Chuyển đổi số, với doanh nghiệp là 'năm ăn năm thua' nhưng bắt buộc phải làm

Chuyển đổi số (CĐS) là việc bắt buộc, là sự sống còn. 10% SME CĐS thành công và cho rằng CĐS mang lại giá trị trọng yếu cho doanh nghiệp (DN). Nhưng theo khảo sát, có tới 92% DN chưa có hiểu biết về CĐS, 72% DN chưa biết bắt đầu từ đâu.

Chuyển đổi số - cơ hội vàng thực hiện khát vọng nhưng bắt đầu từ đâu

TS.Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhấn mạnh: CMCN 4.0 và CĐS cơ hội vàng cho Việt Nam bắt kịp và đi cùng với thế giới, thay đổi cách sống, cách làm việc và tạo ra phương thức sản xuất mới, tạo ra đột phá phát triển thực hiện khát vọng Việt Nam.

Chuyển đổi số là cơ hội phát triển doanh nghiệp. Ảnh: Vnbusiness.

“Chúng ta có ý chí chính trị, có nhiều quyết sách, từ nghị quyết của Bộ chính trị đến Quyết định của Thủ tướng, có "Chương trình CĐS quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang làm nhiều chiến lược về CĐS, như Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, hạ tầng số, công nghệ công nghiệp số… Nhưng điều quan trọng là làm sao chuyển đổi không chỉ được dẫn dắt bởi chính sách, không chỉ được dẫn dắt bởi chính trị mà còn được dẫn dắt bởi DN và thị trường”, TS.Võ Trí Thành nói.

Nhưng câu chuyện CĐS của DN thành công không phải là nhiều. “Trên thế giới, CĐS và thành công cũng chỉ là 50-50, “5 ăn, 5 thua” nhưng CĐS là việc bắt buộc, là sự sống còn – tobe or not tobe”, TS.Võ Trí Thành phát biểu.

Nhìn ra thế giới, thấy rõ CĐS là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội chưa từng có cho các quốc gia, địa phương, DN vượt lên trong cuộc CMCN 4.0. CĐS cũng giúp Chính phủ - chính quyền địa phương hoạt động hiệu quả, hiệu lực và minh bạch hơn.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của Bộ Chính trị;

Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 phê duyệt Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Ông Thành hy vọng vào sự CĐS sẽ có những chuyển động tích cực, biến những slogan, những khẩu hiệu và chính sách thành chuyện cơm ăn áo mặc, là câu chuyện giá trị gia tăng, là câu chuyện lợi nhuận và câu chuyện sáng tạo và đổi mới của DN. Trong đó kỳ vọng rất lớn đang đặt vào DNNN.

Vai trò của DNNN rất lớn, và DNNN giữ nguồn lực lớn, nếu DNNN CĐS thành công thì đóng góp trực tiếp cho sự phát triển kinh tế xã hội không chỉ cho hiện nay mà còn cho tương lai. Bên cạnh đó là tính lan tỏa của DNNN. Đồng thời là điều mong chờ ở tính tiên phong của DNNN sẽ được phát huy trong CĐS.

Kỳ vọng của DN vào CĐS rất lớn. Ông Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Cục trưởng Cục CNTT- TT, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết theo khảo sát, có 98% kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhờ CĐS. Bởi CĐS giúp giảm chi phí (67% số DN cho biết), giảm tiếp xúc trực tiếp (52%), nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (42%)

10% DN nhỏ và vừa (SME) CĐS thành công và cho rằng CĐS mang lại giá trị trọng yếu cho DN. Nhưng theo khảo sát của FPT vẫn có 92% DN chưa có hiểu biết về CĐS, và 72% số DN nói: chưa biết bắt đầu từ đâu.

CĐS trong DN đang gặp phải 9 thách thức chính: “Thứ nhất là tiền đâu, chi phí CĐS không nhỏ”, ông Tuyên nói. Thứ hai là văn hóa tổ chức liên quan đến thói quen kinh doanh truyền thống, chuyển sang môi trường số là phải tái cấu trúc lại quy trình làm việc.

Thứ ba là thiếu cam kết của lãnh đạo, nhiều khi nói vậy nhưng lãnh đạo cao nhất. Thứ tư là lãnh đạo muốn nhưng người lao động không chuyển. Thứ năm là khó khăn về năng lực triển khai. muốn làm phải có người làm, trong khi thiếu nhân lực nội bộ. Thứ sáu là thiếu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc kết nối.

Thứ bảy là thiếu thông tin công nghệ số. Dữ liệu phân tán, rời rạc không biết nằm ở đâu. Thứ tám là khó khăn về giải pháp CĐS, thiếu lộ trình CĐS rõ ràng. Thứ chín vẫn còn những lo ngại sợ mất thông tin.

