Chuyện của những người 'giữ rừng'

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí phải đổ máu nhưng những cán bộ của Hạt Kiểm lâm Sốp Cộp, Ban quản lý rừng đặc dụng huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La vẫn ngày đêm tuần tra, bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên, rừng đặc dụng quý giá của miền núi Tây Bắc.

Những cánh rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La

Những cánh rừng đặc dụng trên địa bàn huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La

Giữa tháng 3 chúng tôi có dịp đến Sốp Cộp một huyện biên giới của tỉnh Sơn La nơi núi rừng Tây Bắc của tổ quốc phủ một màu xanh của những cánh rừng, điểm vào đó là sắc trắng giữa mùa hoa ban nở. Huyện Sốp Cộp hiện có gần 70.000 ha rừng, trong đó trên 33.500 ha rừng phòng hộ, 5.731 ha rừng đặc dụng, 25.641 ha rừng sản xuất và 4.813 ha rừng khác, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47,4%. Những năm qua để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp đã tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền các xã, bản tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nội quy, quy ước về bảo vệ rừng. Tổ chức triển khai thực hiện các chính sách về phát triển lâm nghiệp, chương trình dự án trồng, chăm sóc rừng, tăng độ che phủ, tính đa dạng sinh học phát huy hiệu quả của rừng trong việc bảo vệ môi trường và ổn định đời sống cho nhân dân.

Đi cùng lực lượng Kiểm lâm tuần tra, bảo vệ rừng trong mùa khô, anh Quàng Văn Minh, bản Tin Tốc, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La vui mừng chia sẻ: “ Được sự quan tâm của Kiểm lâm phụ trách địa bàn, tổ bảo vệ rừng của bản chúng tôi gồm 15 thành viên. Mùa khô hanh, nắng nóng này thường xuyên đi tuần tra bảo vệ rừng, tránh cháy rừng. Qua việc tuyên truyền của các đồng chí Kiểm lâm, người dân chúng tôi cũng nhận thức được lợi ích của việc bảo vệ rừng nên diện tích rừng tự nhiên và rừng phòng hộ được bảo vệ, giúp môi trường xanh, sạch, đẹp”

Cũng giống như anh Minh, sinh ra và lớn lên tại miền biên giới, cuộc sống gắn liền với thiên nhiên, với những cánh rừng xanh ngút ngàn. Từ khi tham gia tổ bảo vệ rừng của bản anh Cầm Thành Đạt luôn nhắc nhở bản thân giữ rừng là giữ cuộc sống xanh của bản thân và mọi người dân trong bản. Anh Đạt nói: “ Mỗi ngày trong bản có cử đi tuần tra rừng từ 1 đến 2 người nếu phát hiện cháy hay hành vi phá hoại rừng thì báo với kiểm lâm địa bàn để tuần tra, kiểm tra. Được kiểm lâm tuyên truyền từ đó ý thức người dân được nâng cao không vào trong rừng khai thác gỗ như ngày xưa nữa ”

Lực lượng Kiểm lâm cùng nhân dân tuần tra, bảo vệ rừng

Lực lượng Kiểm lâm cùng nhân dân tuần tra, bảo vệ rừng

Dẫn chúng tôi tham gia một buổi tuần tra tại khu rừng đặc dụng Ông Trần Ngọc Đoàn, Hạt phó, Hạt Kiểm lâm huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La chia sẻ: Tại huyện Sốp Cộp diện tích rừng rộng trung bình mỗi cán bộ Kiểm lâm phải quản lý trên 5000ha rừng. Đối với Hạt Kiểm lâm huyện khó khăn lớn nhất hiện tại Hạt đang quản lý hơn 66 nghìn ha rừng. Lực lượng biên chế của hạt tương đối mỏng, địa hình đi lại hiểm trở, vành đai biên giới giáp danh với nước bạn Lào nên công tác quản lí bảo vệ rừng đôi khi chưa kịp thời. Hạt mong huyện, Chi cục Kiểm lâm và Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La quan tâm bổ sung thêm biên chế cho hạt để hạt thực hiện tốt công tác quản lí, bảo vệ rừng trong thời gian tới.

Cung đường màu xanh trên miền biên giới

Cung đường màu xanh trên miền biên giới

Theo Nghị định 119 năm 2006 của Chính phủ về Tổ chức và hoạt động của Kiểm lâm thì cứ 1.000 ha rừng cần bố trí 1 kiểm lâm địa bàn. Để đáp ứng được yêu cầu về quản lý, bảo vệ rừng nhu cầu về nhân lực, đặc biệt là lực lượng Kiểm lâm trẻ là đặc biệt cần thiết.

Bên cạnh đó huyện Sốp Cộp đã triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Huy động sự phối hợp đồng bộ, thống nhất giữa kiểm lâm với các lực lượng chức năng trong công tác quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm. Trong quý I năm 2021 mặc dù thời tiết hanh khô nhưng trên địa bàn huyện không để xảy ra vụ cháy rừng nào.

Trao đổi với ông Lò Văn Việt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sốp Cộp về công tác quản lý bảo vệ rừng hiện nay các cấp chính quyền, các ngành chức năng của huyện đã nhanh chóng triển khai thực hiện các chính sách chi trả, hỗ trợ cho người dân được hưởng lợi từ rừng. Các biện pháp bảo vệ rừng phải được xây dựng trên cơ sở gắn với các hoạt động phát triển rừng và hướng tới cộng đồng. Chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể Hạt Kiểm lâm tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Ký cam kết về trách nhiệm bảo vệ rừng và quản lý lâm sản với các xã.

Mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng đặc dụng

Mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng đặc dụng

Huyện cũng xây dựng các mô hình kinh tế gắn với việc bảo vệ rừng như mô hình trồng cây dược liệu, cây sa nhân tím dưới tán rừng đặc dụng, vừa tạo được thảm thực vật xanh, hạn chế cháy rừng vừa giữ được độ ẩm cho đất mà nhân dân lại có thêm thu nhập. Sau 2 năm triển khai mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực ông Việt nói.

Những cánh rừng phủ một màu xanh

Những cánh rừng phủ một màu xanh

Rời Sốp Cộp khi trời đã xế chiều, sắc hồng của hoàng hôn xuyên qua những tán rừng tạo nên một bức tranh phong cảnh vô cùng bắt mắt. Chúng tôi lại nhớ lại tâm sự của những người Kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng luôn khó khăn vất vả, với những cuộc tuần tra bám bản, nằm rừng. Khó khăn là vậy nhưng những cán bộ Kiểm lâm nơi đây vẫn nhiệt huyết với nghề, cùng ăn, cùng ở, vận động nhân dân trồng rừng, giữ rừng, bảo vệ lá phổi xanh của vùng Tây Bắc.

Nguyễn Minh

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/chuyen-cua-nhung-nguoi-giu-rung-76349.html