Chuyện gì đang xảy ra ở quốc gia thấp nhất thế giới

Số phận của đảo quốc thiên đường Maldives đang ngày càng bấp bênh trước mực nước biển dâng cao, song đó cũng không phải là mối đe dọa môi trường cấp bách duy nhất.

Ở vị trí thấp nhất thế giới - với phần lớn lãnh thổ chỉ cao hơn mực nước biển vài chục cm - gần 1.200 hòn đảo ở Ấn Độ Dương nằm rải rác trên các đảo san hô ngập nắng của Maldives nổi tiếng không chỉ vì những bãi biển tươi đẹp cùng các bungalow thơ mộng, mà còn vì số phận ngày càng bấp bênh trước mực nước biển dâng cao.

Theo báo cáo từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) của Mỹ, 80% các hòn đảo của thiên đường du lịch này có thể không còn ở được vào năm 2050.

Maldives thu hút lượng khách du lịch khổng lồ, lên tới hơn 1,7 triệu người mỗi năm, trước đại dịch Covid-19. Ảnh: CNN.

Và đó cũng không phải là mối đe dọa môi trường cấp bách duy nhất. Vị trí xa xôi và cơ sở xử lý rác thải còn nhiều hạn chế của quốc đảo này - kết hợp với lượng khách du lịch khổng lồ (lên tới hơn 1,7 triệu người mỗi năm, trước đại dịch Covid-19) - đã dẫn đến vấn đề xử lý rác thải không đúng quy cách.

Vấn đề nghiêm trọng tới mức cơ quan du lịch Maldives phải khuyến khích du khách tự mang về những rác thải không thể phân hủy sinh học.

Tương tự, hệ sinh thái rạn san hô mỏng manh - một điểm thu hút đặc biệt đối với du khách đam mê lặn biển - đang bị tàn phá trên diện rộng: Một cuộc khảo sát khoa học vào năm 2016 cho thấy hiện tượng tẩy trắng san hô do biến đổi khí hậu đã làm hư hại hơn 60% rạn san hô của quốc đảo.

Quyết phát triển bền vững

“Điểm thu hút lớn đối với du lịch là môi trường đại dương trong lành. Rõ ràng cần phải bảo tồn môi trường này để tiếp tục thu hút du khách”, ông James Ellsmoor - Giám đốc điều hành (CEO) của Island Innovation - cho biết.

Island Innovation là một mạng lưới toàn cầu trợ giúp đảo nhỏ - bao gồm các đảo ở Maldives - đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.

Quả thực, ngành du lịch dựa vào thiên nhiên ở đây là một điều gì đó nghịch lý. Trong khi phần lớn trong số 540.000 công dân của quốc đảo dựa vào nguồn thu nhập liên quan để kiếm sống, ngành du lịch thường xuyên bị đổ lỗi là nguyên nhân làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng môi trường.

Các khu nghỉ dưỡng ở Maldives có nhu cầu năng lượng và tài nguyên cao, đồng thời thải ra lượng rác lớn - và có lẽ nghiêm trọng nhất là sự phụ thuộc vào các chuyến bay đường dài, nhiều khí thải, để đưa khách du lịch tới đảo.

Kết quả là đa số trong hơn 150 khu nghỉ dưỡng hạng sang của Maldives không chỉ chọn “chuyển sang sống xanh” để có được chiến lược PR hiệu quả - các chuyên gia cho rằng ở Maldives, phát triển bền vững nhất có thể là điều cần thiết cho sự sống sót về dài hạn.

Các khu nghỉ dưỡng ở Maldives đang đi đầu thế giới về phát triển bền vững. Ảnh: CNN.

Ngoài ra, một số sáng kiến về khu nghỉ dưỡng, chẳng hạn sáng kiến hướng tới cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, cũng tích cực cả về khía cạnh lợi nhuận.

“Chi phí nhập khẩu nhiên liệu cao để chạy những chiếc máy phát điện ồn ào và ô nhiễm đơn giản là rất vô lý khi so với chi phí trữ năng lượng Mặt Trời, gió và pin thấp hơn nhiều”, ông Ellsmoor nói.

Đối mặt với nhiều vấn đề về mặt kinh tế và sinh tồn, chính phủ Maldives cũng đang ban hành các chính sách thúc đẩy các biện pháp du lịch bền vững: Họ vạch ra tham vọng về trung hòa lượng carbon quốc gia vào năm 2030 và đã thực hiện lệnh cấm sử dụng nhựa dùng một lần từ 2023.

Ngày nay, một số khu nghỉ dưỡng ở Maldives đang dẫn đầu các hoạt động đổi mới bền vững nhằm giúp giảm thiểu tác động - đồng thời chứng minh rằng sự sang trọng có thể đi đôi với bền vững.