Những thách thức lớn cho việc chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động

Ngay với DNNN, mang tính chất đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế thì quá trình CĐS cũng đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có nhiều khó khăn ngay từ hành lang pháp lý.

Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong chuyển đổi số. Ảnh: ĐĐK.

Ông Lê Nguyễn Trường Giang – Viện trưởng Viện Chiến lược CĐS của Hội truyền thông nêu lên 6 thách thức rất lớn đối với DN có vốn nhà nước khi CĐS.

Thách thức đầu tiên, DN có vốn nhà nước, có những hành lang pháp lý, những quy định, quy chế và cách thức kiểm soát rất chặt chẽ, Đây là yếu tố tạo nên những rào cản trong việc chuyển đổi cách thức tổ chức để CĐS. “DNNN không thể muốn chuyển đổi như thế nào cũng được, và muốn chuyển đổi là chuyển đổi được ngay, và sự chuyển đổi cũng chịu rất nhiều ràng buộc, không dễ để chuyển đổi thành công”, ông Giang cho biết.

Với DNNN, sự chuyển đổi mô hình tổ chức khó khăn. “Không phải DNNN thấy cần là tuyển được người như muốn cũng như không dễ gì khi sa thải nhân viên. Việc sắp xếp lại các phòng ban cũng không phải doanh tự quyết được”, ông Giang nói. Vì thế DNNN có nhiều điểm khó khăn trong việc xây dựng lộ trình CĐS, đặc biệt trong việc xây dựng các mô hình kinh doanh mới hoặc triển khai những hệ sinh thái về mô hình kinh doanh.

Điều đó đặt ra những thách thức lớn cho việc chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động để thích ứng hiệu quả với kỷ nguyên số với một đặc trưng quan trọng là sự chuyển đổi không ngừng và linh hoạt.

Tiếp nữa, việc chuyển đổi cách vận hành cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn nhưng DNNN chịu sự kiểm soát chặt quá trình đầu tư dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều nên việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này.

Thách thức nữa, đó là CĐS cũng đòi hỏi một cái nhìn toàn cảnh, một cách làm tổng thể, và chỉ thành công, hiệu quả với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các DNNN.

Theo các chuyên gia CĐS là một cuộc cách mạng về tư duy, đòi hỏi các DN phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của quá trình CĐS để định hình chiến lược và mô hình phù hợp với đặc điểm của DN.

“Chúng ta còn nhận thức quá đơn giản về tiến trình CĐS theo kiểu “cứ làm đi”. CĐS không thể cứ thế mà làm đi. CĐS thực sự cần một chiến lược chuyển đổi toàn diện. Cần phải biết mình chuyển đến đâu, bằng cách nào, cần những nguồn lực gì và thay đổi ra sao”, ông Giang nó.

Theo các chuyên gia, CĐS cần được nhìn nhận là một công cuộc đầu tư đúng nghĩa. Và cần phải hình dung CĐS không phải là sản phẩm may sẵn mà phải là sản phẩm may đo cho từng doanh nghiệp. “Và cần phải mạnh mẽ, và không thể chờ đến khi có thể chế hoàn hảo mới làm. Không bao giờ có được thể chế hoàn hảo mà là một quá trình cải thiện, tối ưu hóa dận dần hoàn thiện dần Trong bối cảnh đó chúng ta phải cố gắng, quyết tâm và nỗ lực làm để vượt qua sự hoàn hảo đó”, ông Thành nhấn mạnh.

CĐS càng cần có khung pháp lý phù hợp và theo kịp, cởi được nút thắt và điểm nghẽn về thể chế, về khung pháp lý để DNNN nói riêng và DN nói chung CĐS thuận lợi và thành công.

TS.Võ Trí Thành nêu lên vấn đề “sáng tạo là cái mới, mới thì có nhiều điều chưa biết, và đầu tư thì có rủi ro. Quy định thì có từ quá khứ không bắt kịp với bối cảnh mới, vậy có dám chấp nhận rủi ro, dám cho doanh nghiệp làm hay không”.

Về phía DN, TS.Võ Trí Thành dẫn lại câu của CEO của Nokia năm 2016 đã ngậm ngùi nói: Chúng tôi không làm gì sai nhưng chúng tôi thất bại. Nokia là bài học cho việc phải không ngừng hoàn thiện và sáng tạo ra cái mới. “Thế thì ta cứ liều đi, sáng tạo đi. Điều mà Việt Nam đang thiếu nhất đó là dám liều, dám sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro”, TS.Võ Trí Thành khích lệ.

Hà Linh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-doi-so-voi-doanh-nghiep-la-nam-an-nam-thua-nhung-bat-buoc-phai-lam-post257942.html