Chuyên đề: Bảo tồn động vật hoang dã: Khai thác bền vững giá trị của động vật hoang dã

Đồng Nai là trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam, trong đó có cả ngàn loài động vật hoang dã (ĐVHD) được bảo tồn. Nếu có thể phát triển du lịch kết hợp với bảo tồn ĐVHD, tỉnh sẽ có thêm nguồn thu để tái đầu tư cho công tác bảo vệ các loài được tốt hơn.

Đồ họa thể hiện số lượng loài động vật hoang dã hiện có tại một số rừng, vườn quốc gia, khu bảo tồn ở Đồng Nai (Thông tin: Hương Giang - Đồ họa: Hải Hà)

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 144,8 ngàn ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, tập trung ở các huyện Vĩnh Cửu, Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và Nhơn Trạch. Rừng của Đồng Nai có phong cảnh đẹp với nhiều loài động, thực vật quý hiếm rất thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu phát triển bảo tồn các loài để giảm nguy cơ tuyệt chủng.

* Khai thác du lịch đi đôi với bảo tồn

Trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030 của Đồng Nai, nhiều diện tích đất rừng sẽ được đầu tư phát triển du lịch sinh thái để khai thác giá trị từ rừng. Mục đích là để tăng thu cho ngân sách nhà nước có thêm khoản tái đầu tư cho công tác chăm sóc, bảo vệ, phát triển rừng, trong đó gồm các loài thực vật, ĐVHD quý hiếm. Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, rừng ngập mặn Nhơn Trạch, núi Chứa Chan, rừng phòng hộ Tân Phú đều là những nơi có rất nhiều loài ĐVHD sinh sống, tạo nên đa dạng sinh học và cân bằng môi trường.

Theo Sở KH-ĐT, từ cuối năm 2022, tỉnh đã mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào 6 khu du lịch ở huyện Xuân Lộc, Tân Phú, Thống Nhất và Vĩnh Cửu với hơn 1,1 tỷ USD. Trong đó, riêng H.Vĩnh Cửu có 2 dự án là Khu du lịch sinh thái hồ Bà Hào khoảng 420ha và vốn đầu tư 170 triệu USD, khu safari rộng hơn 400ha và vốn đầu tư 130 triệu USD. Các dự án trên đều hướng đến khai thác lợi thế từ rừng tự nhiên nhưng vẫn đảm bảo được công tác bảo tồn đa dạng sinh học, không gây ảnh hưởng, xung đột đến môi trường sống của các loài động, thực vật trong tự nhiên.

Hiện nay, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đang phối hợp với Cục Lâm nghiệp và Tổ chức Quốc tế đối xử nhân đạo với động vật (HIS) để tiến hành giám sát quần thể voi rừng tại Đồng Nai. Vì tỉnh là nơi có đàn voi lớn thứ 2 trên cả nước.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai cho hay, cuối năm 2023, UBND tỉnh đã có Quyết định số 3489/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai giai đoạn 2021-2030. Đây sẽ là căn cứ để Khu Bảo tồn mời gọi doanh nghiệp đầu tư dự án phát triển du lịch sinh thái rừng. Đồng thời, Khu Bảo tồn sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện nhanh các thủ tục để triển khai dự án để sớm đưa vào khai thác góp phần phát triển du lịch của tỉnh. Quá trình phát triển du lịch sẽ kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa bảo tồn và phát triển bền vững, nghiêm cấm tất cả các hành vi xâm hại đến hệ sinh thái rừng. Trong đề án có quy hoạch khu nuôi động vật bán hoang dã (safari).

Tuy không có biển, nhưng Đồng Nai lại có gần 8 ngàn ha rừng ngập mặn trải dài qua hai huyện Long Thành - Nhơn Trạch. Nơi đây được ví như “lá phổi xanh” của khu vực Đông Nam bộ và có hàng trăm loài ĐVHD đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Mỗi năm, rừng ngập mặn đón vài ngàn du khách đến tham quan, khám phá nét độc đáo của rừng. Từ nhiều năm trước, tỉnh đã quy hoạch phát triển du lịch sinh thái rừng.

