Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm 'cúm gia cầm' sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Tiêu hủy gia cầm tại một trang trại bùng phát dịch cúm gia cầm ở thành phố Kobayashi, tỉnh Miyazaki, Nhật Bản. Ảnh minh họa: KYODO/TTXVN

Ông Jeremy Farrar, nhà khoa học trưởng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, virus cúm gia cầm, còn được gọi là H5N1 có tỷ lệ tử vong “cực kỳ cao” trong số hàng trăm người đã nhiễm nó. Cho đến nay, chưa có trường hợp lây truyền H5N1 từ người sang người được ghi nhận.

“H5N1 là một loại bệnh nhiễm cúm, chủ yếu bắt đầu ở gia cầm và vịt, và đã lây lan mạnh mẽ trong suốt một hoặc hai năm qua, trở thành một đại dịch động vật, truyền nhiễm từ động vật sang người toàn cầu”, ông Jeremy Farrar nói thêm.

Bình luận về một đợt bùng phát virus H5N1 đang diễn ra ở bò sữa tại Mỹ, quan chức cấp cao của WHO kêu gọi các cơ quan y tế công cộng giám sát và điều tra chặt chẽ hơn nữa, “bởi vì loại virus này có thể phát triển thành lây truyền theo nhiều cách thức khác nhau”.

Sự phát triển này diễn ra khi WHO công bố các nội dung được cập nhật để mô tả các mầm bệnh trong không khí, nhằm tăng cường hợp tác quốc tế trong trường hợp xảy ra một đại dịch toàn cầu mới và được dự đoán trước.

Theo nhà khoa học trưởng của WHO, sáng kiến này ban đầu được khởi xướng do tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh COVID-19 và sự thừa nhận về việc thiếu các thuật ngữ được thống nhất chung giữa các bác sĩ và nhà khoa học để mô tả cách thức lây truyền của virus corona, điều này làm tăng thêm thách thức trong việc vượt qua nó.

WHO đã tiến hành tham vấn với 4 cơ quan y tế công cộng lớn từ châu Phi, Trung Quốc, châu Âu và Mỹ, trước khi công bố thỏa thuận về một số thuật ngữ mới đã được thống nhất. Chúng bao gồm các “hạt hô hấp truyền nhiễm” hoặc “IRP”, nên được sử dụng thay vì “khí dung” và “giọt nhỏ”, để tránh bất kỳ sự nhầm lẫn nào về kích thước của các hạt liên quan.

Ông Jeremy Farrar nói với các phóng viên ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), ngoài thuật ngữ mới, sáng kiến này củng cố cam kết của cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết “các dịch bệnh và đại dịch ngày càng phức tạp và xảy ra thường xuyên hơn”.

“Đây là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng… Chúng ta đang sử dụng cùng một thuật ngữ, cùng một ngôn ngữ và bây giờ chúng ta cần nghiên cứu khoa học để cung cấp bằng chứng về bệnh lao, về COVID và các mầm bệnh đường hô hấp khác, để biết cách kiểm soát những bệnh nhiễm trùng đó tốt hơn những gì chúng ta đã làm trong quá khứ”, ông Jeremy Farrar nhận định.

LÊ THẢO (Lược dịch từ UN News)

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/the-gioi/chuyen-gia-bay-to-lo-ngai-ve-benh-cum-gia-cam-lay-sang-nguoi-140029.html