Cơ sở tái chế tại chỗ

Trong lịch sử, phần lớn rác thải của quốc đảo không được quản lý tốt, được đưa tới các hố đốt lộ thiên hoặc thải ra biển, gây ô nhiễm không khí, làm tổn hại hệ sinh thái biển. Thậm chí, rác thải bị trôi dạt vào bờ biển. Rất may, chính phủ đã thực hiện các bước để khắc phục những vấn đề này.

Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy khách du lịch là những người gây ra lượng rác thải nhiều nhất ở Maldives tính theo đầu người. Đối phó với vấn đề này, một số khu nghỉ dưỡng trên đảo đang áp dụng các giải pháp sáng tạo để quản lý chất thải.

Ví dụ, công ty Soneva Resorts - vốn tiên phong về vấn đề sinh thái - điều hành hai khu nghỉ dưỡng ở Maldives, có chương trình ủ phân hiệu quả và cũng vận hành Eco Centro - một cơ sở xử lý chất thải tại chỗ tái chế khoảng 90% nhựa, nhôm và chất thải thủy tinh.

Soneva Resorts đi tiên phong về vấn đề sinh thái ở Maldives. Ảnh: CNN.

Công ty này cũng ra mắt ý tưởng Makers’ Place tại Soneva Fushi năm 2022, tạo nên một điểm hẹn cho các nhà sản xuất và nghệ sĩ tái sử dụng “chất thải” thành các tác phẩm nghệ thuật và đồ thủ công có thể bán được, như gạch ốp tường và đồ thủy tinh.

Trong khi đó, Fairmont Maldives - đặt mục tiêu trở thành “khu nghỉ dưỡng không rác thải đầu tiên” trong nước - đã ra mắt Phòng thí nghiệm bền vững vào đầu năm 2023, tập trung vào việc tái tạo rác thải nhựa, thủy tinh và nhôm từ đại dương và khu nghỉ dưỡng, thành đồ lưu niệm và sản phẩm địa phương (như thẻ hành lý hình con rùa và văn phòng phẩm cho các trường học trong khu vực).

Cơ sở này dự định trở thành một trung tâm tái chế khu vực cho các cộng đồng xung quanh, với sứ mệnh xa hơn là giáo dục học sinh địa phương về tái chế và bảo tồn.

Sam Dixon, nhà quản lý bền vững nội bộ và nhà sinh học biển tại Fairmont Maldives, nói rằng sự hợp tác với trường học rất quan trọng vì họ “khuyến khích thế hệ tiếp theo quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ hệ sinh thái và sinh vật biển sinh sống ở đó”.

Tận dụng năng lượng Mặt Trời

Một nguồn tài nguyên rất dồi dào ở vùng nhiệt đới Maldives là ánh nắng Mặt Trời, mở đường cho việc sản xuất năng lượng Mặt Trời tái tạo mà nhiều khu nghỉ dưỡng đang tìm cách khai thác.

Năm 2018, đảo tư nhân Kudadoo Maldives đã trở thành khu nghỉ dưỡng đầu tiên trong nước sử dụng hoàn toàn năng lượng Mặt Trời, nhờ gần 1.000 tấm pin Mặt Trời bao phủ tầng thượng của “The Retreat” (trung tâm ăn uống, chăm sóc sức khỏe và bán lẻ).

Fairmont Maldives đã ra mắt Phòng thí nghiệm bền vững vào đầu năm 2023. Ảnh: CNN.

Các cơ sở kinh doanh khác tích hợp các dự án năng lượng Mặt Trời quan trọng bao gồm Dusit Thani Maldives, nơi các tấm pin Mặt Trời phủ kín mái của các tòa nhà nghỉ dưỡng chính; Ritz-Carlton Maldives trên Quần đảo Fari, hoạt động chủ yếu bằng năng lượng Mặt Trời (biệt thự dành cho khách được lắp các tấm pin); và LUX* South Ari Atoll có nhà máy điện Mặt Trời nổi lớn nhất thế giới trên biển (phần thưởng là các bệ năng lượng Mặt Trời thân thiện với môi trường cung cấp một loại rạn san hô nhân tạo cho sinh vật biển).

Và không chỉ các khu nghỉ dưỡng đang chuyển đổi sang sử dụng năng lượng Mặt Trời. Đầu năm nay, Sân bay Quốc tế Gan cũng đã công bố kế hoạch trở thành sân bay sử dụng hoàn toàn năng lượng Mặt Trời đầu tiên của Maldives.

"Zero Food Mile"

Với cơ sở hạ tầng nông nghiệp hạn chế, hầu hết thực phẩm ở Maldives đều phải nhập qua đường hàng không. Để giúp bù đắp một phần lượng khí thải carbon đó, giảm rác thải bao bì liên quan và đồng thời tiết kiệm chi phí, một số khu nghỉ dưỡng đã bắt tay vào phát triển các giải pháp "Zero Food Mile" (tạm dịch: dặm đường thức ăn bằng 0).

