Chuyện ghi từ tâm dịch

Trong đợt dịch thứ tư bùng phát, mỗi ngày số ca mắc COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương… lại tăng cao, liên tục phá vỡ các kỷ lục về ca mắc mới và ca tử vong so với trước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế, cán bộ y tế cả nước đồng lòng hướng về miền Nam ruột thịt trong đó có những người con quê hương Đất Tổ Vua Hùng. Chỉ trong thời gian ngắn phát động, hàng nghìn lá đơn tình nguyện, hàng trăm 'chiến sĩ áo trắng' từ khắp các bệnh viện, Trung tâm y tế trên toàn tỉnh đã xung phong lên đường vào tâm dịch. Hành trang họ mang theo bên mình là kiến thức, kinh nghiệm, lòng nhiệt huyết và tinh thần, ý chí quyết tâm sớm chiến thắng dịch bệnh.

Cán bộ Đoàn y tế tỉnh Phú Thọ trước giờ vào ca trực

(baophutho.vn) - Trong đợt dịch thứ tư bùng phát, mỗi ngày số ca mắc COVID-19 tại thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương… lại tăng cao, liên tục phá vỡ các kỷ lục về ca mắc mới và ca tử vong so với trước. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ Y tế, cán bộ y tế cả nước đồng lòng hướng về miền Nam ruột thịt trong đó có những người con quê hương Đất Tổ Vua Hùng. Chỉ trong thời gian ngắn phát động, hàng nghìn lá đơn tình nguyện, hàng trăm “chiến sĩ áo trắng” từ khắp các bệnh viện, Trung tâm y tế trên toàn tỉnh đã xung phong lên đường vào tâm dịch. Hành trang họ mang theo bên mình là kiến thức, kinh nghiệm, lòng nhiệt huyết và tinh thần, ý chí quyết tâm sớm chiến thắng dịch bệnh.

Kỳ I: 71 ngày tại “điểm nóng”

20 ngày ở Bệnh viện Hồi sức COVID-19

Ngay khi đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh, đoàn cán bộ y tế tỉnh Phú Thọ nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Hồi sức COVID – 19 (TP.Thủ Đức). Bệnh viện Hồi sức COVID-19 có quy mô 1.000 giường; đây là bệnh viện điều trị COVID-19 ở tầng cao, mức độ người bệnh nặng và nguy kịch. Tại đây, tiếp nhận người bệnh từ các tầng kế cận theo mô hình “tháp điều trị 3 tầng” chuyển lên. Bệnh viện được thành lập ngày 14/7/2021, cũng là ngày Đoàn cán bộ y tế của tỉnh lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19.

"Phải nhanh nhẹn, chuẩn xác mới cứu được người bệnh", đó là lời chia sẻ của TTƯT. BSCKII. Thiều Thị Thanh Thủy - Giám đốc Trung tâm Thận Lọc máu - Bệnh viện Đa khoa tỉnh - Phó Trưởng Đoàn công tác. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 được phân ra các khu do các Bệnh viện: Chợ Rẫy, Nhân dân 115, Nhân dân Gia Định phụ trách. Đoàn cán bộ tỉnh Phú Thọ được phân công làm việc tại tất cả các khu của Bệnh viện. Đây là tuyến cuối nên đòi hỏi tác phong cũng như chuyên môn vững vàng của đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng.

Theo bác sĩ Thủy, bài học đầu tiên của nhân viên y tế khi làm việc tại đây là mặc và cởi đồ bảo hộ. Tiếp theo là đòi hỏi các nhân viên y tế phải tiếp cận và sử dụng thành thạo các loại máy móc, trang thiết bị hiện đại để công tác điều trị đạt hiệu quả tối ưu... Tham gia khám chữa bệnh tại bệnh viện, một ca trực có từ 8-10 người làm nhiệm vụ điều trị, chăm sóc cho gần 30 người bệnh. Cán bộ y tế sau khi mặc bảo hộ cấp 4 bước vào phòng cách ly tiếp xúc trực tiếp với người bệnh F0 sẽ làm việc liên tục từ 6 đến 8 tiếng không ngơi nghỉ. Người bệnh điều trị tại bệnh viện đa phần đều ở tình trạng nặng nên có thể diễn biến xấu đi rất nhanh và khó lường. Vì vậy, dù sáng sớm hay đêm khuya, những người trong kíp trực không ai được phép rời mắt khỏi người bệnh, luôn theo dõi, giám sát, kiểm tra, thăm khám để nắm bắt diễn biến tình trạng của từng người bệnh, kịp thời đưa ra hướng xử lý và điều trị. Chính vì thế, mỗi khi có tín hiệu báo động, các bác sĩ, điều dưỡng đã xác định được ngay phương hướng và lập tức di chuyển nhanh nhất đến giường bệnh đó. "Ở đây chúng tôi luôn phải chạy đua với thời gian mới cứu sống được người bệnh. Mặc dù hơi nước làm mờ kính chắn bảo hộ rất khó nhìn và mồ hôi ướt sũng quần áo suốt ca trực… nhưng mọi người vẫn làm việc hết mình và không ai có một lời than phiền vì đã xung phong vào tâm dịch”, bác sỹ Thủy chia sẻ thêm.

