Chuyên gia chỉ ra gốc rễ của sạt lở đất và lý giải vì sao không thể báo trước

Thời gian qua, nhiều vụ sạt lở đất liên tục xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng đến người và của. Vậy nguyên nhân do đâu và vì sao các chuyên gia lại nói sạt lở đất không thể báo trước?

Sạt lở đất là thuật ngữ rất quen thuộc mà hầu ai cũng từng nghe qua. Mỗi năm tại Việt Nam cũng như trên thế giới xảy ra rất nhiều vụ sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ bản chất của sạt lở đất là gì? Nguyên nhân gây ra tình trạng này? Vì sao không thể báo trước hiện tượng thiên tai này?

Sạt lở đất có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới và nó có thể lan rộng hơn bất kỳ sự kiện địa chất nào khác. (Ảnh: Internet)

Sạt lở đất là gì?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sạt lở đất có thể xảy ra ở bất cứ đâu trên thế giới và nó có thể lan rộng hơn bất kỳ sự kiện địa chất nào khác. Ước tính từ năm 1998 đến năm 2017, sạt lở đất ảnh hưởng đến khoảng 4,8 triệu người, và khiến hơn 18.000 người thiệt mạng.

Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ định nghĩa rằng sạt lở đất là sự di chuyển của các khối đất đá, bao gồm một tầng đất hoặc là những khối mảnh vụn của đất đá cùng lúc trượt xuống con dốc ở trên triền núi hoặc triền đồi cao.

Sạt lở đất là sự di chuyển của các khối đất đá, bao gồm một tầng đất hoặc là những khối mảnh vụn của đất đá cùng lúc trượt xuống con dốc ở trên triền núi hoặc triền đồi cao. (Ảnh: Internet)

Hiện tượng sạt lở đất vào ban đêm kèm theo những tiếng nổ lớn là do nhiệt độ và độ ẩm vào chênh lệch giữa đêm và ngày, từ đó tạo ra áp lực nước lỗ rỗng ở trong đất. Và khi áp lực lỗ rỗng thay đổi sẽ tác động tới cường suất trong địa hình sườn dốc, sau đó gây ra hiện tượng trượt đất, sạt lở đất.

Sạt lở đất do đâu?

Theo các chuyên gia của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), sạt lở đất bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất, hầu hết các vụ sạt lở chịu tác động của ngoại lực, và chủ yếu là do trọng lực và những yếu tố khác. Đặc biệt, hiện tượng mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày làm phân rã liên kết của thảm thực vật, đất đá khiến chúng tách ra và rơi xuống. Những nguyên nhân khác là bởi biến động mạch nước ngầm, động đất, núi lửa phun trào hoặc do tuyết tan.

Hầu hết các vụ sạt lở chịu tác động của ngoại lực hoặc do gián tiếp chịu ảnh hưởng từ hoạt động của con người. (Ảnh: Internet)

Thứ hai, sạt lở cũng có thể gián tiếp chịu ảnh hưởng từ các hoạt động của con người, như thay đổi đất đai, phá hủy thảm thực vật trên sườn núi. Đối với nguyên nhân này, chỉ cần một hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra, ví dụ như mưa lớn, sẽ kích hoạt hiện tượng sạt lở, gây nguy hiểm cho người lưu hành trên đường, người dân địa phương, cũng như làm gián đoạn giao thông. Đặc biệt, mất rừng tự nhiên cũng dẫn tới sạt lở. Mặc dù, nhiều nơi đã trồng rừng tái sinh với tỷ lệ che phủ lên tới 70 - 80% nhưng do là rừng trồng nên hệ thống rễ cây không phát triển đủ để giữ được nước cũng như chống sạt lở.

Vì sao không thể báo trước hiện tượng sạt lở đất?

Theo trang VietnamPlus, từ cuối tháng 6/2023 đến nay, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất đá. Trong số đó, một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng như: Sự cố sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; sạt lở đất đá, đường giao thông và thiệt hại về người, nhà ở, hoa màu ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Đắk Nông, Yên Bái… Mở rộng ra cả nước thì những điểm có địa hình, địa mạo như khu vực xảy ra sạt lở đất ở trên là rất lớn. Vì thế chúng ta cần phải rà soát và có biện pháp phòng, chống để giảm thiểu các sự cố tương tự có thể xảy ra.

Chúng ta cần phải rà soát và có biện pháp phòng, chống để giảm thiểu các sự cố sạt lở đất. (Ảnh: Internet)

Cục Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) cho hay, sạt lở đất có thể phòng tránh thông qua việc lắp đặt các hệ thống máy quan trắc đa thiên tai, từ đó giám sát một số sườn dốc cụ thể. Tuy nhiên, tính khả thi của phương pháp này còn nhiều hạn chế bởi sạt lở đất có thể xảy ra ở khắp mọi nơi.

Các hệ thống quan trắc hiện nay dù đắt tiền nhưng chúng chỉ được đặt ở những khu vực có nguy cơ sạt lở rất cao và cao. Ngược lại, ở những khu vực có nguy cơ sạt lở thấp, rất thấp như nhiều sườn dốc ở các vùng nông thôn, miền núi hoang sơ… thì việc dự đoán vẫn gặp nhiều khó khăn. Tình trạng khó dự báo sạt lở đất không chỉ của riêng Việt Nam, mà ngay cả các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật... cũng gặp phải.

Người dân khi thấy các dấu hiệu của sạt lở đất như nứt đất, dịch chuyển đất sườn dốc, tiếng động lạ, đỉnh dốc có vết nứt, tích tụ nước, cây cối nghiêng ngả thì cần sơ tán kịp thời. (Ảnh: Internet)

Có thể thấy rằng hậu quả của sạt lở đất gây ra là rất nghiêm trọng. Các chuyên gia của USGS cũng khuyến cáo tới người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao cần cảnh giác. Khi thấy những dấu hiệu như nứt đất, dịch chuyển đất sườn dốc, tiếng động lạ, đỉnh dốc có vết nứt, tích tụ nước, cây cối nghiêng ngả thì người dân cần sơ tán kịp thời.

Nguyệt Phạm (Tổng hợp)

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/chuyen-gia-chi-ra-goc-re-cua-sat-lo-dat-va-ly-giai-vi-sao-khong-the-bao-truoc-20230808142156042.htm