Patina Maldives tự giới thiệu là “nhà cung cấp ẩm thực có ý thức”. Ảnh: CNN.

Ví dụ, khu nghỉ dưỡng Amilla có một loạt sáng kiến ăn uống bền vững vượt ra ngoài các vườn rau và thảo mộc được tiêu chuẩn hóa hơn bao gồm trồng chuối, vườn thủy canh, túp lều nấm, cơ sở chế biến dừa và chuồng gà “Cluckingham Palace”.

Patina Maldives, thuộc quần đảo Fari, tự nhận là “nhà cung cấp ẩm thực có ý thức”, với khu vườn nuôi trồng thủy sản hữu cơ tại chỗ mở cửa cho khách tới mua; nhà bếp không rác thải; thực đơn ăn uống khuyến khích chế độ ăn thực vật; và một cơ sở đóng chai nước trong nhà.

Trong khi đó, những vị khách dùng bữa tại nhà hàng Zero ở Sun Island Resort & Spa được hứa hẹn sẽ có trải nghiệm ăn uống gần như không phung phí đồ ăn, tập trung vào các sản phẩm được hái từ vườn của khách sạn và hải sản tươi sống của ngư dân - tất cả đều được phục vụ tại một chiếc bàn được đặt giữa cây lá.

Chương trình du khách tham gia bảo tồn

Giữa lúc Maldives đang phải đối mặt với những nguy cơ môi trường nghiêm trọng như vậy, nhiều du khách cảm thấy buộc phải tham gia giúp đỡ.

Marteyne van Well, tổng giám đốc khu vực của Six Senses Laamu, cho biết du khách Maldives đang ngày càng tìm kiếm các thương hiệu nghỉ dưỡng bền vững cung cấp các sáng kiến bảo tồn và giáo dục.

“Du khách đang tìm kiếm nhiều trải nghiệm địa phương hơn vì họ muốn cảm thấy rằng họ đang đóng góp cho cộng đồng địa phương”, Bà Well nói, đồng thời lưu ý rằng ngày nay, những sáng kiến bền vững trong khu nghỉ dưỡng như vậy chỉ đơn giản là “điều bắt buộc để bắt đầu thu hút khách hàng tiềm năng”.

Du khách đến Six Senses Laamu có thể giao lưu với đội ngũ các nhà khoa học biển lớn nhất cả nước, một phần của Sáng kiến Dưới nước Maldives (MUI) do khu nghỉ dưỡng dẫn đầu, một nhóm đã bảo vệ thành công hàng trăm loài rùa biển và bọ ngựa cùng hơn 90.000 m2 cỏ biển.

Khách nghỉ tại Six Senses Laamu có thể đăng ký một loạt các hoạt động liên quan đến bảo tồn biển, bao gồm dọn dẹp rạn san hô thường xuyên, các bài giảng về bảo tồn hàng tuần, các chuyến đi lặn với ống thở có hướng dẫn của nhà sinh vật học biển và chương trình sinh học biển dành cho trẻ em.

Mọi người cùng tham gia tái chế tại Soneva. Ảnh: CNN.

Các chương trình bảo tồn khu nghỉ dưỡng ấn tượng khác bao gồm các chương trình do Coco Collection dẫn đầu, với hai cơ sở ở Maldives do Trung tâm Cứu hộ Rùa biển ORP của bác sĩ thú y và một nhóm các nhà sinh học biển thường trú phụ trách phục hồi đại dương. Du khách có thể tham gia các chuyến đi trồng cây san hô, dọn dẹp rạn san hô hoặc thậm chí giúp phục hồi những chú rùa được giải cứu.

Trong khi đó, Gili Lankanfushi ra mắt Trung tâm Sinh học Biển mới vào cuối năm 2023 với không gian nghiên cứu chuyên dụng và chương trình tái tạo san hô mở rộng, nơi du khách có thể tham gia thực hành làm sạch và phục hồi rạn san hô cũng như nghiên cứu bảo tồn cùng với các nhà sinh học biển.

Cuối cùng, ông van Well nói với sự gia tăng của người tiêu dùng có ý thức hơn, công việc của khu nghỉ dưỡng Maldives là mang lại cho du khách “những lời khuyên và một số bí quyết nhỏ của chúng tôi về cách có một cuộc sống bền vững hơn mà họ có thể mang về nhà - và điều này được khách hàng của chúng tôi đánh giá cao”.

Minh An

Nguồn Znews: https://znews.vn/chuyen-gi-dang-xay-ra-o-quoc-gia-thap-nhat-the-gioi-post1452608.html