Chuyển đổi số trong lĩnh vực Hải quan cần nhanh hơn, tốt hơn

Nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực Hải quan, các đại biểu tham dự Tọa đàm lưu ý, công tác này cần thực hiện nhanh hơn, tốt hơn để vừa đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý vừa tạo thuận lợi cho giao thương.

Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền:
Nguồn thông tin tham khảo tin cậy, hữu ích

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của đất nước, ngành Hải quan đóng vai trò quan trọng - là “người gác cửa” của nền kinh tế quốc gia, bảo đảm an toàn cho thương mại hợp pháp và an ninh, an toàn cộng đồng.

Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền

Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền

Tuy nhiên, ngành Hải quan đang đứng trước những thách thức rất lớn. Một mặt, tình hình quốc tế và kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Mặt khác, kinh tế Việt Nam ngày càng gia nhập sâu hơn vào môi trường kinh tế thế giới; cùng với đó là sự phát triển bùng nổ của khoa học, công nghệ. Hai yếu tố này khiến ngành Hải quan phải đối diện với nhiều khó khăn trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Trước thách thức kép này, đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ hiện đại được ngành Hải quan xác định là giải pháp hữu hiệu.

Những ý kiến trao đổi tại tọa đàm hôm nay, tôi tin chắc sẽ là nguồn thông tin tham khảo tin cậy và hữu ích đối với các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện chính sách pháp luật đối với ngành Hải quan. Đặc biệt là khi Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030 đặt mục tiêu: “Tiếp tục xây dựng nền tảng pháp luật về hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình hải quan số, hải quan thông minh”. Trong đó, giải pháp trọng tâm là xây dựng Luật Hải quan thay thế Luật Hải quan hiện hành, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ để thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về hải quan; xây dựng mô hình hải quan số, hải quan thông minh, biên giới thông minh, hải quan xanh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi:
Chủ đề nóng bỏng, có ý nghĩa thực tiễn cao

Trước tiên, tôi đánh giá rất cao việc Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm hôm nay. Đặt trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện hai chuyển đổi lớn là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, rõ ràng tọa đàm có ý nghĩa thực tiễn cao, chủ đề nóng bỏng là “chuyển đổi số”.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Tạ Đình Thi

Hiện, Việt Nam đã có sự hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Chúng ta cũng tham gia các định chế, thỏa thuận thương mại song phương, đa phương, thực hiện các cam kết trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các Hiệp định thương mại tự do (FTA)… Ngay trong cam kết ASEAN chúng ta đã có lộ trình giảm thuế suất đến 0%, hiện nay đã thực hiện khoảng 95% bảng thuế. Bên cạnh đó, các xung đột thương mại cũng dẫn đến việc gia tăng các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam càng ngày phải đối mặt áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài. Theo Bộ Công thương, có khoảng 230 vụ việc phòng vệ thương mại đối với các mặt của Việt Nam, như gỗ, cá tra, tôm…

Trong bối cảnh đó, để ngành Hải quan giải quyết thách thức kép vừa chống buôn lậu, gian lận thương mại vừa bảo đảm thu ngân sách, có nhiều giải pháp, trong đó việc chuyển đổi số có ý nghĩa lớn. Chúng ta phải làm điều này nhanh hơn, tốt hơn, kịp thời hơn để vừa đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý vừa tạo thuận lợi cho giao thương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên:
Tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế

Thời gian qua, ngành Hải quan rất nỗ lực, cố gắng để góp phần bảo đảm an toàn kinh tế, xã hội, góp phần tăng thu, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trong công tác phòng, chống buôn lậu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên

Tuy nhiên, với địa bàn hoạt động rộng, tính chất hoạt động của các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu cũng rất rộng, ngành Hải quan luôn phải đối mặt với việc cùng lúc thực hiện 2 nhiệm vụ vừa bảo đảm về thu ngân sách nhà nước, vừa bảo đảm công tác phòng, chống gian lận thương mại. Đây chính là thách thức của ngành Hải quan hiện nay.

Để giải quyết thách thức này, chúng ta phải đồng bộ về pháp luật, làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan trong nước. Việc quan tâm đầu tư công nghệ cũng rất cần thiết. Cùng với đó, cần phải tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực hải quan (Luật Hải quan cũng đã có điều riêng về hợp tác quốc tế).

