Chuyên đề: Nhà giáo - nghề và nghiệp: Vinh danh giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin

Tuần lễ Văn hóa - giáo dục TP.Biên Hòa được tổ chức lần đầu tiên nhằm tôn vinh đội ngũ nhà giáo nhân ngày 20-11, giới thiệu nhiều mô hình mới, cách làm hay, sáng tạo của giáo viên, học sinh toàn thành phố.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng (bìa trái) tham quan, tìm hiểu về các bài giảng ứng dụng công nghệ thông tin được trưng bày, giới thiệu tại Tuần lễ Văn hóa - giáo dục TP.Biên Hòa lần thứ nhất. Ảnh: H.Yến

Trong số khoảng hơn 20 gian hàng của tuần lễ, TP.Biên Hòa dành riêng 1 gian hàng để giới thiệu về các sản phẩm đã đoạt giải nhất cuộc thi giáo viên giỏi ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) cấp tỉnh và cấp quốc gia; giải nhất cuộc thi Thiết kế bài giảng điện tử do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đây không chỉ là cách để biểu dương thành tích của các giáo viên mà còn là cơ hội để giáo viên toàn thành phố trao đổi, học hỏi thêm về việc ứng dụng CNTT trong dạy học.

* Ứng dụng AI trong thiết kế bài giảng điện tử

Đó là các bài giảng ứng dụng CNTT được chuẩn bị, thiết kế công phu, mang lại hiệu quả cao trong dạy học, được học sinh hào hứng đón nhận. Gian hàng gồm 11 sản phẩm của các tác giả, nhóm tác giả: Nguyễn Văn Hành, Trường THCS Võ Trường Toản; Trần Đình Cao Sơn, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh; Trần Quang Trường, Trường TH-THCS-THPT Song ngữ Á Châu; Trương Ngọc Phương Tuyền, Trường tiểu học Tân Phong 1; Nguyễn Thành Hiệp, Trường tiểu học Hòa Bình; Nguyễn Thị Như Phương, Trường THCS Hoàng Diệu; Vũ Hà Phương, Trường tiểu học An Hảo; Nguyễn Thị Thu Thảo, Trường TH-THCS-THPT Thái Bình Dương; Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Thúy Hằng, Vũ Thị Thùy Trang, Trường tiểu học Bình Đa; Trần Ngọc Phương Thảo, Trường mầm non Hướng Dương; Nguyễn Thế Đức, Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu.

Là giáo viên trẻ, năng động, tiếp cận nhiều với CNTT, thầy Trần Đình Cao Sơn, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh đã ứng dụng công nghệ AI trong thiết kế bài giảng điện tử. Sản phẩm này đã đoạt giải nhất cuộc thi Giáo viên giỏi ứng dụng CNTT trong dạy học tỉnh Đồng Nai năm 2023.

Theo lời thầy Sơn, bài giảng điện tử này được thiết kế với mục đích có thể kết hợp “2 trong 1”: vừa dùng để dạy học trên lớp đồng thời có thể cho học sinh tự ôn tập tại nhà. Theo đó, thầy giáo trẻ này đã sử dụng một số video được thiết kế bằng công nghệ AI. Để làm được video này, thầy Sơn đã sử dụng 1 tấm hình của mình, cung cấp văn bản để AI đọc bài giảng. Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian quay video cho giáo viên đồng thời gây được sự thích thú cho học sinh.

Trưởng phòng GD-ĐT VÕ VĂN MINH chia sẻ: Đây là lần đầu tiên TP.Biên Hòa tổ chức tuần lễ Văn hóa - giáo dục, dưới góc độ là nhà giáo, tôi rất cảm động trước sự quan tâm của thành phố đối với ngành Giáo dục.

Ngoài ra, trong bài giảng này, thầy Sơn cũng thiết kế một số trò chơi để tăng sự tương tác của học sinh; sử dụng một số hình ảnh liên quan đến tỉnh Đồng Nai để cung cấp thêm kiến thức địa phương cho học sinh. Ở phần luyện tập, khi học sinh làm xong thì kết quả được tự động gửi về email của giáo viên, giúp giáo viên tổng kết được kết quả học tập của học sinh.

Thầy Sơn chia sẻ: “Việc ứng dụng công nghệ AI trong thiết kế bài giảng là phù hợp với thời công nghệ 4.0. Mục đích của việc ứng dụng này không chỉ giúp học sinh hứng thú hơn trong học tập mà còn giúp các em hiểu thêm về công nghệ, tiếp cận được với công nghệ mới”.

Góp mặt trong Tuần lễ Văn hóa - giáo dục TP.Biên Hòa, cô Trần Ngọc Phương Thảo, giáo viên Trường mầm non Hướng Dương mang đến sản phẩm bài giảng điện tử thiết kế từ phần mềm PowerPoint kết hợp với class point. 2 phần mềm này không mới nhưng đã tạo được sự tương tác với học sinh trong quá trình dạy học. Cô Phương Thảo cho hay: “Việc ứng dụng CNTT trong dạy học đối với trẻ mầm non yêu cầu giáo viên phải thiết kế những bài giảng nhằm phát huy tối đa sự tương tác của học sinh trong giờ học (được chạm tay vào màn hình, tham gia trò chơi) và có sự kết hợp đa phương tiện (video, âm thanh sinh động, hấp dẫn)”.

