ truy cập thông tin trên thẻ rất nhanh, thời gian đọc thẻ chỉ mất từ 0,5-1 giây/người, nhờ đó, không gây ùn tắc tại cửa khẩu, tạo thuận lợi cho các hoạt động lưu thông biên giới. Chính vì tính ưu việt này mà chúng tôi gọi vui thành quả của anh Thùy là “sáng kiến 1 giây”.

Trung tá Nguyễn Đức Bính, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma cho biết: “Nếu như trước đây, mỗi người đi vào cửa khẩu mất từ 30 giây đến 2 phút để đăng ký thì bây giờ chỉ mất 1 giây. Ứng dụng quét thẻ có mã QR còn giúp kiểm soát được nhanh chóng, chính xác số lượng người ra vào khu vực cửa khẩu, phục vụ hiệu quả cho công tác thống kê, kiểm soát, tra cứu, thống kê, quản lý đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực cửa khẩu”.

Trung tá Trần Quang Thùy nhập dữ liệu phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu vào hệ thống phần mềm quản lý. Ảnh: Bích Nguyên

Trung tá Trần Quang Thùy nhập dữ liệu phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu vào hệ thống phần mềm quản lý. Ảnh: Bích Nguyên

Trung tá Trần Quang Thùy nhập ngũ, phục vụ trong BĐBP từ năm 1997, hiện tại là nhân viên nghiệp vụ kỹ thuật của Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma. Không học chuyên ngành công nghệ thông tin, cũng chưa qua lớp đào tạo nào về lập trình nhưng với niềm đam mê môn học này, anh thường tự học qua mạng Internet và sách tin học.

Năm 2017, anh Thùy được chỉ huy đơn vị lựa chọn là thành viên nhóm tác giả nghiên cứu, xây dựng phần mềm “Quản lý phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu”. Anh nhớ lại: “Khi triển khai nghiên cứu, xây dựng phần mềm, chúng tôi gặp phải không ít khó khăn bởi trình độ tin học của các thành viên còn hạn chế. Trong khi đó, thực tế ứng dụng phần mềm trong công tác kiểm soát phương tiện rất phức tạp, chưa có mẫu chuẩn để áp dụng. Có những lúc tôi phải làm đi làm lại nhiều lần mới viết được một lệnh”.

Sau thời gian vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, anh Thùy và các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã xây dựng xong phần mềm “Quản lý phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu” và báo cáo cấp trên đưa vào sử dụng, đáp ứng được các yêu cầu, như: Tích hợp, thống kê chính xác các thông số theo đúng mẫu biểu đăng ký quy định; lưu trữ được số liệu, thông tin; dễ sử dụng; có độ bảo mật cao; thuận lợi cho việc tra cứu, tổng hợp, báo cáo.

Theo đánh giá của Bộ Tư lệnh BĐBP, phần mềm “Quản lý phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu” đã phát huy được tính sáng tạo của tập thể, không sao chép hoặc trùng lặp với bất kỳ phần mềm nào khác. Tính ưu việt của phần mềm này là sự đơn giản, nhưng hiệu quả, tiện ích, đáp ứng được yêu cầu công tác quản lý nghiệp vụ chuyên ngành và hỗ trợ việc tra cứu, thống kê, báo cáo của các lực lượng và của địa phương.

Phần mềm đã được Cục Cửa khẩu BĐBP và UBND tỉnh Lạng Sơn kiểm tra, đánh giá là có giá trị thực tiễn và cho phép thực hiện thí điểm tại các cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma từ ngày 1/10/2017. Sau khi thí điểm, phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phần mềm này tiếp tục được phép triển khai thực hiện chính thức tại 4 cửa khẩu phụ còn lại trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Phần mềm đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ Tư lệnh cấp chứng nhận sáng kiến cấp Bộ Tư lệnh năm 2018, được Cục Khoa học Công nghệ Bộ Quốc phòng cấp chứng nhận là “Sáng kiến xếp loại II”.

Năm 2020, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, đòi hỏi phải quản lý, giám sát chặt chẽ các đối tượng ra vào cửa khẩu nhằm phát hiện, cách ly, truy vết kịp thời các trường hợp lây nhiễm... Để thuận lợi cho hoạt động phòng chống dịch, đảm bảo có đầy đủ thông tin kịp thời, chính xác nhằm bố trí, phân luồng, cách ly các nguy cơ lây nhiễm, Trung tá Trần Quang Thùy tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, tích hợp thêm các tiện ích, tính năng mới vào phần mềm “Quản lý phương tiện xuất nhập cảnh, hàng hóa xuất nhập khẩu”.

Các tính năng mới đã giúp phân lập được các phương tiện, lái xe đến từ địa phương nào, vùng nào có dịch; khi phát hiện có ca nhiễm sẽ tra cứu được trường hợp đó đang ở đâu; tự động thông báo thời hạn của Giấy xét nghiệm Covid-19, để thông báo cho các lái xe biết... Nhờ đó, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ được người, phương tiện ra vào cửa khẩu và đảm bảo được công tác phòng chống dịch có hiệu quả.

Phát huy khả năng của mình, Trung tá Trần Quang Thùy còn viết các phần mềm quản lý văn bản cấp đồn giúp công tác quản lý, phân công thực hiện nhiệm vụ cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ, hoạt động của đơn vị thuận lợi, hiệu quả, không sót việc. Chúng tôi được biết, với sự nỗ lực và cống hiến của mình, Trung tá Trần Quang Thùy đã nhận được nhiều danh hiệu khen thưởng khác nhau. Trong đó, từ năm 2017 đến 2022, anh có 5 năm được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2018 và 2022, anh được tặng Bằng khen của Bộ Tư lệnh BĐBP và năm 2020, anh được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quotchuyen-giaquot-cong-nghe-cua-don-bien-phong-cua-khau-chi-ma-post470156.html