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu:
Ứng dụng công nghệ giúp giảm bớt thách thức

Khi chống được buôn lậu, gian lận thương mại sẽ tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng; khi đó, các doanh nghiệp, nhà sản xuất chân chính, những người tuân thủ luật pháp được hưởng lợi. Vậy nên, tôi cho rằng, ý nghĩa của Tọa đàm hôm nay không chỉ dừng ở chủ đề đặt ra, mà nó có nội hàm và tác dụng lớn, tích cực hơn nhiều.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu

Tuy nhiên, thách thức về hàng giả, buôn lậu luôn tồn tại. Để chống buôn lậu, gian lận thương mại, yêu cầu phải cải cách thể chế, đặc biệt đối với Hải quan phải tạo thuận lợi thương mại. Đây là một trong những trọng điểm cải cách của Chính phủ trong nhiều năm qua. Thủ tục hải quan phải nhanh hơn, phải thuận lợi hơn, phương thức kiểm tra phải ít chi phí hơn, ưu tiên áp dụng kiểm tra rủi ro...

Tôi cho rằng, gia tăng về năng lực, cả về kỹ thuật lẫn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin cũng góp phần quan trọng trong việc giảm bớt các thách thức đặt ra cho ngành Hải quan.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Vũ Tuấn Anh: Công khai, minh bạch, thu đúng, thu đủ là mục tiêu quan trọng

Trong bối cảnh chúng ta thực hiện theo các hiệp định thương mại tự do, nguồn thu thuế sẽ giảm đi. Do vậy, bảo đảm thu ngân sách đối với ngành Hải quan sẽ là áp lực lớn.

Từ lẽ đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Hải quan nói riêng và nền kinh tế nói chung là rất quan trọng, cần thiết. Song, ứng dụng công nghệ thông tin phải nhằm mục tiêu hàng đầu là để bảo đảm công khai, minh bạch, thu ngân sách đúng, đủ, kịp thời theo quy định của pháp luật; đồng thời, phải bảo đảm vừa trợ giúp ngành Hải quan vừa giúp doanh nghiệp để chia sẻ dữ liệu thông tin công khai, minh bạch. Hệ thống cơ sở dữ liệu của ngành Hải quan dù đã có nhiều cố gắng cập nhật, song hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. Điều này đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ ra, như dữ liệu chưa được đánh giá, số liệu chưa đồng bộ… Do đó, ngành Hải quan cần chấn chỉnh, khắc phục hạn chế này.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Trần Đức Đông:
Nhiều kết quả tích cực

Thời gian qua, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã đạt được một số kết quả trong việc phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Cụ thể, năm 2019, phát hiện xử lý 221.703 vụ việc, thu nộp ngân sách nhà nước 21.507 nghìn tỷ đồng. Năm 2020 phát hiện 191.467 vụ, thu nộp ngân sách hơn 25.000 nghìn tỷ đồng. Năm 2021 phát hiện 138.077 vụ, thu nộp ngân sách trên 18.300 nghìn tỷ. Năm 2022 phát hiện 139.758 vụ, thu nộp ngân sách 12.829 nghìn tỷ. Trong năm 2023, riêng quý I phát hiện 28.028 vụ, thu nộp ngân sách 3.394 nghìn tỷ đồng. Kết quả này đã đóng góp tích cực vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, bảo đảm an ninh trật tự và tạo điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Trần Đức Đông

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Trần Đức Đông

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, cần tập trung tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, công điện, chương trình, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung. Các Ban chỉ đạo 389 địa phương, các bộ, ngành cần chủ động nhận diện những vấn đề nổi cộm, phức tạp; xây dựng, triển khai các kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra, phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, rà soát, sơ kết, tổng kết các chuyên đề, kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, kết thúc những kế hoạch chuyên đề hết hiệu lực, kém hiệu quả và xây dựng, ban hành các kế hoạch chuyên đề mới để phù hợp; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan; phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, truyền thông theo phương châm tăng về tần suất, đa dạng về hình thức và bảo đảm về nội dung, chất lượng…

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng Cục Hải quan Phạm Duyên Phương:
Quan tâm nhiều hơn đến kết nối quốc tế

Để vận hành được công nghệ 4.0, đầu tiên pháp luật phải là 4.0 và được vận hành bởi những con người 4.0, dữ liệu phải dựa trên nền nền tảng thông tin về dữ liệu. Do đó, chúng tôi sẽ tập trung vào vấn đề nhân lực (hiện đang gặp thách thức lớn từ “chảy máu chất xám”); đóng góp để xây dựng nền tảng pháp luật theo hướng 4.0.

