Chuyên đề: Phát triển kinh tế rừng: Khai thác các mô hình kinh tế dưới tán rừng

Thời gian qua, Đồng Nai đã phát triển kinh tế rừng theo hướng đa dụng. Cụ thể là triển khai các mô hình kết hợp trồng dược liệu trong rừng sản xuất, nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn. Việc lấy ngắn nuôi dài rất cần thiết để bảo đảm hiệu quả bảo vệ rừng và tăng độ che phủ của rừng trong tương lai.

Mô hình trồng thử nghiệm linh chi dưới tán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc. Ảnh: B.Nguyên

Với lợi thế diện tích đất rừng lớn, nhất là diện tích rừng trồng, Đồng Nai rất quan tâm phát triển kinh tế rừng. Tuy nhiên, tỉnh chưa khai thác hiệu quả các mô hình kinh tế rừng do còn nhiều rào cản về cơ chế, chính sách.

Triển khai nhiều mô hình dưới tán rừng

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về diện tích đất rừng, các địa phương có rừng trên địa bàn tỉnh đã triển khai một số mô hình kinh tế rừng như: Nuôi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn ở huyện Nhơn Trạch, huyện Long Thành; mô hình nông lâm kết hợp như trồng dược liệu dưới tán rừng, du lịch sinh thái rừng ở các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán…

Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 124 ngàn hécta rừng tự nhiên, tập trung ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn), Vườn Quốc gia Cát Tiên, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà... Trong các rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh có cả ngàn loài cây dược liệu đang sinh trưởng.

Dự án “Vườn cây thuốc quốc gia Nam Bộ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai” giai đoạn 2021-2030 là một trong những mô hình kinh tế rừng được Đồng Nai triển khai khá sớm. Theo báo cáo của Khu bảo tồn, đơn vị đề xuất xây dựng Vườn cây thuốc quốc gia Nam Bộ với diện tích khoảng 200 hécta. Vườn sẽ chia ra làm 3 khu vực gồm: Khu vực bảo tồn; khu vực nghiên cứu và phát triển; khu vực hành chính và dịch vụ. Vườn thuốc này sẽ sưu tập, bảo tồn, lưu trữ các loài cây thuốc, nhất là với những loại dược liệu quý; sẽ xây dựng các quy trình gây giống, trồng, khai thác đồng thời chuyển giao cho người dân tại địa phương phát triển cây dược liệu và quảng bá về nguồn dược liệu gắn với phát triển tham quan du lịch.

Theo kết quả đánh giá, điều tra, tại Khu bảo tồn hiện có trên 900 loại cây thuốc, trong đó có nhiều loại đặc hữu, quý hiếm. Dự án Vườn cây thuốc quốc gia Nam Bộ tại Khu bảo tồn đã sưu tập và trồng được hơn 300 loài cây thuốc, phần lớn là cây thuốc có giá trị. Vùng này về thổ nhưỡng, sinh thái, thời tiết, môi trường rất phù hợp để xây dựng vườn cây thuốc quốc gia. Việc phát triển, bảo tồn các cây dược liệu quý hiếm tại các rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, từ đó nhân rộng để người dân tại địa phương có thể trồng cây dược liệu nhằm tăng thu nhập. Mục tiêu của dự án trên phải vừa đảm bảo mục tiêu về kinh tế; vừa có giá trị về giáo dục chính trị, môi trường sinh thái, về đa dạng sinh học…

Năm 2023, đề tài “Nghiên cứu mô hình trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng keo lai” do Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai chủ trì thực hiện được công nhận là đề tài khoa học - công nghệ cấp tỉnh. Năm 2018, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã tiến hành trồng thử nghiệm 300 phôi nấm linh chi tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp La Ngà (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán). Kết quả, nấm linh chi đỏ sinh trưởng tốt và sản phẩm đạt chất lượng cao. Đề tài này đã thu hút được doanh nghiệp tham gia với mục tiêu ứng dụng kết quả nghiên cứu nhân rộng vào thực tế, nhằm thương mại hóa sản phẩm. Qua đó góp phần tạo công việc làm và phát triển kinh tế cho các hộ dân đang nhận khoán trồng và giữ rừng phòng hộ tại địa phương.

Hiện toàn tỉnh có hơn 48,5 ngàn hécta rừng trồng. Trong đó, việc kinh doanh phát triển rừng sản xuất, kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng, nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm lâm nghiệp là mục tiêu ngành lâm nghiệp Đồng Nai đang hướng đến.

Cần gỡ rào cản về chính sách

Tuy nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng đã chứng minh hiệu quả nhưng đến nay, những mô hình này vẫn khó nhân rộng do còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, có rào cản không nhỏ về mặt chính sách.

