Chuyển động thực hiện nhiệm vụ trọng tâm, đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII: Bài 3 - Đề cao trách nhiệm người đứng đầu giải quyết các điểm nghẽn cản trở sự phát triển

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước: Thu ngân sách 10.000 tỷ đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường bền vững... BTV Tỉnh ủy đề cao trách nhiệm người đứng đầu, đổi mới chỉ đạo điều hành, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, mở cánh cửa cho Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy kiểm tra dự án đường liên kết vùng.

Nhận diện những điểm nghẽn cần tập trung chỉ đạo

BTV Tỉnh ủy đã phân tích rõ những yếu kém liên quan đến chất lượng, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức; những điểm nghẽn cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó nêu: Chất lượng cán bộ nhìn chung chưa ngang tầm với nhiệm vụ, còn tình trạng mất cân đối về chuyên ngành đào tạo trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ tỉnh đến huyện. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý hạn chế về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, chưa thực hiện tốt quy định nêu gương, chưa thực sự đề cao tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Việc đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu chưa lấy hiệu quả công việc, sản phẩm đầu ra làm thước đo, chưa gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có việc chưa nghiêm. Môi trường kinh doanh của tỉnh chưa hấp dẫn, chỉ số năng lực cạnh tranh nằm ở tốp cuối so với các tỉnh, thành phố. Việc giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án đầu tư cả trong và ngoài ngân sách chậm tiến độ. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, chế biến sâu rất ít. Hạ tầng công nghiệp được quy hoạch chưa được đầu tư đồng bộ, giá thuê hạ tầng không cạnh tranh so với các tỉnh, thành phố trong khu vực, rất khó để thu hút các dự án lớn, tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ.

Hòa Bình tiếp giáp Thủ đô Hà Nội nhưng hạ tầng KT-XH, nhất là giao thông còn khó khăn, ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh. Các doanh nghiệp của tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, hoạt động chủ yếu ở lĩnh vực xây lắp; nguồn thu từ nội lực nền kinh tế không cao. Đặc biệt, chưa hình thành mạnh mẽ mong muốn, khát khao phát triển trong đội ngũ cán bộ, từ đó tập trung khắc phục sự trì trệ, đổi mới bằng những việc làm cụ thể, hướng đến sự hài lòng của doanh nghiệp và người dân.

Giao nhiệm vụ cụ thể gắn với đôn đốc triển khai

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, BTV Tỉnh ủy thường xuyên rà soát, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao của cán bộ, công chức gắn với đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, nhất là việc tháo gỡ khó khăn cho các công trình trọng điểm, các nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội gắn với khung thời gian thực hiện; lấy sản phẩm cụ thể để đánh giá, xếp loại tập thể, cá nhân. Qua đó, các mặt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá có những chuyển động tích cực. Xác định các dự án trọng điểm có ý nghĩa rất quan trọng tạo bước đột phá, thúc đẩy phát triển KT-XH, BTV Tỉnh ủy đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo các dự án của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban, phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên, cơ quan, đơn vị, địa phương; tổ chức họp theo chuyên đề từng dự án, nhóm dự án; rà soát, giải quyết những vấn đề về GPMB, các thủ tục liên quan, đẩy nhanh tiến độ dự án.

BTV Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cho Bí thư các huyện ủy, thành ủy, người đứng đầu các sở, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của tỉnh năm 2023, chủ trương lấy sản phẩm cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB, hỗ trợ tái định cư, triển khai các thủ tục theo quy định là tiêu chí đánh giá cán bộ, nhất là người đứng đầu. Đến nay, một số nhiệm vụ quan trọng hoàn thành như: đã khởi công dự án cáp treo Hương Bình tại xã Phú Lão (Lạc Thủy) và xã Hương Sơn, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội; chỉnh trang 2 bên bờ sông Đà, đưa vào vận hành tuyến phố đi bộ trong Đề án Phát triển kinh tế đêm thành phố Hòa Bình; tiến độ GPMB đường liên kết vùng (đoạn Kim Bôi) đang được đẩy nhanh, phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2023; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ dự án Quần thể khu đô thị sinh thái, vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ tại xã Kim Bôi và xã Cuối Hạ (Kim Bôi), dự kiến khởi công dự vào quý I/2024…

Theo chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, các Đảng bộ trực thuộc đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc công tác xây dựng Đảng, tập trung thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và đạt những kết quả khả quan. Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị từng bước khắc phục tình trạng giao việc chung chung, thực hiện kiểm tra, đôn đốc, lấy việc thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết để đánh giá năng lực tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Là vùng động lực kinh tế của tỉnh, Đảng bộ huyện Lương Sơn đang tập trung huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng xây dựng huyện đạt tiêu chí cấp thị xã vào năm 2025. Công tác quy hoạch, quản lý đất đai; đầu tư kết cấu hạ tầng; thu hút đầu tư, GPMB từng bước được giải quyết. Huyện đang tập trung triển khai các dự án trọng điểm như: đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai (Hà Nội), đường từ quốc lộ 6 đi khu công nghiệp Nhuận Trạch...

Đối với thành phố Hòa Bình đang tập trung tháo gỡ khó khăn GPMB, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm; chỉnh trang đô thị thực hiện mục tiêu đạt tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025.

Đảng bộ huyện Tân Lạc đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, lựa chọn những nội dung trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên lãnh đạo các nhiệm vụ chính trị và đạt kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính của huyện từ tốp trung bình đã vươn lên đứng thứ 2/10 huyện, thành phố liên tiếp trong 2 năm gần đây; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm; các giá trị văn hóa được bảo tồn, phát huy. Huyện phấn đấu đạt mức phát triển kinh tế trung bình của tỉnh.

Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã có những chuyển động tích cực, những nút thắt, cản trở sự phát triển đang từng bước được tháo gỡ. Đã có 17 chỉ tiêu dự báo đến năm 2025 đạt và vượt. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ nền kinh tế, bước đầu chuyển biến về chất, giá trị thu nhập tăng; Hòa Bình đã có nông sản xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Anh, EU; 79 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 61,2% tổng số xã. Công tác đối ngoại được mở rộng, đi vào thực chất. Các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm, cải thiện.

Tỉnh đang chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá về quy hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quyết liệt chỉ đạo phấn đấu ở mức cao nhất các chỉ tiêu khó đạt về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người. Đồng thời, lãnh đạo thực hiện nghiêm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; kế hoạch luân chuyển, điều động và chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ; làm tốt công tác quản lý, phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đẩy mạnh công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện quyết liệt các giải pháp cải cách hành chính; chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, thiết thực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mở ra cánh cửa để Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/182911/chuyen-dong-thuc-hien-nhiem-vu-trong-tam,-dot-phathuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dang-bo-tinh-lan-thu-xvii-bai-3--de-cao-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-giai-quyet-cac-diem-nghen-can-tro-su-phat-trien.htm