Chuyển đổi số để nâng cao đời sống, phát triển kinh tế nông thôn

Tỉnh Thái Nguyên xác định, trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp thông minh và thúc đẩy sự phát triển kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng nông thôn.

Các đại biểu tham quan quầy trưng bày sản phẩm trà tại hội nghị về chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Các đại biểu tham quan quầy trưng bày sản phẩm trà tại hội nghị về chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Theo Sở TT&TT tỉnh Thái Nguyên, việc chuyển đổi số là xu hướng phát triển mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, các địa phương, tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội. Ngày 31/12/2020, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong đó, chuyển đổi số về nông nghiệp được xác định thực hiện phát triển công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực của tỉnh.

Sở TT&TT Thái Nguyên được giao nhiệm vụ chủ trì triển khai các nội dung, nền tảng dùng chung, tạo lập môi trường chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị, địa phương… Với mục tiêu phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn nhằm đáp ứng yêu cầu về hiện đại hóa công nghệ thông tin-truyền thông, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số khu vực nông thôn, đưa hoạt động của người dân lên môi trường mạng, bảo đảm an toàn, đồng bộ, kết nối liên ngành và liên vùng.

Sở TT&TT Thái Nguyên đã đảm bảo hạ tầng viễn thông bao phủ toàn tỉnh, mọi người dân đã có điều kiện tiếp cận và sử dụng dịch vụ truy cập internet. Bên cạnh đó, giá dịch vụ viễn thông ngày càng giảm, băng thông ngày càng cao, nên người dân có thu nhập thấp cũng đủ điều kiện kinh tế sử dụng dịch vụ internet. Đối với các hộ gia đình nghèo và cận nghèo, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần cước phí dịch vụ viễn thông và dịch vụ truy nhập internet.

TS. Nguyễn Tiến Dũng, Trường Đại học Kỹ thuật công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cho biết, trong thời đại công nghệ số, chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống cho cộng đồng nông thôn.

Chuyển đổi số đóng góp vào sự phát triển nông thôn mới bằng cách cung cấp các công nghệ và giải pháp để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp; cải thiện quản lý tài nguyên và môi trường, tăng cường khả năng tiếp cận thị trường và cung cấp các dịch vụ công cộng tốt hơn.

Xây dựng xã nông thôn mới thông minh và phát triển thương mại điện tử là mục tiêu hướng tới để nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo điều kiện phát triển kinh tế bền vững cho cộng đồng nông thôn.

Hiện nay, Thái Nguyên đang triển khai kế hoạch mô hình tỉnh chuyển đổi số điển hình, thực hiện chuyển đổi số tổng thể, toàn diện và có trọng tâm trên cả 3 trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó tập trung ưu tiên chuyển đổi số trong một số lĩnh vực, như nông nghiệp, tài nguyên môi trường, giao thông, công nghiệp, du lịch…

Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế; nhận thức và kỹ năng sử dụng công nghệ số của người nông dân chưa cao.

Cơ sở hạ tầng số ở nông thôn của tỉnh còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn rải rác, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Nông nghiệp thông minh và công nghệ cao cần phải đầu tư hơn nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư.

Trà là đặc sản nổi tiếng của Thái Nguyên, khi áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp cho thương hiệu trà của tỉnh ngày càng phát triển hiệu quả hơn - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Trà là đặc sản nổi tiếng của Thái Nguyên, khi áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp cho thương hiệu trà của tỉnh ngày càng phát triển hiệu quả hơn - Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Bà Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Trà Sơn Dung cho biết, HTX nông nghiệp khi chuyển đổi số không chỉ tạo nên một cuộc cách mạng trong cách sản xuất nông sản, mà còn đang xây dựng một cộng đồng nông dân thông minh, kết nối, bền vững, góp phần đẩy mạnh sự phát triển toàn diện của nông thôn.

Chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực, và nông nghiệp cũng không ngoại lệ. Đặc biệt HTX nông nghiệp đã đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế và cải thiện cuộc sống của nhiều người nông dân trên khắp thế giới. HTX nông nghiệp có thể hưởng lợi rất nhiều từ việc áp dụng giải pháp chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý tài nguyên, cải thiện chất lượng sản phẩm và tạo ra giá trị gia tăng cho cả HTX và cộng đồng.

Truyền thống và sự gắn kết đã làm nên tinh thần của HTX nông nghiệp từ thời xa xưa. Tuy nhiên, để vươn tới tương lai, HTX không thể không tiếp tục đổi mới và hiện đại hóa cách thức làm việc của mình. Giải pháp chuyển đổi số đã mang đến cơ hội tái thiết cộng đồng nông dân, tạo nên mô hình hợp tác hiện đại hơn và khả năng nắm bắt những cơ hội kinh doanh mới.

Trong bối cảnh này, HTX nông nghiệp không chỉ đơn thuần là những cánh đồng mà là những hệ thống thông minh, sử dụng cảm biến và dữ liệu để đo lường, quản lý và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Nhờ vào internet, những người nông dân ngày nay có thể giám sát từng khía cạnh của trang trại một cách chính xác và hiệu quả. Từ việc theo dõi thời tiết, tình trạng đất đai, đến sức khỏe của vật nuôi, tất cả đều có thể được thu thập và phân tích để đưa ra quyết định thông minh.

Mặc dù chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp có vai trò to lớn như vậy nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức và hạn chế. Thiếu nhận thức về chuyển đổi số, thiếu kỹ thuật và kiến thức, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển, tài chính hạn chế.

Để đạt được những kết quả to lớn, theo bà Nguyễn Thị Như Trang, cần có sự hỗ trợ từ nhiều phía, từ Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và ngành công nghiệp cần cùng nhau tạo ra môi trường thích hợp cho việc áp dụng công nghệ và chuyển đổi số trong HTX nông nghiệp. Đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp tài nguyên và thúc đẩy sự hợp tác là những yếu tố không thể thiếu để mô hình này phát triển mạnh mẽ.

Cũng theo bà Như Trang, một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng và phát triển hệ thống quản lý thông tin nông nghiệp. Bằng cách sử dụng các phần mềm và ứng dụng quản lý nông trại, HTX có thể theo dõi mọi khía cạnh của quá trình sản xuất, từ lịch trình làm việc cho đến sử dụng nguyên liệu và giám sát hiệu suất. Điều này giúp HTX tối ưu hóa tài nguyên và đảm bảo sản phẩm cuối cùng đạt chuẩn chất lượng.

Tuy nhiên, để thành công trong việc chuyển đổi số, HTX nông nghiệp cần đảm bảo rằng họ có đủ kiến thức về công nghệ và đủ nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng số.

Ngoài ra, việc đảm bảo bảo mật thông tin là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn các rủi ro liên quan đến lừa đảo và vi phạm quyền riêng tư.

HTX cần đào tạo nhân viên về sử dụng công nghệ. Điều này có thể bao gồm việc tổ chức các khóa học hoặc hợp tác với các tổ chức chuyên về đào tạo công nghệ và nâng cao nhận thức về an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, cần phát triển thị trường trực tuyến thông qua xây dựng trang web, ứng dụng di động và tham gia các nền tảng thương mại điện tử là các cách quan trọng để HTX nông nghiệp tạo hiện diện trực tuyến, tương tác với khách hàng và mở rộng thị trường, đồng thời cần đảm bảo thiết kế hấp dẫn và dễ sử dụng cho người dùng.

Thiện Tâm

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/chuyen-doi-so-de-nang-cao-doi-song-phat-trien-kinh-te-nong-thon-102230825124041998.htm