Cụ thể, dự án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng The Coi tại khu vực thuê môi trường rừng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú (huyện Định Quán) được doanh nghiệp đầu tư với nội dung thuê 10 điểm trong rừng phòng hộ Tân Phú với tổng diện tích khoảng 480 hécta. Dự án sẽ xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong khu vực thuê môi trường rừng. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, dự án chưa được phê duyệt do vướng rất nhiều quy định trong việc thuê môi trường rừng, trong đầu tư xây dựng, đầu tư về đường, điện…

Dự án “Vườn cây thuốc quốc gia Nam Bộ tại Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai” qua nhiều năm thực hiện vẫn nằm trên giấy. Khu bảo tồn vẫn tiếp tục có nhiều đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh và các sở, ngành hỗ trợ, đặc biệt tháo gỡ những vướng mắc về mặt chính sách, cơ chế để đề án được triển khai.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho biết, Đồng Nai đóng cửa rừng từ lâu. Tuy nhiên, quan điểm phát triển rừng của tỉnh là bảo vệ rừng gắn với tăng khai thác kinh tế rừng, tạo đa giá trị cho rừng và không làm tổn hại rừng. Ở đây, cần tạo sinh kế cho rừng để đến 1 ngày rừng tự nuôi rừng chứ không phải tốn kinh phí nhà nước để duy trì, bảo vệ rừng như thời gian qua.

Theo ông Lê Văn Gọi, hiện nay, có nhiều mô hình phát triển kinh tế rừng đã được triển khai thí điểm hoặc ứng dụng trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển rừng theo hướng đa giá trị như: Nuôi thủy sản trong rừng ngập mặn; trồng dược liệu dưới tán rừng, kinh doanh du lịch rừng… Đồng Nai không thiếu mô hình kinh tế rừng hay, hiệu quả nhưng vẫn khó triển khai hoặc nhân rộng vào thực tế do rào cản về pháp lý. Tiêu biểu, nhiều dự án du lịch rừng vẫn chưa có sự đồng bộ về mặt pháp lý khiến việc triển khai vào thực tế còn nhiều rào cản. Ông Gọi cho biết thêm: “Những vướng mắc, khó khăn về mặt pháp lý, Chính phủ đã thấy và đang tháo gỡ. Đồng Nai cũng rất quan tâm hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp, người trồng rừng, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế rừng trong thời gian tới”.

Thạc sĩ NGÔ VĂN VINH, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, chủ nhiệm thực hiện đề tài “Nghiên cứu mô hình trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng keo lai”: Đồng Nai phù hợp để trồng nấm linh chi dưới tán rừng

Sau hơn 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, đề tài đã xác định được nguyên liệu tạo phôi giống nấm, kỹ thuật sản xuất phôi giống nấm linh chi bằng khúc gỗ keo lai; xây dựng kỹ thuật trồng nấm trên rừng keo lai; kỹ thuật sơ chế bảo quản nấm linh chi sau thu hoạch; quy trình sản xuất giống nấm linh chi đỏ phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng tại Đồng Nai. Đề tài này hoàn toàn có khả năng ứng dụng và nhân rộng vào thực tế sản xuất.

Thực tế, giá trị kinh tế thu trên diện tích đất rừng hiện rất thấp, bình quân chỉ thu được khoảng 20-25 triệu đồng/hécta/năm. Trong nhiều năm qua, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai rất quan tâm tìm kiếm, áp dụng các mô hình nhằm vừa đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất vừa tăng nguồn thu, ổn định cuộc sống cho người trồng rừng nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Mô hình trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng keo lai bước đầu cho thấy nhiều hiệu quả tích cực như: phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại địa phương; tận dụng nguồn đất rừng trồng vốn có. Nếu nhân rộng mô hình này thành công vào thực tế sẽ giải được bài toán sinh kế cho người trồng rừng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững hơn.

Ông LẠI VĂN LUYẾN, nông dân tại xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc): Thu tiền tỷ với mô hình xen canh cây rau dưới tán rừng trồng

Tôi là nông dân đi tiên phong tại địa phương trong thử nghiệm mô hình nông lâm kết hợp khi trồng rau ngót dưới tán rừng gỗ sưa. Hiện tôi đã nhân rộng được mô hình này ra 5 hécta.

Cây sưa là loài gỗ quý mang lại giá trị kinh tế cao nhưng cần đến hàng chục năm mới cho thu hoạch khiến nông dân e ngại đầu tư. Mô hình nông - lâm kết hợp, trồng rau ngót dưới tán cây rừng này giúp nông dân có thu hoạch ngay, có vốn tiếp tục đầu tư trồng cây rừng. Hiện chỉ tính thu nhập từ rau ngót, đây đã là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao vì 1 hécta trồng rau dưới tán rừng, tôi đạt doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm. Cây gỗ sưa có bộ rễ bám sâu, tỉa cành nhánh đi vẫn phát triển tốt nên trồng xen canh trong vườn rau lại nhanh lớn hơn nhờ tận dụng được nguồn phân, nước chăm sóc cho rau. Hiệu quả của mô hình này giúp nông dân làm giàu. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này cho các hộ dân khác.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/chuyen-de-phat-trien-kinh-te-rung-khai-thac-cac-mo-hinh-kinh-te-duoi-tan-rung-6187325/