Điểm đặc biệt trong bài giảng CNTT của cô Phương Thảo là có kết hợp với sách điện tử. Những cuốn sách điện tử này do chính cô thiết kế bằng phần mềm Canva sau đó tải lên ứng dụng. Mỗi cuốn sách được cấp 1 mã QR riêng, người dùng chỉ cần quét mã QR và sử dụng để dạy học. Giải pháp sách điện tử của cô giáo trẻ này từng đoạt giải nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đồng Nai.

Cô Phương Thảo cho hay, mỗi cuốn sách điện tử dành cho trẻ, cô mất khoảng 3-4 ngày thiết kế. Đến nay cô đã có khoảng 10 cuốn sách. Những mã QR sách đã được cô chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội và được nhiều giáo viên trên cả nước sử dụng.

* Tiếp thêm động lực cho giáo viên trẻ

Thực tế, việc ứng dụng CNTT trong dạy học đã triển khai từ nhiều năm nay. Việc ứng dụng CNTT giúp cho hoạt động dạy học thêm hiệu quả, giúp học sinh dễ hiểu, hào hứng hơn trong học tập. Cùng với xu hướng chuyển đổi số, việc ứng dụng CNTT trong quản trị nhà trường cũng đã được đẩy mạnh.

Trưởng phòng GD-ĐT Võ Văn Minh cho biết: “Sản phẩm xuất sắc về ứng dụng CNTT của các thầy cô giáo thì có nhiều nhưng do không gian có hạn nên trong khuôn khổ Tuần lễ Văn hóa - giáo dục lần thứ nhất, Phòng GD-ĐT chỉ chọn lựa 11 sản phẩm bài giảng tiêu biểu nhất của 3 bậc học: mầm non, tiểu học, THCS để giới thiệu”.

Một điểm chung không khó để nhận thấy là các tác giả đoạt giải cao về ứng dụng CNTT trong dạy học hầu hết đều là giáo viên trẻ, thậm chí là giáo viên chỉ mới chập chững bước vào nghề dạy học.

Năm học 2023-2024 là năm học đầu tiên mà cô Vũ Hà Phương, giáo viên Trường tiểu học An Hảo được đứng trên bục giảng với vai trò giáo viên. Sẵn vốn kiến thức về CNTT được tích lũy trong quá trình học tập và học hỏi thêm từ đồng nghiệp, cô giáo Hà Phương thường xuyên thiết kế bài giảng có ứng dụng CNTT. Với bài giảng Động vật sống ở đâu, môn Khoa học tự nhiên lớp 2, cô giáo trẻ này đã xuất sắc đoạt giải nhất cuộc thi giáo viên giỏi ứng dụng CNTT cấp tỉnh năm nay. Bài giảng được cô Hà Phương thiết kế trên phần mềm Activ-Inspire, khơi dậy sự hứng thú và tăng cường sự tương tác của học sinh khi học.

Quả ngọt đầu tay này đã mang đến cho cô giáo trẻ niềm hân hoan và hạnh phúc, tiếp thêm động lực để cô vững tâm gắn bó với nghề dạy học. Hà Phương tâm sự: “Vui và tự hào vì bản thân mình là giáo viên; tự hào vì TP.Biên Hòa đã có tuần lễ dành riêng cho ngành giáo dục. Với riêng bản thân tôi, khi vinh dự và may mắn có sản phẩm bài giảng ứng dụng CNTT được giới thiệu chung với các đồng nghiệp ở các trường học khác trong Tuần lễ Văn hóa - giáo dục, tôi thấy mình cần học hỏi thêm nhiều điều từ các anh chị đi trước để hoàn thiện bản thân hơn”.

Cũng có sản phẩm được trưng bày tại Tuần lễ Văn hóa - giáo dục TP.Biên Hòa, cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Trường tiểu học Bình Đa vui mừng cho biết: “Đây là niềm vinh hạnh, tự hào của nhóm tác giả nói riêng và nhà trường nói chung; là niềm hạnh phúc của các nhà giáo khi được thành phố tổ chức Tuần lễ Văn hóa - giáo dục. Đến với tuần lễ là cơ hội rất lớn để giáo viên các trường được giao lưu, học tập nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, đầu tư nhiều hơn cho các bài giảng, hoạt động chuyên môn. Từ đó nâng cao chất lượng dạy và học, đồng thời góp phần quảng bá được văn hóa - giáo dục của Đồng Nai”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202311/chuyen-de-nha-giao-nghe-va-nghiep-vinh-danh-giao-vien-gioi-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-7fd50b3/