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng Cục Hải quan Phạm Duyên Phương

Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan, Tổng Cục Hải quan Phạm Duyên Phương

Đáng nói, kết nối của cơ quan Hải quan là hội nhập quốc tế nên phải quan tâm nhiều đến vấn đề kết nối quốc tế. Năm 2018, chúng ta đã kết nối cơ chế một cửa ASEAN, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận rất cao bởi tiết kiệm lớn về chi phí quản lý, chi phí tuân thủ. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại đó thì chưa đủ. Hiện, chúng tôi đã trao đổi các thông tin về tờ khai hải quan đối với các nước thuộc Cộng đồng Liên minh kinh tế Á - Âu và đang mở rộng, tiếp tục trao đổi.

Phó Trưởng phòng Phòng Dịch vụ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông Mai Thanh Hải:
Hơn 350.000 thành viên tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng

Để thực hiện chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham mưu Chính phủ xây dựng Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số để có năng lực toàn cầu. Đó là mục tiêu chính của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.

Phó Trưởng phòng Phòng Dịch vụ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông Mai Thanh Hải

Phó Trưởng phòng Phòng Dịch vụ số, Cục Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông Mai Thanh Hải

Trong quá trình triển khai chuyển đổi số hiện còn nhiều bất cập. Hiện nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với hơn 350.000 thành viên tham gia. Đây là nỗ lực rất lớn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các chương trình chuyển đổi số vẫn còn rất nhiều bất cập. Thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đa phần là các bác về hưu. Vì vậy, cần kêu gọi sự hỗ trợ, đồng hành của lực lượng nòng cốt là Đoàn thanh niên tham gia phối hợp cùng các cơ quan chính quyền triển khai ứng dụng, nền tảng nhằm giảm tải nguồn lực cho chuyển đổi số…

Chủ tịch Công ty Ultra-Thabis Lương Hữu Hạnh:
Có thể giúp tăng thu ngân sách 20 tỷ USD trong 7 năm

Cần khẳng định rằng, giải pháp Publican không phải là dùng công cụ này để tăng thu ngân sách, mà bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, chống thất thu thuế. Dựa trên quá trình triển khai nền tảng tại gần 40 quốc gia, trong đó có khu vực châu Á và Đông Nam Á, cũng như việc hợp tác với các chuyên gia kinh tế hàng đầu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), chúng tôi đã xây dựng được mô hình tính toán phù hợp. Trong trường hợp Việt Nam áp dụng Publican có thể thu bổ sung khoảng 20 tỷ USD trong 7 năm.

Chủ tịch Công ty Ultra-Thabis Lương Hữu Hạnh

Chủ tịch Công ty Ultra-Thabis Lương Hữu Hạnh

Ngoài lợi ích kinh tế, an ninh quốc gia, còn có lợi ích cho chính doanh nghiệp nhập khẩu, vì nó tích hợp vào hệ thống thông quan hải quan. Khi những lô hàng được giải phóng nhanh sẽ giúp lưu thông nhanh hơn, doanh nghiệp giảm chi phí lưu kho bãi. Đặc biệt, vì Publican áp dụng đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường biển, vốn chiếm 90% tổng lượng hàng hóa ở Việt Nam, sẽ giúp người dân hưởng lợi rất lớn vì giảm rủi ro mua phải hàng giả, hàng nhái.

Tuy nhiên, khó khăn hàng đầu hiện nay là chia sẻ dữ liệu. Kinh nghiệm của các nước khi chia sẻ dữ liệu là họ sẽ đánh giá, lượng hóa mức độ rủi ro khi chia sẻ dữ liệu với lợi ích thu về. Nếu mức độ rủi ro tối thiểu và lợi ích tối đa thì họ sẽ chia sẻ. Có 2 giải pháp để hạn chế rủi ro khi sử dụng Pulican.

Về mặt pháp lý, Ultra tuân thủ theo đúng quy định chung rất chặt chẽ của châu Âu về chia sẻ dữ liệu. Theo đó, nếu vi phạm, mức phạt rất lớn, lên tới 20 triệu Euro cho đến 4% tổng doanh thu toàn cầu. Về kỹ thuật, nếu áp dụng Publican, chúng tôi triển khai giải pháp tại chỗ cho hải quan, tức đặt máy chủ tại trụ sở cơ quan Hải quan. Cơ sở dữ liệu của Hải quan chuyển vào máy chủ này sẽ được phân mảnh, sau đó chuyển lên đám mây ảo và được ẩn danh, mã hóa, chỉ nhân viên hải quan mới nhìn được dữ liệu hoàn chỉnh của tờ khai đó.

Minh Châu lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/chuyen-doi-so-trong-linh-vuc-hai-quan-can-nhanh-hon-tot-hon-i335265/