CHUYỂN ĐỔI NỀN TẢNG SỐ TOÀN DÂN, ĐỂ NGƯỜI DÂN LÀ CHỦ THỂ, TRUNG TÂM CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số là một trong những nội dung quan trọng được các đại biểu Quốc hội đề cập trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định, phải thực hiện chuyển đổi nền tảng số trong toàn dân để người dân được tham gia, người dân là chủ thể, là trung tâm trong chuyển đổi số này.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nội dung đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội. Chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh cho biết, phát triển kinh tế số và xã hội số là xu hướng thế giới. Việt Nam cần có giải pháp dài hạn, đột phá, đi tắt đón đầu, sáng tạo để cạnh tranh và phát triển. Đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết những giải pháp mang tính đột phá để đưa Việt Nam phát triển trong bối cảnh kỷ nguyên số và cơ hội, lợi thế, thách thức đan xen như hiện nay.

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, về phát triển công nghệ số, hiện nay trong kinh tế số, chúng ta đang đặt mục tiêu tăng trưởng trung bình khoảng 20%/năm và hiện thời đang cơ bản thực hiện được như mục tiêu đề ra. Cụ thể, kinh tế số năm 2023 đạt được 17%, năm 2024 dự kiến đạt khoảng 20%, về đích trước thời hạn mục tiêu 1 năm.

Để đẩy mạnh chuyển đổi số, Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược về kinh tế số, xã hội số và công dân số, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về chuyển đổi số do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Hiện nay, chúng ta đang tiếp tục hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là một xu thế, một phong trào không thể không tham gia và cần phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, cần bố trí nguồn lực thỏa đáng để phát triển hạ tầng số. Điều đặc biệt quan trọng là phát triển nguồn nhân lực cho chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với các ngành, các cấp để tiến hành chuyển đổi số trong nền kinh tế.

Thủ tướng cho rằng, cần chú ý 3 điểm: Trước hết, cần chú trọng hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt là quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực trong ngành công nghệ thông tin, đây là một nền tảng. Thêm vào đó, chúng ta phải chuyển đổi nền tảng số trong toàn dân để người dân được tham gia, người dân là chủ thể, là trung tâm trong chuyển đổi số này. Ngoài ra, cần tập trung vào chuyển đổi số cho các ngành mới nổi như chuyển đổi xanh, chuyển đổi kinh tế tuần hoàn.

Nghiên cứu về vấn đề này, ThS. Dương Thu Hương, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng, mục tiêu xây dựng mục tiêu chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật nói riêng không chỉ là tăng cường tự động hóa các hoạt động chuyên môn của cơ quan nhà nước hay thuận lợi hóa quá trình xây dựng pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực công mà mục tiêu cuối cùng là lấy người dân là trung tâm, hướng tới kết nối tốt hơn với người dân, tăng cường minh bạch, thúc đẩy sự tham gia của người dân, cộng đồng vào quá trình quản lý nhà nước cũng như xây dựng pháp luật. Đây cũng là mục tiêu được xác định trong nhiều Nghị quyết của Đảng liên quan đến xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian qua.

Xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật là một quá trình lâu dài, cần nhiều thời gian và công sức cũng như cần có chiến lược cho từng giai đoạn cũng như kế hoạch cụ thể cho từng nhiệm vụ. Xây dựng chính phủ số và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng pháp luật cần có sự đầu tư nguồn lực thường xuyên và dài hạn. Vấn đề quản lý, bảo trì, vận hành cơ sở hạ tầng cũng tốn kém tương tự như quá trình đầu tư xây dựng. Đây là vấn đề rất quan trọng, thậm chí quan trọng hơn cả vấn đề xây dựng hệ thống. Bởi vì, khi xây dựng một hệ thống rất tốt, nhưng quản lý, vận hành, sử dụng không tốt thì cũng không có tác dụng. Kinh nghiệm một số nước cho thấy, ngân sách hàng năm cho công nghệ thông tin và truyền thông là rất lớn.

