Chuyển đổi xanh không chỉ là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc

Đó là nhấn mạnh của TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economyca Việt Nam trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Báo Nhà báo & Công luận xoay quanh câu chuyện phát triển xanh và bền vững.

+ Những xu thế về chuyển đổi xanh có ảnh hưởng trực tiếp tới doanh nghiệp (DN) Việt Nam hay không, theo ông?

- Tăng trưởng xanh, trung hòa carbon đã trở thành một xu thế trên toàn cầu với sự khởi động nhộn nhịp của nhiều sáng kiến nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh trong những năm gần đây. Từ năm 2019, Châu Âu đã tiến hành thảo luận về Thỏa thuận Xanh Châu Âu (European Green Deal) hướng đến mục tiêu giảm thiểu phát thải và hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn đảm bảo về mặt phát triển kinh tế.

TS. Lê Duy Bình.

Thỏa thuận được phê duyệt năm 2020 với tham vọng một môi trường không ô nhiễm, năng lượng sạch và an toàn với giá thành phù hợp, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái, hỗ trợ đa dạng sinh học, nâng cao nguồn vốn tự nhiên của EU. Thỏa thuận đặt mục tiêu lớn là đảm bảo sức khỏe và phúc lợi của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các thị trường sản phẩm và dịch vụ xanh.

Nhiều nền kinh tế khác là thị trường lớn cho xuất khẩu của Việt Nam cũng nhấn mạnh về lộ trình xanh hóa nền kinh tế bằng cách tham gia một cách chính thức hay không chính thức mục tiêu về trung hòa carbon hay phát thải ròng bằng 0 (net zero). Các mục tiêu đã được nhiều nền kinh tế trên thế giới chấp thuận và lồng ghép vào hệ thống pháp luật của mình.

Bên cạnh đó, các mục tiêu xanh hóa nền kinh tế toàn cầu cũng được thúc đẩy bằng các biện pháp nâng cao các tiêu chuẩn của thị trường, đòi hỏi mức độ cao hơn về mức đóng góp cho mục tiêu trung hòa carbon, hay dán nhãn năng lượng hay thương mại xanh, thương mại bền vững cho từng lô hàng hóa hay từng đơn vị sản phẩm.

Những xu thế này không chỉ đến từ cơ quan quản lý thông qua việc điều chỉnh các quy định pháp luật, mà đã trở thành xu thế của người tiêu dùng. Các xu thế tiêu dùng xanh, tiêu dùng bền vững đã trở nên phổ biến ở cả thị trường lớn của các hàng hóa xuất, nhập khẩu từ Việt Nam và ngay tại thị trường Việt Nam.

+ Đâu là những cơ hội mà DN có thể được đón nhận cũng như thách thức mà DN sẽ phải đối mặt và vượt qua để có thể có thể “xanh hóa”, theo ông?

- Những xu thế xanh chính là cơ hội cho những DN nhìn nhận chiến lược của mình và chuẩn bị tốt cho xu thế đó. Các DN chuẩn bị tốt cho xu thế này có cơ hội duy trì được thị trường hiện tại, vượt qua các đối thủ cạnh tranh khi các tiêu chuẩn, quy chuẩn trở nên khắt khe hơn.

Các mục tiêu về trung hòa carbon, tăng trưởng xanh sẽ tạo ra một thị trường mới, với nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng vô cùng lớn và là cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp. Ngay tại Việt Nam, sự xuất hiện của các hãng xe máy, xe ô tô điện, các hãng taxi điện, các dự án đầu tư với các nhà máy đạt chuẩn về trung hòa carbon là các ví dụ điển hình về các nỗ lực của các DN nắm bắt cơ hội chuyển đổi xanh này.

Rất nhiều DN đã bắt tay vào việc chuyển đổi phương thức sản xuất hướng tới các mô hình kinh doanh sạch và bền vững, hệ thống sản xuất thực phẩm lành mạnh và thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả và có trách nhiệm với các nguồn năng lượng, tài nguyên thiên nhiên. Tiềm năng và áp lực từ thị trường cũng là cơ hội để các DN thay đổi phương thức quản trị, đổi mới, sáng tạo về công nghệ, mô hình kinh doanh.

Xu thế về đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 hay chuyển đổi xanh cũng tạo ra cơ hội lớn về nguồn vốn dành cho tăng trưởng xanh. Các nước phát triển bằng nhiều cơ chế khác nhau như Cơ chế Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) cũng bắt đầu dành nguồn lực hỗ trợ các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi xanh. Các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế, các quỹ đầu tư cũng tái cấu trúc lại nguồn lực của mình để đầu tư cho các dự án chuyển đổi xanh của các DN thông qua các hình thức tín dụng, trái phiếu, hay đầu tư. Đây là những cơ hội mà DN Việt Nam cần theo dõi và không thể bỏ qua.

Nhưng quá trình chuyển đổi xanh này cũng đầy thách thức đối với các doanh nghiệp.

+ Vậy cần làm những gì, như thế nào để biến thách thức thành cơ hội, thưa ông?

