Chuyển đổi số ngành nông nghiệp: Xu thế tất yếu - giải pháp đột phá. Bài 3

Bài 3: Cần sự đồng bộ, quyết liệt

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) tuy một mà ba, là 3 thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời. Do đó, một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đồng thời đào tạo nhân lực phục vụ yêu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn. Giải pháp đột phá, rất cần sự đồng bộ, quyết liệt, Tiến sĩ Trần Gia Long, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và PTNT nêu đề xuất.

“Kích hoạt” nông nghiệp số

Từ những thành quả, cơ hội và thách thức đối với chuyển đổi số ngành nông nghiệp, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan cùng các địa phương đang tập trung triển khai kế hoạch, nghị quyết của Trung ương, Tỉnh ủy Bình Thuận, trong đó có nội dung phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động chuyển đổi số nông nghiệp và PTNT, công bố triển khai hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng. Đây là bước đột phá lớn trong lĩnh vực trồng trọt, là nền tảng kết nối, chia sẻ thông tin chủ động 2 chiều giữa cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, HTX, nông dân.

Trang trại thanh long GlobalGAP tại Hàm Thuận Nam

Theo ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bình Thuận, tổng số mã vùng trồng thanh long xuất khẩu trên địa bàn tỉnh hiện có 580 mã. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, đã có 29 vùng trồng được cấp mã số đối với sản phẩm trái thanh long ruột trắng, ruột đỏ xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Mỹ, Úc, New Zealand, Trung Quốc, Nhật Bản và 12 cơ sở đóng gói sản phẩm trái thanh long xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Úc, New Zealand. Tổng số mã vùng trồng nội địa được cấp theo quy định của Luật Trồng trọt, đăng ký theo hình thức qua mạng trên địa bàn tỉnh tính đến nay là 7 mã. Riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh đang kiểm tra để cấp mã số cho 1 vùng trồng đối với sản phẩm bưởi.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang thực hiện gói chuyển đổi số cho lộ trình xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long Bình Thuận thuộc chương trình Dự án UNDP. Qua đó nâng cao giá trị sản phẩm thanh long Bình Thuận bằng việc minh bạch toàn bộ quá trình sản xuất tới các bên liên quan, đặc biệt là khách hàng tiêu thụ sản phẩm thanh long bằng hệ thống công nghệ thông tin.

Cán bộ khuyến nông (đội nón) hướng dẫn nông dân thao tác chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Trí - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, trong khuôn khổ dự án sẽ hỗ trợ 4 HTX, doanh nghiệp, gồm HTX thanh long Thuận Tiến; HTX thanh long sạch Hòa Lệ; HTX Dịch vụ sản xuất thanh long Hàm Minh 30 và Công ty TNHH nước ép Phúc Hà. Trung tâm đã tập huấn dự án chuyển đổi số cho 4 HTX, doanh nghiệp sản xuất thanh long, sử dụng ứng dụng di động (app/phần mềm trên thiết bị di động) vào ghi chép nhật ký điện tử quá trình sản xuất, chế biến và quản lý sản phẩm thanh long. Thương hiệu sản phẩm thanh long Bình Thuận được cung cấp đến khách hàng đầy đủ thông tin về chất lượng, tiêu chuẩn trên nền tảng trực tuyến.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cùng lãnh đạo UBND tỉnh, huyện Bắc Bình tham quan sản phẩm nông nghiệp hướng công nghệ cao.

Một trong những mục tiêu Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) thực hiện Nghị quyết 19 – NQ/TW đặt ra, đó là phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; có hệ sinh thái phát triển bền vững. Trong đó, chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 8%/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 64%...

Với những mục tiêu đề ra, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đặt ra nhiệm vụ, giải pháp chú trọng phát triển nông nghiệp hiện đại, chuyên canh, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ cao và chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa. Trong đó xác định cần chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp. Tạo đột phá trong phát triển nhân lực, đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Truy xuất nguồn gốc thanh long bằng quét mã QR.

Tạo đột phá

Để chuyển đổi số ngành nông nghiệp thành công, theo đề xuất của ông Võ Văn Ty – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tánh Linh, cần chỉ đạo điều tra, thu thập và chỉnh lý số liệu về lĩnh vực nông nghiệp toàn tỉnh theo mẫu thống nhất; tập huấn chuyên môn cuốn chiếu và theo lộ trình, tránh đầu tư dàn trải, thiếu trọng tâm. Song song, tuyên truyền rộng rãi, phân công trách nhiệm cụ thể các cơ quan, địa phương để tập trung đầu mối thống nhất, tránh đùn đẩy.

