Chuyến đi cuối cùng đến Trung Quốc của ông Kissinger

Chuyến xuất ngoại cuối cùng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger là đến Trung Quốc để thúc đẩy cải thiện mối quan hệ của Mỹ với cường quốc châu Á.

Tối 29/11 (sáng 30/11 giờ Hà Nội), Công ty tư vấn Kissinger Associates của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger thông báo ông đã qua đời. Ông Kissinger từng là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ từ tháng 1/1969 đến tháng 11/1975 và làm ngoại trưởng từ tháng 9/1973 đến tháng 1/1977, dưới hai đời tổng thống Mỹ là Richard Nixon và Gerald Ford.

Cuối đời, ông Kissinger vẫn có những hoạt động ngoại giao đáng chú ý, tham dự các cuộc họp ở Nhà Trắng, xuất bản cuốn sách về phong cách lãnh đạo và điều trần trước ủy ban Thượng viện về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Chuyến thăm bất ngờ của ông tới Bắc Kinh để gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 7 từng gây sự chú ý của dư luận thế giới.

Hình ảnh ông Henry Kissinger tham dự lễ trao giải của Học viện Mỹ tại Cung điện Charlottenburg ở Berlin, Đức, vào ngày 21/1/2020 (Ảnh: Reuters)

Đón tiếp nồng hậu

Quan hệ Mỹ - Trung rơi vào trạng thái căng thẳng thời gian qua, liên quan đến các vấn đề thuế quan, công nghệ, Đài Loan, khinh khí cầu do thám... Tuy nhiên, Washington đã có những tín hiệu tích cực để nối lại đối thoại với Bắc Kinh. Mới đây, quan hệ Mỹ - Trung đã có những tín hiệu tích cực khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình có cuộc hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11.

Trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đặc phái viên Tổng thống về chính sách khí hậu John Kerry. Thế nhưng, trong 3 người này, Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ họp trực tiếp với Ngoại trưởng Blinken.

Trong khi đó, lãnh đạo Trung Quốc lại dành sự đón tiếp nồng hậu khác thường cho Henry Kissinger, người tạo nền móng để Bắc Kinh - Washington thiết lập quan hệ ngoại giao hơn nửa thế kỷ trước, khi cựu ngoại trưởng Mỹ đến thăm Bắc Kinh hồi tháng 7.

Ông Tập Cận Bình đón cựu Ngoại trưởng Kissinger ở Nhà khách Chính phủ Điếu Ngư Đài. Hai người ngồi ngang hàng bên một bàn trà nhỏ, thể hiện không khí thân thiện.

Không chỉ được Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón, ông Kissinger còn gặp quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc thời điểm đó là ông Lý Thượng Phúc. Hơn nữa, các phát biểu của giới lãnh đạo Trung Quốc dành cho ông Kissinger cũng thể hiện rõ thái độ nồng nhiệt.

Chủ tịch Tập Cận Bình dùng những ngôn từ trọng thị hơn khi gọi ông Kissinger là "lão bằng hữu nhân dân Trung Quốc không bao giờ quên", đồng thời khẳng định "quan hệ Trung - Mỹ luôn luôn gắn liền với tên tuổi Henry Kissinger".

Trong cuộc gặp với ông Kissinger, ông Vương Nghị gọi cựu ngoại trưởng Mỹ là người "có những đóng góp lịch sử trong phá băng quan hệ Mỹ - Trung, giữ vai trò không thể thay thế trong củng cố sự thấu hiểu lẫn nhau giữa hai nước".

Theo chuyên gia chính trị quốc tế Daniel Drezner, Trường Fletcher về Luật và Ngoại giao thuộc Đại học Tufts của Mỹ, "Bắc Kinh biệt đãi Kissinger để phát tín hiệu rằng mối quan hệ sẽ tốt lên đáng kể nếu Washington đảo chiều chính sách đối ngoại, trở về tương tự thời của Kissinger".

Triệu Tuệ Sinh, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Mỹ - Trung thuộc Đại học Denver của Mỹ, cho rằng chuyến thăm của cựu Ngoại trưởng Kissinger cho thấy Bắc Kinh đang ưu tiên nhiều hơn cho những tiếp xúc kiểu ngoại giao nhân dân không chính thức, thay vì những cuộc gặp cấp cao trực tiếp với quan chức Washington.

Đề cập đến chuyến thăm của ông Kissinger đến Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Kissinger đến Trung Quốc với tư cách một người dân bình thường và không đại diện cho chính phủ. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby còn bình luận cách Bắc Kinh tiếp đón Kissinger là "thực tế đáng tiếc, khi một công dân bình thường có thể gặp và trao đổi cùng Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, nhưng đại diện chính phủ Mỹ lại không thể".

Hình ảnh ông Henry Kissinger thăm Trung Quốc hồi tháng 7. (Ảnh: Reuters)

Ảnh hưởng của ông Kissinger

Theo chuyên gia Daniel Drezner, chuyến thăm của Kissinger chủ yếu mang lại lợi ích cho cá nhân cựu Ngoại trưởng Mỹ, thay vì tác động lên quan hệ song phương Mỹ - Trung. Những biệt đãi tại Bắc Kinh làm tăng danh tiếng cho Kissinger trong mắt những tập đoàn muốn tìm đến lời khuyên của ông, thông qua Công ty tư vấn Kissinger Associates, khi tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Ông Kissinger từng đóng vai trò quyết định trong lịch sử quan hệ Mỹ - Trung, với chuyến thăm bí mật đến Bắc Kinh vào tháng 7/1971 đã mở đường cho Tổng thống Mỹ khi đó là ông Richard Nixon đến Trung Quốc một năm sau, dẫn đến bình thường hóa quan hệ song phương.

Bắc Kinh vẫn xem ông Kissinger là "người bạn của Trung Quốc". Ông Kissinger cũng nhiều lần phản đối Washington theo đuổi lập trường gay gắt với Bắc Kinh, bày tỏ lo ngại viễn cảnh "thảm họa" nếu như đối đầu Mỹ - Trung vượt kiểm soát và trở thành xung đột.

Hồi tháng 5, tờ Hoàn cầu Thời báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ca ngợi ông Kissinger "vẫn giữ được đầu óc sắc bén dù đã bước vào hàng bách niên".

Theo tờ China Daily, ông Kissinger đã đến thăm Trung Quốc hơn 100 lần trong 52 năm qua và được nhiều người Trung Quốc coi là người bạn lâu năm của nhân dân Trung Quốc, người đã có những đóng góp lịch sử cho sự phát triển của quan hệ Trung - Mỹ.

Kông Anh (Nguồn: Tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-di-cuoi-cung-den-trung-quoc-cua-ong-kissinger-ar837500.html