Chuyển đổi mô hình quản lý chợ: Đa lợi ích

Nhằm phát triển hệ thống chợ theo hướng văn minh, hiện đại, huyện Đại Từ đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chuyển đổi mô hình tổ chức, kinh doanh và quản lý chợ trên địa bàn.

Chợ Trung tâm huyện Đại Từ được xây dựng khang trang, rộng rãi.

Chợ Trung tâm huyện Đại Từ được xây dựng khang trang, rộng rãi.

Đại Từ có 21 chợ thuộc 17 xã, thị trấn, trong đó có 1 chợ hạng II và 20 chợ hạng III, với tổng số gần 2.100 tiểu thương kinh doanh, buôn bán. Hoạt động của các chợ trên địa bàn chủ yếu theo hình thức truyền thống. Chợ họp theo phiên, vào các buổi sáng một số ngày trong tháng. Riêng chợ Trung tâm huyện và chợ Yên Lãng họp các ngày trong tuần.

Trong số các chợ trên địa bàn huyện Đại Từ, được đầu tư xây dựng khang trang, rộng rãi nhất là chợ Trung tâm huyện, với diện tích 1,5ha. Tại đây có hàng trăm tiểu thương, buôn bán đầy đủ các mặt hàng, như đồ gia dụng, quần áo, giày dép, thực phẩm tươi sống…

Bà Quách Thị Hòa, tiểu thương bán hàng quần áo tại chợ Trung tâm huyện, cho biết: Tôi buôn bán quần áo đã hơn 30 năm nay. Trước đây, chợ huyện cũ được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp, nền ẩm thấp, chỗ ngồi lụp xụp. Khi chợ mới được xây dựng, tôi đã tiếp tục thuê mặt bằng để kinh doanh. Chợ mới được đầu tư sạch đẹp với đầy đủ hệ thống phòng cháy chữa cháy, điện, nước… nên tôi rất yên tâm khi bán hàng tại đây.

Theo ông Đinh Văn Giáp, Giám đốc Công ty CP chợ miền Bắc - đơn vị xây dựng hạ tầng chợ Trung tâm huyện Đại Từ: Sau khi hoàn thành xây dựng vào năm 2017, chúng tôi đã thành lập Ban quản lý chợ. Đồng thời, triển khai ký hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh cho thuê ki-ốt đối với các tiểu thương kinh doanh cố định tại chợ; ký hợp đồng thu gom rác thải hàng ngày với đơn vị chức năng nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường trong và ngoài chợ.

Cùng với đó, Ban quản lý chợ Trung tâm huyện thực hiện niêm yết công khai nội quy, biển hiệu thông tin về các cơ sở kinh doanh thực phẩm… Đến nay, 230 hộ kinh doanh cố định tại chợ đã có biển tên, số điện thoại, địa chỉ rõ ràng.

Không riêng chợ Trung tâm, trên địa bàn huyện có 4 chợ khác là La Bằng, Phú Cường, Yên Lãng và Ký Phú đã được giao cho doanh nghiệp kinh doanh, khai thác và quản lý. Sau khi chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân, các chợ được doanh nghiệp quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, với tổng kinh phí trên 66 tỷ đồng. Tại chợ cũng thành lập được tổ phòng cháy chữa cháy theo quy định; xây dựng nội quy, quy chế và phương án sắp xếp, bố trí các khu vực hàng hóa…

Bà Lê Hồng Hạnh, Phó phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ, cho biết: Trước đây, các chợ được UBND xã giao cho ban quản lý chợ xã quản lý, nên bộc lộ nhiều hạn chế, như: Không đảm bảo quy định về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường... Bên cạnh đó, qua nhiều năm sử dụng, phần lớn các chợ đều đã xuống cấp. Huyện đã kiện toàn Ban chuyển đổi mô hình quản lý chợ và triển khai thực hiện chuyển đổi mô hình tổ chức, kinh doanh và quản lý các chợ trên địa bàn.

Hiện nay, các chợ giao cho doanh nghiệp quản lý đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khang trang, đáp ứng các tiêu chí về văn minh thương mại, đảm bảo phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường… Công tác quản lý, khai thác và vận hành được doanh nghiệp triển khai hiệu quả, bài bản. Bên cạnh đó, các chợ sau khi được giao cho doanh nghiệp khai thác đều tăng thu ngân sách so với hình thức quản lý cũ; tạo việc làm cho lao động nông thôn, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của địa phương.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202312/chuyen-doi-mo-hinh-quan-ly-cho-da-loi-ich-2951d98/