Chuyên gia chỉ cần ngửi cũng biết giày fake

Mua phải hàng giả là nỗi ám ảnh với các 'đầu giày'. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhiều kinh nghiệm như các chuyên gia để nhận biết thật, giả.

Theo 9now, sneakers không đơn thuần là những đôi giày phục vụ việc đi lại, làm đẹp. Nếu "săn" được những đôi phiên bản giới hạn, bạn xem như chỉ cần bỏ ra chút ít tiền để sở hữu cả một gia tài.

Các chợ điện tử như StockX giúp người mua có thể tìm được những đôi giày yêu thích với độ đảm bảo rất cao. Điều này đến từ việc họ sở hữu đội ngũ thẩm định giàu kinh nghiệm. Chỉ cần ngửi mùi, chuyên gia của StockX cũng có thể biết đôi giày giả hay thật.

Nghề thẩm định

Một trong những yếu tố khiến StockX được yêu thích là độ xác thực của nó. Nền tảng này không đơn thuần tạo ra phiên chợ cho người mua và người bán giao dịch. Họ có những trung tâm xác thực trên khắp thế giới để đảm bảo sản phẩm tới tay khách là đồ thật.

Nic Athanasopoulos là một nhà thẩm định giày của StockX. Dù không chia sẻ mọi quá trình, ông nhận xét đó là "quy trình nghiêm ngặt". Một trong những công đoạn được Nic chia sẻ khá thú vị là việc ngửi giày.

 Nic ngửi giày để phân biệt thật, giả. Ảnh: 9now.

Nic ngửi giày để phân biệt thật, giả. Ảnh: 9now.

Ông nói các nhà thẩm định như mình thường ngửi qua đôi giày để phân biệt thật giả.

"Thông thường, những đôi giả sẽ nặng mùi keo, độc hại một chút. Đó là một bằng chứng để kết luận sản phẩm giả. Tuy nhiên, chúng tôi còn những công đoạn khác", Nic trả lời.

Không chỉ StockX, một số chợ điện tử khác như eBay cũng nhận ra tầm quan trọng của việc phân biệt giày giả, thật trước khi đến tay khách hàng. Với eBay, họ cũng có trung tâm xác thực sneakers của riêng mình trong bối cảnh sự quan tâm đến giày thể thao đang tăng chóng mặt.

Vik, chuyên gia của eBay, cho biết mỗi chuyên gia sẽ có vai trò khác nhau. Giống Nic, Vik xác nhận đôi khi họ cũng dựa vào mùi để đánh giá đôi giày. Mặt khác, eBay chia làm nhiều trạm kiểm tra để kiểm soát rủi ro hàng giả trà trộn.

"Có một số đôi bị loại luôn từ vòng kiểm tra hộp", anh chia sẻ.

 Sàng lọc đồ giả là một trong những yêu cầu hàng đầu hiện nay. Ảnh: Insider.

Sàng lọc đồ giả là một trong những yêu cầu hàng đầu hiện nay. Ảnh: Insider.

Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng có những đội ngũ thẩm định như eBay hay StockX. Một số cửa hàng chính hãng đôi khi cũng bán đồ giả dù họ thực sự không muốn vậy. Các nhân viên cửa hàng không hẳn là những người giàu kinh nghiệm về phân biệt đồ thật, giả. Họ đơn thuần được thuê để bán hàng và tư vấn.

Lợi dụng điều đó, nhiều người đã mua giày thật rồi đánh tráo bằng giày giả. Họ kiếm cớ để hoàn trả sản phẩm về cửa hàng. Praepitcha Smatsorabudh, sống ở Arlington (Mỹ), đã áp dụng thủ đoạn này và kiếm được khoảng một triệu USD nhờ việc tráo túi hiệu. Dù vậy, cuối cùng, Praepitcha đã bị bắt vào năm 2016.

Hiểm họa từ những đôi giày hiếm

Những đôi giày dù hiếm tới đâu cũng có giá mở bán tương đối mềm. Khởi điểm chỉ khoảng 200-300 USD, một đôi sneakers có thể tăng giá gấp 10 lần tùy vào độ hiếm và sự yêu thích từ người mua.