- Thay đổi tư duy, nhận thức, nắm bắt xu thế của thị trường, của thời đại về chuyển đổi xanh là thách thức đầu tiên các DN cần vượt qua. Tiếp đó cần có chiến lược, hành động cụ thể phù hợp với DN để chuyển đổi xanh. Chuyển đổi xanh đòi hỏi DN phải đổi mới lại toàn bộ quy trình sản xuất kinh doanh. Xanh hóa không chỉ diễn ra tại một bộ phận của DNmà đòi hỏi thay đổi tư duy quản lý trên toàn bộ DN và toàn bộ chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.

DN cũng cần phải đổi mới công nghệ, thậm chí phải thay đổi về nguyên liệu đầu vào, phương thức sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi thói quen của công nhân, người lao động, các nhà cung cấp và người tiêu dùng. Những thay đổi thường này đòi hỏi nguồn lực tài chính đáng kể và thực sự là thách thức đối với các DN trong quá trình xanh hóa, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như trong những năm vừa qua.

+ Phải chăng chuyển đổi xanh hay xu hướng Net Zero sẽ chỉ dành cho các DN lớn có tiềm lực mạnh?

- Trung hòa carbon, chuyển đổi xanh là xu thế toàn cầu nên sẽ không loại trừ một DN nào, bất kể quy mô. Các DN siêu nhỏ, DN nhỏ hay thậm chí các hộ kinh doanh khi đã tham gia vào chuỗi cung ứng, trở thành nhà cung cấp cho các DN lớn hay thâm nhập thị trường xuất khẩu đều phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung ngày một cao hơn về trung hòa carbon, về tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguồn tài nguyên hợp lý.

Sức ép phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh từ người tiêu dùng, từ thị trường sẽ được truyền tải trực tiếp đến các DN nhập khẩu, và từ đó tiếp tục được chuyển ngược tới nhà sản xuất là các doanh nghiệp, rồi đến các nhà cung ứng là các DN khác trong chuỗi, thậm chí đến các hộ kinh doanh, các nhà sản xuất quy mô nhỏ, hộ nông dân trong chuỗi.

Nghị viện châu Âu đã chính thức thông qua đạo luật về cấm đưa vào lưu thông và xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến phá rừng và suy thoái rừng. Đạo luật này ngay lập tức đã tạo áp lực đối với rất nhiều hộ kinh doanh, DN nhỏ ở Việt Nam trong các lĩnh vực như ngành như chăn nuôi gia súc, ca cao, cà phê, cao su, đậu nành và gỗ.

Như vậy, chuyển đổi xanh không chỉ còn là sự lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để các DN nhỏ, cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia ở vị thế ngày một cao hơn trong chuỗi cung ứng. Mặc dù vốn và nguồn lực tài chính là một thách thức quan trọng, nhưng chuyển đổi xanh còn có thể được thực hiện hay bắt đầu bằng những công đoạn không đòi hỏi sự đầu tư quá lớn về vốn, ví dụ như phương thức canh tác, cách thức tổ chức lại sản xuất. DN nhỏ và vừa cần có cách đi riêng trong quá trình xanh hóa, phù hợp với quy mô sản xuất kinh doanh và tiềm lực tài chính của mình.

Ảnh: KTĐT

+ Vậy cần cơ chế ưu đãi nào cho DN chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh khi bước vào thị trường xanh quốc tế, thưa ông?

- Trong bối cảnh hiện tại và đặc biệt khi thâm nhập vào các thị trường xuất khẩu lớn, các công cụ ưu đãi về thuế không được coi là hiệu quả nhất, thậm chí không được khuyến khích bởi nhiều nền kinh tế nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam.

Vì vậy, các cơ chế ưu đãi cho DN nên được hướng tới nâng cao năng lực của DN. Các chương trình nâng cao nhận thức, tư vấn, hướng dẫn về chuyển đổi xanh sẽ giúp các DN có thể xác định chiến lược chuyển đổi xanh của mình và triển khai các hành động cụ thể nhằm tìm kiếm cơ hội mới đến từ xu thế trung hòa carbon, đồng thời vượt qua các thách thức để đảm bảo được các tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, tái cấu trúc, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh để chuẩn bị tốt hơn cho xu thế này.

Hệ thống quy định pháp luật cũng cần được xây dựng sao cho các nỗ lực chuyển đổi xanh của các DN được thực hiện thuận lợi, dễ dàng với chi phí thấp. Bằng các công cụ thị trường, nguồn vốn từ tín dụng, trái phiếu cũng được điều tiết để phân bổ nhiều hơn cho các dự án chuyển đổi xanh của DN.

Đồng thời, các dự án, chương trình đầu tư công cũng có thể được xây dựng để lồng ghép các tiêu chuẩn về chuyển đổi xanh, từ đó dần dần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của các DN theo hướng chú trọng hơn tới các phát triển xanh và bền vững. Các mục tiêu về phát thải ròng bằng 0, chuyển đổi xanh không chỉ là xu thế quốc tế mà còn là nhu cầu tự thân của nền kinh tế Việt Nam và DN Việt Nam. Nhu cầu tự thân để xây dựng một nền kinh tế xanh, sạch, bền vững, mang lại phúc lợi cao nhất cho người dân chính là động lực lớn nhất để DN thực hiện các chiến lược và hành động cụ thể để chuyển đổi xanh, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

+ Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Nguyễn Hà (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-doi-xanh-khong-chi-la-lua-chon-ma-la-yeu-cau-bat-buoc-post281913.html