Chuyên đề 'Một thập kỷ di sản thế giới Tràng An-Hành trình kiến tạo và bảo tồn, phát huy giá trị'

Tiếp tục chương trình Hội thảo khoa học quốc tế 'Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới', chiều 27/4, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên hội thảo chuyên đề 1 'Một thập kỷ di sản thế giới Tràng An-Hành trình kiến tạo và bảo tồn, phát huy giá trị'. Đồng chủ trì có lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; lãnh đạo Sở Du lịch.

Quang cảnh Phiên hội thảo chuyên đề.

Phát biểu đề dẫn, đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, 10 năm sau khi được công nhận là Di sản thế giới, đây là thời điểm phù hợp để chúng ta nhìn lại, tìm kiếm các giải pháp mới để xây dựng, bảo tồn các giá trị nổi bật toàn cầu của Tràng An; tiếp tục sáng tạo, áp dụng các sản phẩm du lịch có chất lượng, mang chiều sâu văn hóa và khác biệt hơn.

Các đại biểu chủ trì phiên hội thảo.

Định hướng phát triển của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Ninh Bình với quan điểm: Hài hòa và tôn trọng; Tích hợp và bao dung, dựa trên 4 chủ thể: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân với các phương châm cơ bản: Biến di sản thành tài sản; biến văn hóa thành hàng hóa; biến tài nguyên thành tài chính; biến nguồn lực thành động lực; nhưng trên hết, vẫn lấy cộng đồng địa phương làm trung tâm để bảo vệ những di sản đặc hữu của khu di sản Tràng An. Mục tiêu là xây dựng tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo, cực tăng trưởng khu vực các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, hình mẫu kết hợp hài hòa giữa phục dựng, bảo tồn di sản và tăng trưởng xanh, hướng vào chất lượng phát triển.

Để phát triển Đô thị di sản theo hướng Toàn diện - Hiệu quả - Đặc thù, đồng chí Trần Song Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi về các nội dung: Xác nhận những tiền đề, dữ liệu, phương pháp luận để minh chứng giá trị lịch sử, khảo cổ học, nhân văn… xuyên suốt của di sản Tràng An làm cơ sở cho việc xây dựng đô thị di sản Tràng An. Từ dấu ấn định cư, không gian cảnh quan lịch sử đến không gian đương đại gắn với yếu tố Đô - Thành Hoa Lư qua các thời kỳ, cũng như tiếp nối đặc trưng trong quá trình chuyển hóa đô thị Ninh Bình ngày nay. Xây dựng đô thị di sản Hoa Lư nhìn từ mục tiêu thiên niên kỷ của UNESCO trên cơ sở định lượng giá trị di sản, đánh giá tiềm năng dựa trên nền tảng bảo tồn và bản sắc Ninh Bình. Thiết lập cơ chế, chính sách, xác định tiêu chí đặc thù áp dụng cho di sản Tràng An để tiếp tục giữ vững giá trị di sản, bổ sung những giá trị mới hoàn thiện hơn những giá trị cho khu di sản Tràng An - Ninh Bình.

Theo đó, tại phiên chuyên đề này, các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước đã tập trung phân tích, làm rõ các nội dung liên quan đến bề dày di sản khảo cổ học tiền Hoa Lư. TS. Nguyễn Việt cho rằng, hiếm có nơi nào tích tụ chứng cứ hoạt động của con người liên tục từ vài ba chục ngàn năm trước như ở đây, đặc biệt vùng đất này có sự quyện chặt giữa di sản tự nhiên và di sản văn hóa. Cho dù kinh đô Đại Việt chuyển về Thăng Long nhưng các chứng cứ khảo cổ học vẫn cho thấy vai trò quan trọng của sông núi, cổ tích Hoa Lư trong tiến trình sau đó của các đời Đại Việt.

TS. Nguyễn Việt khẳng định: Những điều này chính là cơ sở vững chắc cho sự ra đời của một thành phố Di sản thiên niên kỷ đầu tiên ở Việt Nam.

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện Nghiên cứu Định cư phát biểu tại hội thảo.

PGS.TS.KTS Nguyễn Hồng Thục - Viện Nghiên cứu Định cư đi sâu khai thác khía cạnh xây dựng đô thị di sản Hoa Lư nhìn từ mục tiêu thiên niên kỷ của UNESCO trên cơ sở định lượng giá trị di sản, đánh giá tiềm năng dựa trên nền tảng bảo tồn và bản sắc Ninh Bình. TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trao đổi nội dung xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho phát triển vùng Di sản Tràng An, Ninh Bình theo hướng bền vững.

TS. Ryan Rabett, Trường Đại học Queen's Belfast, Vương quốc Anh chia sẻ về Dự án SUNDASIA - một dự án khảo cổ được thực hiện tại Tràng An giai đoạn 2016-2022, có sự tham gia của các nhà nghiên cứu khảo cổ học Anh và Việt Nam đã khẳng định sinh kế lâu đời của cư dân ở Tràng An. Và vì thế ông cho rằng nghiên cứu bảo tồn di sản và sinh kế của cộng đồng địa phương là vấn đề rất được coi trọng trong quá trình bảo tồn tổng thể khu di sản Tràng An…

PGS.TS Nguyễn Quang Ngọc phát biểu tổng kết phiên hội thảo.

Ngoài ra, Hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến liên quan đến việc tạo dựng bản sắc đô thị di sản, thực trạng nghiên cứu và đề xuất mở rộng nghiên cứu khảo cổ.. Mỗi bài tham luận tại phiên hội thảo là những nghiên cứu quý giá bổ sung thêm tri thức khoa học cũng như gợi mở ý kiến xác thực, sâu sắc nhằm bổ sung và hoàn thiện hơn những chứng cứ, dữ liệu khoa học cho khu di sản Tràng An. Góp phần làm rõ hơn những giá trị căn cốt của di sản cũng như xác nhận thêm những giá trị thời đại mới làm tăng thêm giá trị đương đại của khu di sản.

Hội thảo cũng là cơ hội hợp tác tham khảo, học tập chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị di sản trong nước và thế giới; ý kiến đóng góp của các chuyên gia Việt Nam và quốc tế trong công tác bảo tồn; sự hợp tác giúp đỡ về khoa học và tài chính của các tổ chức quốc tế nhằm mục đích bảo tồn và phát huy tốt hơn nữa loại hình đô thị di sản này.

Nhóm PV

Hội thảo khoa học quốc tế "Phát huy vai trò, giá trị Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới"

Phiên tổng thể "Kết nối Đô thị di sản Tràng An với các thành phố di sản UNESCO"

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/chuyen-de-mot-thap-ky-di-san-the-gioi-trang-an-hanh-trinh/d20240427175022660.htm