Việc đội giá các đôi giày hiếm khiến rủi ro mua nhầm hàng giả càng cao hơn. Theo 9now, 1/3 số người được hỏi trong độ tuổi 18-34 đã mua hoặc có dự định mua ít nhất một đôi sneakers bản giới hạn.

 Việc mua phải hàng giả là nỗi ám ảnh của các "đầu giày". Ảnh: Qz.

Việc mua phải hàng giả là nỗi ám ảnh của các "đầu giày". Ảnh: Qz.

Joshua Danier, "đầu giày" với bộ sưu tập khá đồ sộ, đã bị lừa mua một đôi Jordan One Chicago 2015s. Vào thời điểm ra mắt, đôi giày có giá bán lẻ 160 USD. Tuy nhiên, lúc này, bạn phải chi khoảng 2.000 USD để sở hữu nó.

"Tôi đã mạo hiểm một chút và mua từ người bán không uy tín ở Mỹ. Đó là lần đầu tiên tôi bị lừa mua giày giả", Joshua nói.

Theo Dmarge, thị trường giày thể thao giả trị giá tới 450 tỷ USD. Giày thể thao cũng là mặt hàng bị làm giả nhiều nhất thế giới. Những đôi giày giả ngày càng tinh vi và việc phân biệt cũng khó khăn hơn.

Mỗi đôi giày sẽ có những cách phân biệt khác và giống nhau. Điều này cần áp vào từng trường hợp cụ thể. Dù vậy, ít nhất, các "đầu giày" cũng có thể biết về một số mẫu giày bị làm giả nhiều nhất để cảnh giác khi giao dịch.

 Jordan là một trong những dòng bị làm giả nhiều nhất của Nike. Ảnh: Dmarge.

Jordan là một trong những dòng bị làm giả nhiều nhất của Nike. Ảnh: Dmarge.

Gần đây, một thống kê trên StockX đã chỉ ra một số mẫu sneakers bị làm giả nhiều nhất trong thời gian này. Điểm chung tất cả đều là Air Jordan 1, gồm Jordan 1 Retro High Dark Mocha, Jordan 1 High OG SP Fragment x Travis Scott và Jordan 1 Low Fragment x Travis Scott.

Đó không phải là một bất ngờ lớn. Trong giới chơi giày, những sản phẩm của Travis Scott và Nike luôn được yêu thích. Mặt khác, Fragment cũng là thương hiệu nổi tiếng. Bất cứ sản phẩm nào có sự góp mặt, cộng tác của họ đều cũng gây ra cảm giác thèm muốn, từ đồng hồ, ôtô tới sneakers. Do đó, chúng đều là những mục tiêu tiềm năng các kẻ làm giả nhắm đến.

Làm sao để phân biệt giày giả?

- Hiện nay, nhiều dịch vụ kiểm tra giày có trả phí đã xuất hiện. Do đó, bạn có thể dễ dàng biết đôi giày là giả hay thật. Tuy nhiên, chi phí kiểm tra không phải điều ai cũng sẵn sàng trả, nhất là khi sản phẩm có giá trị thấp, trung bình.

- Ngửi mùi cũng là một cách bởi các đôi giày giả thường có mùi hơi hóa học, khó chịu.

- Một số thương hiệu chưa bao giờ kết hợp với nhau, ví dụ Yeezy và Supreme. Nếu có một đôi giày nào xuất hiện cả hai cái tên này, chắc chắn đó là giày giả.

- Việc phân biệt thật, giả phụ thuộc nhiều vào yếu tố kinh nghiệm. Hiện nay, công nghệ làm giả cũng được cập nhật và hoàn thiện khiến việc phân biệt còn khó khăn hơn. Cây viết từ Dmarge khuyên bạn nên tham gia các hội nhóm sneakers để nhờ sự trợ giúp khi cần kiểm tra giày.

Dĩ An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/chuyen-gia-chi-can-ngui-cung-biet-giay-fake-post1345935.html