Chuyển đổi cây trồng trên đất mía: Thận trọng, 'nghe ngóng' thị trường

Thời gian qua, giá thu mua mía nguyên liệu xuống thấp khiến nhiều hộ trồng mía chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. Chỉ sau 1 năm, diện tích mía nguyên liệu của tỉnh giảm từ 8.465 ha (tháng 6 - 2018) xuống còn 4.456,1 ha. Diện tích mía phế canh liên tục tăng thay thế bằng nhiều loại cây trồng khác.

Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, việc chuyển đổi cây trồng trên đất mía cần tuân thủ đúng quy hoạch của từng địa phương và đang rất cần sự hỗ trợ, định hướng của chính quyền, ngành chuyên môn của tỉnh.

Là một trong những xã có diện tích phế canh mía ít nhất Chiêm Hóa, Phúc Thịnh hiện còn hơn 60 ha mía nguyên liệu. Ông Triệu Quang Hải, Chủ tịch UBND xã cho biết, so với thời điểm cuối năm 2018, diện tích mía nguyên liệu của Phúc Thịnh giảm khoảng 10 ha. Theo ông Hải, mặc dù xã vận động, khuyến khích bà con áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng năng suất mía, nhưng việc có giữ được 60 ha mía còn lại hay không phụ thuộc chủ yếu vào người dân.

Một số hộ dân tại thôn Đồng Lường, xã Bình Xa (Hàm Yên) đưa cây sắn vào trồng sau khi phế canh mía.

Một số hộ dân tại thôn Đồng Lường, xã Bình Xa (Hàm Yên) đưa cây sắn vào trồng sau khi phế canh mía.

Từ một xã có 183 ha mía nguyên liệu, đến thời điểm này, Tân Thịnh (Chiêm Hóa) chỉ còn hơn 90 ha. Theo Chủ tịch UBND xã Lê Mạnh Cường, cây mía gắn bó với người dân Tân Thịnh từ nhiều năm nay. Đã từng có thời điểm, doanh thu từ cây mía của người dân trong xã đạt 13 tỷ đồng. Tại những diện tích phế canh, người dân ở xã chủ yếu chuyển sang 2 cây trồng là ngô và sắn. Vì rất nhiều người dân vẫn mặn mà với cây mía, nên hầu hết bà con trồng 2 loại cây trồng ngắn ngày để khi giá mía nguyên liệu ổn định trở lại, sẽ quay lại với cây mía.

Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người trồng mía ở Thái Sơn (Hàm Yên). Chị Đào Thị Thanh Bình, cán bộ khuyến nông xã cho biết, hiện diện tích mía ở Thái Sơn còn khoảng 35 ha, giảm hơn 40 ha so với thời điểm cuối năm 2018. Sau khi phá bỏ diện tích mía, nhiều hộ gia đình vẫn đang “nghe ngóng” thị trường và chỉ trồng một số cây ngắn ngày như ngô, sắn…

Xã Phúc Ninh (Yên Sơn) cũng là một trong những địa phương có diện tích mía phế canh tăng nhanh. Ông Vũ Thành Trung, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, rà soát cuối năm 2018, cả xã vẫn còn khoảng 100 ha mía nguyên liệu, trong đó có khoảng 80 ha mía có hợp đồng thu mua với Nhà máy đường. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm, diện tích mía còn lại khoảng 40 ha. Diện tích phế canh mía giờ được thay thế bằng nhiều loại cây ăn quả, như bưởi, ổi, cam, thanh long, na…

Rà soát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện đã có 4.008,9 ha mía phế canh. Sau phế canh, hầu hết người dân đã chuyển đổi sang một số cây trồng khác. Trong đó, nhiều nhất là chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp tại khu vực đất đồi, đất dốc với 1.448,7 ha; chuyển đổi sang trồng ngô là 753,6 ha, cây ăn quả là 475 ha, sắn là 424,4 ha, còn lại là các cây trồng khác như lạc, rau đậu, dong riềng, cỏ voi, chuối… Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, việc đưa một số cây trồng khác vào trồng sau phế canh mía cũng là biện pháp luân canh nhằm hạn chế một số loại sâu bệnh cho mía. Hiện chi cục đang cùng các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích đã phế canh và đã chuyển đổi, đánh giá hiệu quả các loại cây trồng đã chuyển đổi, trong đó khuyến cáo người dân sử dụng các loại cây trồng nằm trong cơ cấu cây trồng của tỉnh.

Cây mía hiện vẫn là cây trồng chủ lực của tỉnh, là một trong số ít cây trồng có hợp đồng tiêu thụ giữa doanh nghiệp với người dân, vì vậy, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân các địa phương chia sẻ khó khăn với ngành mía đường, duy trì diện tích mía hiện có và tiếp tục trồng mới, trồng lại cây mía, đảm bảo phát triển theo đúng quy hoạch.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/chuyen-doi-cay-trong-tren-dat-mia-than-trong-nghe-ngong-thi-truong-119752.html