Đồng thời, phải chọn lĩnh vực và đơn vị triển khai thí điểm để đúc kết, nhân rộng theo lộ trình, tránh xảy ra tình trạng dàn hàng ngang, mạnh ai nấy làm, thiếu thống nhất, đồng bộ. Ông Ty cũng bày tỏ lo ngại, nếu cơ sở dữ liệu số của công dân không đồng bộ thì chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp sẽ không đồng bộ được, nhất là khâu thanh toán, giao dịch, truy xuất nguồn gốc sẽ bất cập.

Giám đốc HTX Sen Núi (ngoài cùng bên trái) tham dự hội thảo về phát triển nông nghiệp xanh.

Riêng HTX Sen Núi, hiện nay HTX đang tiếp tục hướng tới thương mại điện tử để phù hợp với phát triển thị trường, hướng tới liên kết với tất cả các HTX trong nước theo nguyên tắc hợp tác đa chiều. Mặt khác, kết nối với Liên minh HTX tỉnh và các sở, ban ngành, đoàn thể, địa phương để tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo thương hiệu sản phẩm, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn. Cùng với đó, tập trung bồi dưỡng trình độ chuyên môn của các thành viên tổ liên kết trong khu vực để chuyển đổi số thương mại điện tử.

Tiến sĩ Trần Gia Long nhấn mạnh tại hội nghị báo cáo viên Trung ương tháng 6/2023 rằng, một trong các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững là đào tạo nhân lực, đổi mới tổ chức và hoạt động, nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, thân thiện với môi trường; đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu lớn. Đẩy mạnh thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm.

Thành viên các hợp tác xã "bắt tay" thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp nhờ hỗ trợ từ dự án UNDP.

Trên phạm vi cả nước, có không ít mô hình thực hiện khá bài bản “Nông nghiệp chuyển đổi số”, những mô hình đó nên được nghiên cứu, học tập, ứng dụng vào địa bàn Bình Thuận. Nhiều sinh viên, kỹ sư trồng trọt, chăn nuôi con em Bình Thuận được đào tạo bài bản, chuyên sâu về kinh tế nông nghiệp hiện đại trong và ngoài nước, nên chăng các địa phương trong tỉnh mạnh dạn, có giải pháp đột phá để thu hút về địa phương “dụng võ” – có đất cho họ “dụng võ”. Vấn đề là chính sách thu hút nhân tài cần căn cơ, có sức hút để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao toàn diện cho nông nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Kinh nghiệm doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đó là những bài học “chuyển đổi số” trong nông nghiệp hữu cơ của Tập đoàn Quế Lâm từng được các chuyên gia hàng đầu thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá cao, nên chăng đó cũng là mô hình có thể tham khảo, vận dụng tùy theo điều kiện cụ thể của Bình Thuận?

Hội nghị về xây dựng hệ sinh thái sản xuất và tiêu dùng bền vững trái thanh long Bình Thuận cuối tháng 6/2023.

Đặc biệt, để chuyển đổi số thành công, ngành nông nghiệp cần các giải pháp trên nhiều phương diện và phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, nông dân; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân và các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp ở nông thôn. Tiến sĩ Long cũng nhắc lại câu nói: “Khi mọi người tranh luận xem ngành nghề nào là thiết yếu và không thiết yếu, thì có một điều không cần phải bàn cãi: Nông nghiệp. Bởi lẽ, nông nghiệp đạt đủ các chuẩn mực của một ngành thiết yếu. Không có thức ăn, chúng ta sẽ không có gì cả” – Jason Schenker.

Với tầm quan trọng ấy, nông nghiệp được Bình Thuận xác định là 1 trong 3 trụ cột kinh tế của địa phương. Để giải quyết bài toán chuyển đổi số trong nông nghiệp trước những thời cơ và thách thức hiện nay, cần thiết phải giải quyết bài toán về kết nối – xử lý tốt yếu tố thị trường tiêu thụ sản phẩm từ thế mạnh của công nghệ chuyển đổi số.

Việc ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số trong nông nghiệp còn phải liên kết các thành phần của hệ sinh thái nông nghiệp một cách tự nhiên theo chuỗi giá trị. Và hơn lúc nào hết, để chuyển đổi số ngành nông nghiệp, các giải pháp cần sự đột phá, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, mọi thách thức và khó khăn đều có thể vượt qua, không ngừng gặt hái thành công.

Bài 1: Lực lượng đi đầu trong chuyển đổi số nông nghiệp

Bài 2: Tận dụng thời cơ - tháo gỡ khó khăn

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/chuyen-doi-so-nganh-nong-nghiep-xu-the-tat-yeu-giai-phap-dot-pha-bai-3-110115.html