Ông Võ Văn Cường, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành cho biết, rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch có phong cảnh rất đẹp, có nhiều loài động, thực vật hoang dã để du khách có thể tìm hiểu và khám phá. Hiện đề án phát triển du lịch rừng ngập mặn đang được gửi lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, khi hoàn thành sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi đề án được phê duyệt sẽ thu hút các doanh nghiệp đầu tư dự án, dự tính vốn đầu tư có thể lên đến hàng trăm triệu USD. Quá trình phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch sẽ đi đôi với bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học.

* Sẽ hình thành các tour xem thú hoang dã

Đồng Nai là địa phương còn giữ được diện tích rừng tự nhiên lớn nhất vùng Đông Nam bộ. Nhiều năm qua, tỉnh rất chú trọng đến công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng nên không để xảy ra các vụ vi phạm nghiêm trọng về phá rừng, cháy rừng, săn bắt ĐVHD. Nhiều năm qua, một số doanh nghiệp muốn triển khai các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng nhưng tỉnh đã cân nhắc rất kỹ. Yêu cầu đầu tiên của tỉnh là quá trình khai thác tiềm năng của rừng không được gây nguy hại đến đến hệ sinh thái của các loài động, thực vật. Các chủ rừng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm quản lý, bảo vệ được tài nguyên rừng, hệ sinh thái tự nhiên và đa dạng sinh học.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch rừng trên địa bàn tỉnh sẽ ký hợp đồng thuê môi trường rừng. Trước khi tiến hành cho thuê, các đơn vị chủ rừng sẽ phải thống kê tài nguyên rừng trên diện tích cho thuê để làm căn cứ cho thuê, giám sát, đánh giá. Các doanh nghiệp đầu tư vào dự án du lịch sinh thái rừng sẽ phải cam kết phát triển kinh doanh đi đôi với bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học và bảo vệ rừng.

Rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch là nơi lưu giữ nhiều loài động vật hoang dã

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi, về khai thác ĐVHD để phục vụ cho du lịch sinh thái có Công ty TNHH Khu du lịch sinh thái Vườn Xoài, Công ty CP du lịch Giang Điền, Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường. Các loài ĐVHD gây nuôi gồm các loài thông thường và quý hiếm, có nguồn gốc trong nước và nhập khẩu như: gấu, hổ, tê giác, khỉ, công, cheo cheo,… Còn đối với ĐVHD ngoài tự nhiên, hiện nay được bảo vệ, bảo tồn và phát triển khá tốt. Đây là điều kiện rất cần thiết để phát triển các loại hình du lịch, trong đó có tour đi xem thú hoang dã tự nhiên, điển hình là tour xem thú vào ban đêm, tham quan Trung tâm Cứu hộ gấu, ĐVHD khác tại Vườn quốc gia Cát Tiên đã thu hút lượng khách du lịch rất lớn trong và ngoài nước.

“Trong thời gian tới, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Trung tâm Văn hóa, thể thao, bảo tồn thiên nhiên núi Chứa Chan cũng đang từng bước xây dựng, tạo cảnh quan để phát triển tour xem thú tự nhiên. Đồng thời, Vườn quốc gia Cát Tiên tiếp tục phát huy mở thêm các tour xem thú mới như: tour xem cá sấu tại khu vực Bàu Sấu, xem các loài chim Công việt, Gà tiền…” - ông Gọi chia sẻ.

Đối với công tác nghiên cứu về ĐVHD tự nhiên, các chủ rừng đều có những chương trình điều tra, giám sát để đưa ra các giải pháp bảo vệ, bảo tồn và phát triển các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm như: bò tót, tê tê, gà tiền,…

Uyển Nhi

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202402/chuyen-de-bao-ton-dong-vat-hoang-da-khai-thac-ben-vung-gia-tri-cua-dong-vat-hoang-da-ef851a2/