Điều dưỡng Trần Mạnh Hà tại tâm dịch TP. Hồ Chí Minh

Điều dưỡng Trần Mạnh Hà - Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, người đã tham gia hỗ trợ tỉnh Quảng Nam chống dịch COVID-19 năm 2020, thành viên Đoàn công tác chia sẻ: Tại đây, các bác sĩ, điều dưỡng gần như làm việc với 200% công suất mỗi ngày bởi đa số người bệnh nhập viện ở tình trạng hôn mê, thở máy, không có người nhà phục vụ. Vì vậy, các kíp trực không chỉ cấp cứu, chăm sóc mà còn thường xuyên dành thời gian động viên bệnh nhân khỏi sang chấn tâm lý, khủng hoảng hoặc không hợp tác điều trị.

Trao đổi về ấn tượng đáng nhớ nhất khi làm việc tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, các bác sĩ, điều dưỡng trong Đoàn chia sẻ: Mặc dù tính chất công việc căng thẳng, vất vả nhưng chúng tôi đều chung cảm xúc hạnh phúc khi chứng kiến những người bệnh thuyên giảm tình trạng bệnh, cai được máy thở, chuyển về tầng điều trị nhẹ hơn và cũng cùng cảm giác đau lòng, bất lực trước những ca bệnh tử vong. Những lúc như thế, cán bộ y tế chỉ mong muốn làm tất cả những gì có thể cho người đã mất như lau chùi, đóng gói kỷ vật của người bệnh để trao lại cho bộ phận thu dung, sau này gửi cho người nhà người bệnh...

Cán bộ y tế của Đoàn công tác tỉnh Phú Thọ tận tình chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4

51 ngày tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4

Trận chiến đấu với dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. Theo sự phân công của cấp trên, ngày 6/8/2021, Đoàn cán bộ y tế của tỉnh chia tay Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đến nhận nhiệm vụ mới tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 tại Khu tái định cư xã Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh.

Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 có quy mô trên 3.000 giường bệnh với gần 200 cán bộ y tế, gồm nhân lực của Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện huyện Bình Tân và Đoàn cán bộ y tế tỉnh Phú Thọ. Bệnh viện Nhi đồng Thành phố được giao nhiệm vụ chủ quản. Bệnh viện chia làm 4 khu, mỗi khu có 5 tòa nhà 5 tầng với từ 150-200 người bệnh/tòa nhà. Nhân lực của Đoàn cán bộ y tế tỉnh Phú Thọ được phân đều ra các khu điều trị. Với kinh nghiệm đã làm tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19, Đoàn nhanh chóng bắt nhịp công việc, trở thành lực lượng nòng cốt của Bệnh viện.

Tại đây, mỗi tòa nhà có 2-3 bác sĩ và 5-7 điều dưỡng phụ trách; chia 3 ca trong ngày, mỗi ca 8 tiếng. Tình trạng của người bệnh tại các khu nhà được phân theo tầng; tầng 1, 2 của tòa nhà là người bệnh có mức độ nặng phải thở ôxy, các tầng trên theo mức độ nhẹ dần. Huyện Bình Chánh là một trong những tâm dịch của Thành phố Hồ Chí Minh nên Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, thường xuyên có từ 3.000 - 3.500 người bệnh.

Cử nhân xét nghiệm Lê Thị Thu Hương cùng đồng nghiệp hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn khỏi bệnh xuất viện

Ngay trong ngày đầu nhận nhiệm vụ tại đơn vị mới, Cử nhân xét nghiệm Lê Thị Thu Hương - Bệnh viện Phổi tỉnh nhớ mãi hình ảnh có những gia đình tất cả thành viên đều dương tính với SARS-CoV-2 cùng vào điều trị. Người bệnh ở đây đa phần có hoàn cảnh khó khăn nhưng nghị lực, luôn thực hiện đúng theo y lệnh, hướng dẫn của nhân viên y tế với mong muốn sớm khỏi bệnh để được xuất viện.

Sau 2 lần tình nguyện đăng ký để được tham gia Đoàn, điều dưỡng Nguyễn Thùy Linh (24 tuổi) là thành viên trẻ nhất Đoàn công tác. Linh chia sẻ: Công việc của tôi là phân công lịch làm việc cho điều dưỡng của tòa nhà. Có ngày đông người bệnh xuất - nhập viện và cấp cứu, tôi phải làm việc từ 7 giờ sáng hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, nhưng với tinh thần "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên" nên tôi luôn tâm niệm bản thân cần cố gắng hết sức mình.

Với Ths.Bs. Hoàng Thanh Huyền đến từ Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hùng Vương, những ngày tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh là trải nghiệm để chị nâng cao tay nghề trong chuyên ngành Hồi sức cấp cứu: “Được làm việc với các đồng nghiệp tại hai Bệnh viện, tôi càng thấy chuyến đi lần này của mình rất ý nghĩa. Trong thời gian tại tâm dịch các y bác sỹ của Đoàn Phú Thọ luôn nỗ lực hết mình, cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 giúp cho nhiều người bệnh xuất viện trở về an toàn, giảm thiểu tỷ lệ tử vong.”

Cùng quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19

Bảy mươi mốt ngày không ngắn, cũng chưa phải dài, 52 “chiến sĩ áo trắng” Đất Tổ - Họ cũng như bao nhân viên y tế trên khắp mọi miền Tổ quốc chấp nhận làm việc trong môi trường nguy cơ lây nhiễm cao, tính chất công việc căng thẳng, người bệnh đông, nhân lực y tế ít, xa gia đình... bởi họ cùng chung một mong muốn, một mục đích duy nhất: Chia sẻ công việc với đồng nghiệp miền Nam, chung tay chống dịch COVID-19, đem lại sự bình yên cho mọi nhà.

Vĩnh Hà – Hồng Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202110/chuyen-ghi-tu-tam-dich-179973