ThS. Dương Thu Hương, Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp

ThS. Dương Thu Hương cũng nêu rõ, chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng pháp luật về lâu dài cần được thực hiện đồng bộ, ở tất cả các cơ quan trung ương cũng như địa phương với quyết tâm lớn của lãnh đạo cũng như thay đổi tư duy, phương thức làm việc của mỗi cán bộ, công chức. Đây là lĩnh vực có sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương. Bởi vậy, sự kết nối liên thông, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trung ương và địa phương là rất quan trọng. Ở Việt Nam hiện nay, phát triển Chính phủ số đang được thực hiện tích cực ở trung ương và địa phương. Tuy nhiên, các kế hoạch, chương trình xây dựng Chính phủ số, chuyển đổi số đang diễn ra khá phân tán, độc lập và cục bộ. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn cho quá trình tích hợp thông tin, liên kết giữa các cơ quan trong thời gian tới.

Quan tâm đến nội dung này, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Vân, Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, cần nghiên cứu đánh giá mức độ phát triển Chính phủ số. Việc đánh giá mức độ phát triển Chính phủ số thông qua các bộ chỉ số đánh giá ở cấp độ quốc tế, quốc gia, cũng như ở cấp độ các bộ, ngành và địa phương đã được triển khai thực hiện trên thế giới và Việt Nam cũng đã thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, các bộ chỉ số này mới đang trong giai đoạn đầu triển khai, chủ yếu để đánh giá mức độ phát triển của Chính phủ điện tử. Còn thiếu nhiều các chỉ số ứng dụng sâu rộng và mức độ sử dụng các công nghệ dữ liệu trong quá trình chuyển đổi Chính phủ số, mức độ đột phá trong ứng dụng công nghệ số, cũng như còn thiếu các chỉ số đánh giá so sánh đối chiếu về tính hiệu quả về thời gian và các nguồn lực khác khi sử dụng các công nghệ số, sự ảnh hưởng của các quá trình chuyển đổi số đến nâng cao chất lượng thực hiện các chức năng của Nhà nước và dịch vụ công. Đồng thời, cần tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và lồng ghép tiêu chí đánh giá về quản trị điện tử, quản trị số, đó là lồng ghép với các bộ chỉ số, như: Bộ chỉ số hiệu quả hành chính công; Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; Bộ chỉ số cải cách hành chính...

Ngoài ra, cần nghiên cứu giải pháp, lộ trình thực hiện vấn đề này. Trong tiến trình nghiên cứu lý luận về Chính phủ số thế giới, có ba giai đoạn phát triển của “Chính phủ số” với các lý thuyết tương ứng, đó là: Chính phủ mở 2.0 (khái niệm được hình thành từ năm 2000 - 2010); Chính phủ thông minh 3.0 (2010 - 2015) và Chính phủ thống nhất, liên thông 4.0 (sau năm 2015). Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài với tốc độ và quy mô khác nhau ở các lĩnh vực khác nhau, quốc gia khác nhau. Những bài học thành công và thất bại của chuyển đổi số chỉ ra ràng: cần có tầm nhìn xa và tổng thể, có lộ trình rõ và thực hiện theo từng bước, thậm chí theo từng bước nhỏ. Kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy, về lộ trình thực hiện, việc phân biệt các mức độ phát triển của Chính phủ điện tử và Chính phủ số không có nghĩa là làm tuần tự, làm xong “chính phủ điện tử” rồi mới làm “chính phủ số” mà cần có cách tiếp cận, giải pháp mang tính đột phá. Với ý nghĩa như vậy, việc nghiên cứu các giải pháp để đạt được mục tiêu xây dựng Chính phủ điện tử; đồng thời, là nghiên cứu thực trạng, giải pháp chuyển đổi dần từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số; nghiên cứu các lý thuyết, mô hình Chính phủ số trong tương lai sẽ là định hướng trọng tâm ở Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=81890