Chuyển đổi số - khâu đột phá trong đổi mới giáo dục

Với mục tiêu tạo ra môi trường giáo dục số, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, quản lý giáo dục và quản trị nhà trường, góp phần tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng, hiệu quả của hệ thống giáo dục, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục thông minh, chất lượng tốt, chi phí thấp cho người dân.

Hội nghị giới thiệu và triển khai hệ thống trục tích hợp cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục.

Hội nghị giới thiệu và triển khai hệ thống trục tích hợp cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục.

Thay đổi tư duy giáo dục

Năm học 2022-2023, Trường THPT Tô Hiệu là một trong 2 trường trên địa bàn Thành phố thí điểm xây dựng mô hình lớp học thông minh. Sau hơn 1 tháng đi vào hoạt động đã cho thấy những ưu điểm vượt trội. Bằng việc truy cập mã số lớp học, học sinh có thể vào tài khoản cá nhân và học cùng giáo viên thông qua giáo trình kỹ thuật số. Giáo trình gồm có video, âm thanh, hình ảnh với góc nhìn 360 độ. Chức năng nổi bật của lớp học, giáo viên có thể biên soạn, phân phát tài liệu số trực tiếp qua thiết bị máy tính bảng được phát cho từng học sinh.

Nói về những ưu điểm của lớp học, thầy Nguyễn Nam Hùng, giáo viên Toán, Trường THPT Tô Hiệu, cho biết: Khi giáo viên giao nhiệm vụ hoặc giảng bài, tất cả học sinh sẽ theo dõi trên màn hình lớn hoặc trên ipad cá nhân; giáo viên theo dõi được hết tất cả hành động của học sinh trên thiết bị học tập. Trong quá trình giảng dạy, khi giao phiếu học tập cho học sinh, sau khi các em hoàn thành, ngay lập tức hệ thống sẽ phân tích và đưa ra những điểm mạnh điểm yếu, kết quả của học sinh để giáo viên nhận thấy được những ưu điểm, khuyết điểm trong quá trình làm bài tập của các em.

Còn với học sinh, bằng phương pháp dạy học sinh động với sự tương tác đa chiều khiến các bài học dễ hiểu, dễ tiếp thu hơn. Em Nguyễn Thị Thảo Nguyên, lớp 10 A11, chia sẻ: Em cảm thấy thích thú khi học tại lớp học thông minh, trong quá trình học nếu có chỗ nào chưa hiểu, em có thể xem lại bài giảng của thầy, cô ngay trên thiết bị. Khi làm bài tập sẽ được đánh giá ngay, nên em biết sửa sai ở đâu.

Tại huyện Phù Yên, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ngành giáo dục nâng cao hiệu quả quản lý, đổi mới chất lượng dạy và học. Năm học 2022-2023, Trường THCS thị trấn Phù Yên là đơn vị được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện chọn thực hiện thí điểm mô hình quản lý học bạ điện tử, hồ sơ điện tử trên hệ thống SMAS và VNEDU. Thầy giáo Phạm Văn Liêm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hàng tuần, nhà trường cập nhật toàn bộ cơ sở dữ liệu về giáo viên, học sinh cùng các nội dung liên quan đến hoạt động giảng dạy như lịch trực tuần, thời khóa biểu, sổ ghi đầu bài, giáo án... lên hệ thống mạng nội bộ, thay thế hoàn toàn việc lưu trữ hồ sơ thủ công, nặng về văn bản giấy, đồng thời update cơ sở dữ liệu lên kho học liệu điện tử chung của toàn ngành.

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin: Toàn tỉnh hiện có 610 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến THPT, thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, Sở đã triển khai phần mềm quản lý điều hành điện tử i-office kết nối các phòng giáo dục và đào tạo cũng như các cơ quan, ban, ngành của tỉnh. Sử dụng hệ thống e-cabinet phòng họp trực tuyến tại sở và các đơn vị trực thuộc, giúp tiết kiệm thời gian, kinh phí, nâng cao chất lượng giáo dục.

Đồng thời, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng thông tin đầy đủ, chính xác. Phổ biến, hướng dẫn giáo viên, học sinh khai thác kho bài giảng e-Learning của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tự học, tự ôn tập. Hiện nay, hầu hết các trường trung học trong tỉnh sử dụng hoàn toàn học bạ điện tử, sổ đăng bộ điện tử, giúp giáo viên giảm bớt lao động thủ công trong việc nhập điểm vào sổ, giảm bớt sai sót trong học bạ. Sử dụng hệ thống dữ liệu quản lý thi tốt nghiệp THPT, triển khai nhập liệu và quản lý trực tuyến đồng bộ từ bộ, sở đến tất cả các trường và tới thí sinh trong tất cả các khâu từ đăng ký dự thi đến thông báo điểm.

Chuyển đổi số - hướng đi tất yếu

Thúc đẩy chuyển đổi số, ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 100% đơn vị, cơ sở giáo dục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, quản trị đồng bộ với hệ thống dữ liệu của ngành; 100% đơn vị, cơ sở giáo dục kết nối đường truyền băng thông rộng, triển khai các ứng dụng trực tuyến trên môi trường internet; 100% học sinh tiếp cận internet và kho học liệu trực tuyến; 100% đơn vị, cơ sở giáo dục có trang thông tin điện tử, cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định. Từ 50% cơ sở giáo dục trực thuộc trở lên thanh toán học phí và các khoản thu, chi khác không dùng tiền mặt. Xây dựng Trung tâm điều hành giáo dục thông minh IOC, đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và nâng cao chất lượng giáo dục Sơn La...

Mô hình thí điểm lớp học thông minh tại Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố.

Mô hình thí điểm lớp học thông minh tại Trường THCS Nguyễn Trãi, Thành phố.

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thông tin thêm: Hoàn thành mục tiêu, ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền tới cán bộ quản lý, giáo viên về vai trò của ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục và đào tạo. Xây dựng kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giai đoạn 2022 - 2025, thể hiện rõ mục tiêu, nhiệm vụ triển khai trong từng năm học. Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Những kết quả tích cực mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số sẽ là động lực quan trọng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà để tỉnh bứt phá trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/chuyen-doi-so-tinh-son-la-giai-doan-2021-2025-dinh-huong-den-nam-2030/chuyen-doi-so-khau-dot-pha-trong-doi-moi-giao-duc-PJ8rC4U4g.html